Giảm nghèo bền vững: Cần những 'cú hích'

Giảm nghèo bền vững: Cần những 'cú hích'
8 giờ trướcBài gốc
Tuy nhiên, tại một số địa phương, tỷ lệ giảm hộ nghèo chưa đạt kỳ vọng và thiếu bền vững. Vì vậy, cần có giải pháp căn cơ nhằm tạo “cú hích” mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Chuyển biến từ đào tạo nghề, đa dạng sinh kế
Năm 2017, gia đình chị Triệu Thị Ngần từ tỉnh Tuyên Quang vào định cư tại làng Mông, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ. Do kinh phí hạn hẹp nên gia đình chỉ mua được gần 3 sào đất để trồng lúa và chăn nuôi gà.
Từ nguồn vốn của Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, vụ mùa 2024, chính quyền địa phương vận động chị tham gia mô hình trồng giống lúa chất lượng cao.
Bên cạnh được hỗ trợ giống và phân bón, chị được tạo điều kiện tham gia lớp học nghề trồng lúa năng suất cao và thực hành ngay tại ruộng.
“Qua lớp học, tôi được hướng dẫn kỹ thuật làm đất, gieo sạ và chăm sóc lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng, cách phát hiện và xử lý sâu bệnh kịp thời. Nhờ đó, vụ mùa vừa qua, 2 sào lúa nước của gia đình cho sản lượng hơn 1,5 tấn, tăng hơn 6 tạ so với những vụ trước.
Ngoài ra, đàn gà khoảng 100 con cũng sẽ bán vào dịp cuối năm, hứa hẹn mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Đây là động lực để gia đình tôi tiếp tục nỗ lực vượt khó, từng bước vươn lên thoát nghèo”-chị Ngần phấn khởi nói.
Chị Triệu Thị Ngần (làng Mông, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) phấn khởi khi vụ mùa vừa qua, lúa đạt năng suất cao. Ảnh: Đ.L
Làng Mông có 158 hộ, trong đó có 9 hộ nghèo. Trong vụ mùa vừa qua, toàn bộ số hộ nghèo trong làng được tạo điều kiện tham gia mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao và lớp học nghề trồng lúa.
Trưởng thôn Lý Kim Tuyền cho hay: “Nhờ được hỗ trợ giống lúa chất lượng, phân bón cũng như hướng dẫn quy trình canh tác ngay tại ruộng nên năng suất, chất lượng lúa đạt cao so với trước, góp phần cải thiện đời sống của người dân.
Tôi hy vọng trong thời gian tới, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ thêm nhiều mô hình sinh kế kết hợp đào tạo nghề để giúp bà con phát triển trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững”.
Gia đình chị Siu H’Yin (làng Tao Chor, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) là hộ nghèo. Cuộc sống gia đình thiếu trước hụt sau. Với mong muốn thoát khỏi cảnh đói nghèo, năm 2023, chị mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Pưh mua 2 con bò sinh sản để phát triển chăn nuôi.
Đầu năm 2024, từ nguồn vốn của Tiểu dự án 1-Dự án 3, chị H’Yin được hỗ trợ 1 con bò sinh sản và tham gia lớp học nghề chăm sóc, phòng trừ bệnh trên đàn bò.
Chị chia sẻ: “Sau khi tham gia lớp học nghề, mình đã biết chăm sóc đàn bò tốt hơn, biết cung cấp dinh dưỡng cho bò hợp lý, biết vệ sinh chuồng trại cũng như chủ động tiêm vắc xin và phòng trừ bệnh cho bò. Nhờ đó, đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt. Gia đình mình sẽ phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Chị Siu H’Yin (bìa trái, làng Tao Chor, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) áp dụng kiến thức đã học để chăm sóc đàn bò phát triển tốt hơn. Ảnh: Q.T
Ưu tiên nguồn lực để giảm nghèo
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh còn 23.852 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,06%, giảm 2,05% so với năm 2023; số hộ cận nghèo còn 34.526 hộ, chiếm tỷ lệ 8,77%, giảm 0,44% so với năm trước.
Việc triển khai hiệu quả các mô hình đa dạng hóa sinh kế kết hợp mở lớp đào tạo nghề tương ứng đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân trên địa bàn huyện Đak Pơ, nhất là người nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 3,35%.
Theo bà Trịnh Thị Thanh Hòa-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện: Thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, động viên bà con tự lực vươn lên trong lao động sản xuất, huyện tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình sinh kế.
Đồng thời, tổ chức các lớp học nghề cho lao động nông thôn theo hình thức “cầm tay chỉ việc” nhằm hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất.
Cùng với đó, chúng tôi cũng kiến nghị UBND tỉnh ban hành các quy định về trình tự, thủ tục, tiêu chí lựa chọn dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm hỗ trợ đúng đối tượng.
Còn ông Nguyễn Như Trường-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Pưh thì nêu giải pháp: Huyện sẽ lồng ghép thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chương trình, dự án thuộc các chương trình MTQG.
Trong đó, tiếp tục huy động nguồn lực để nhân rộng các mô hình đa dạng hóa sinh kế hiệu quả, kết hợp mở các lớp đào tạo nghề tương ứng. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện và UBND các xã, thị trấn rà soát, tạo điều kiện cho người lao động trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Chị Triệu Thị Ngần (bên phải) đang chăm sóc ruộng lúa mới sạ của mình. Ảnh: Đ.L
Trao đổi với P.V, bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Tuy tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh trong năm 2024 giảm nhưng vẫn còn ở mức cao so với cả nước, nhất là tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm đến 89,5% số hộ nghèo toàn tỉnh).
Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, làm ảnh hưởng đến hoạt động phát triển sản xuất của người dân. Cùng với đó, hình thức hỗ trợ tạo việc làm chưa đa dạng; công tác xã hội hóa huy động nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo được thực hiện nhưng chưa nhiều, vẫn chủ yếu sử dụng nguồn ngân sách nhà nước; chưa khai thác, huy động hết nguồn lực tại chỗ và chưa phát huy hết nội lực trong dân.
Để phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 4,05%, tương đương với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo là 2,02%, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với các giải pháp phù hợp nhằm cải thiện tiêu chí thu nhập và tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững. Phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.
“Tiếp tục thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, trong đó, nhân rộng các mô hình đa dạng hóa sinh kế gắn với đào tạo nghề nhằm nâng cao hiệu quả nguồn lực hỗ trợ. Đồng thời, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước cũng như huy động đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng để cộng đồng trách nhiệm nhằm triển khai các mô hình đa dạng hóa sinh kế hiệu quả hơn.
Ngoài ra, nâng cao năng lực đội ngũ những người làm công tác giảm nghèo, những người tham gia thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình để có giải pháp hỗ trợ người dân hiệu quả”-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thông tin thêm.
QUANG TẤN
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/giam-ngheo-ben-vung-can-nhung-cu-hich-post304731.html