Giảm rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Giảm rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
11 giờ trướcBài gốc
Phát hành riêng lẻ chiếm tỷ trọng quá lớn
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã trải qua một chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ khoảng 45%/năm trong giai đoạn 2018 - 2021; sau đó sụt giảm đáng kể từ năm 2022 do những thay đổi về môi trường kinh doanh, khuôn khổ pháp lý và một số sự cố liên quan đến vi phạm quy định phát hành.
Theo Ủy ban Kinh tế, quy mô thị trường TPDN hiện còn nhỏ so với nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp. Tổng dư nợ TPDN tại thời điểm cuối tháng 8.2024 chỉ đạt khoảng 1.025 nghìn tỷ đồng, tương đương 10% GDP. Con số này còn thấp so với các nước trong khu vực như Malaysia (54% GDP), Singapore (25%), Thái Lan (27%).
Đặc biệt, cơ cấu phát hành chưa hợp lý khi phát hành riêng lẻ chiếm tỷ trọng quá lớn (khoảng 88%), trong khi phát hành ra công chúng còn rất hạn chế (khoảng 12%). Điều này không chỉ hạn chế khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp từ nhà đầu tư đại chúng mà còn tạo ra rủi ro về tính minh bạch của thị trường. Cơ cấu nhà đầu tư cũng mất cân đối, với tỷ trọng lớn là các ngân hàng thương mại và nhà đầu tư cá nhân, trong khi các định chế tài chính chuyên nghiệp như quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm còn tham gia hạn chế.
Nguồn: ITN
Rủi ro càng gia tăng bởi sự hạn chế trong minh bạch thông tin là vấn đề đáng quan ngại. Hiện vẫn thiếu vắng hoạt động xếp hạng tín nhiệm độc lập cho phần lớn các đợt phát hành TPDN, nhất là đối với phát hành riêng lẻ. Chất lượng và mức độ chi tiết của thông tin công bố còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Để phát triển thị trường TPDN riêng lẻ theo hướng chuyên nghiệp, bền vững và phù hợp với thông lệ quốc tế, hạn chế các vi phạm đã xảy ra trong thời gian qua, sửa Luật Chứng khoán lần này, Chính phủ đề xuất quy định theo hướng: nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ phải là tổ chức, ngoại trừ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ do tổ chức tín dụng phát hành. Điều này cũng có nghĩa là, quy định TPDN phát hành riêng lẻ chỉ được phát hành và giao dịch giữa các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp.
Trái phiếu riêng lẻ chỉ dành cho tổ chức đầu tư chuyên nghiệp
Tờ trình của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội phục vụ Phiên họp thứ 38 cho biết, trái phiếu chào bán riêng lẻ, đặc biệt là các loại trái phiếu do các doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành là một loại sản phẩm có mức độ rủi ro rất cao. Pháp luật của một số quốc gia không cấm nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân tham gia thị trường này, nhưng trên thực tế hoạt động giao dịch, mua bán, đầu tư trái phiếu riêng lẻ thường chỉ được thực hiện giữa các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp như các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư và các ngân hàng đầu tư. Các nhà đầu tư cá nhân thường không tham gia trực tiếp vào thị trường này do hạn chế về khả năng quản trị rủi ro và nguồn lực, tính hiệu quả khi thực hiện các hoạt động phòng ngừa rủi ro.
Do đó, quy định chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ là cần thiết. Quy định này cũng không hạn chế sự tham gia của cá nhân, do đó không ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường này. Nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia vào thị trường trái phiếu riêng lẻ thông qua việc đầu tư vào các quỹ đầu tư trái phiếu, được quản lý bởi công ty quản lý quỹ là tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, có đủ trình độ, kỹ năng đầu tư và được cấp phép, giám sát bởi các cơ quản quản lý nhà nước chuyên ngành.
Để thị trường có thời gian điều chỉnh và thích ứng với quy định mới, Chính phủ thiết kế điều khoản chuyển tiếp và áp dụng từ 1.1.2026, chậm hơn 1 năm để các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân nắm giữ TPDN riêng lẻ còn dư nợ được giao dịch và chuyển nhượng, bảo đảm quyền và lợi ích của mình.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, quy định chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ có thể giảm thiểu được rủi ro như trong thời gian qua. Đặc biệt là có thể điều chỉnh đồng thời cả TPDN riêng lẻ của công ty đại chúng theo Luật Chứng khoán và TPDN riêng lẻ của công ty không phải là đại chúng theo Luật Doanh nghiệp, khi khả năng quản trị rủi ro của nhiều nhà đầu tư cá nhân trong nước còn hạn chế. Việc đề xuất điều khoản chuyển tiếp cũng là cần thiết để tránh xáo trộn thị trường.
Chia sẻ với báo chí, ông Trần Lê Minh, Tổng Giám đốc Công ty Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam, cho biết, các thị trường trong khu vực, cụ thể là nhóm ASEAN+3 (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) đều có các quy định pháp lý cụ thể cho thị trường TPDN phát hành riêng lẻ và quy định đối tượng người đầu tư trên thị trường này. Quan điểm chung là TPDN phát hành riêng lẻ không phải là thị trường dành cho đại chúng. Đối tượng nhà đầu tư tham gia thị trường phải đáp ứng được các điều kiện nhất định.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính, trong đó có Luật Chứng khoán, sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám, khai mạc đầu tuần tới. Vấn đề này chắc chắn sẽ được thảo luận kỹ lưỡng để tạo giai đoạn phát triển ổn định và dài hạn là phù hợp với diễn biến thị trường, tạo tiền đề cho việc phục hồi thị trường một cách minh bạch hơn và không để lặp lại các điểm chưa hợp lý, hay rủi ro đã xảy ra trên thị trường TPDN riêng lẻ trong giai đoạn vừa qua.
Cẩm Phô
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/giam-rui-ro-tren-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-post393140.html