BHG - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là chính sách thiết thực, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế rừng tại huyện Quang Bình. Để chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, minh bạch trong quá trình chi trả, các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, Ban kiểm soát và Ban điều hành Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đã phối hợp cùng địa phương giám sát chặt chẽ việc sử dụng tiền DVMTR tại cơ sở.
Xã Tiên Yên có 1.073 ha rừng được chi trả DVMTR. Trong năm 2023, tổng số tiền chi trả DVMTR theo kế hoạch năm 2022 của xã là hơn 111 triệu đồng. Công tác quản lý, sử dụng tiền DVMTR được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. UBND xã được nhận số tiền là 44,5 triệu đồng để chi cho các hoạt động nghiệm thu diện tích rừng, khen thưởng và mua sắm công cụ, thiết bị phục vụ tuần tra, bảo vệ rừng. Cộng đồng các thôn, bản được thụ hưởng 67,4 triệu đồng. Ngoài ra, 220 hộ gia đình có tổng diện tích rừng bảo vệ là 514 ha cũng đã được chi trả hơn 60 triệu đồng.
Cán bộ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh kiểm tra việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại xã Tiên Yên.
Năm 2024, tổng số tiền chi trả DVMTR theo kế hoạch năm 2023 của xã Tiên Yên là 71,9 triệu đồng. Số tiền này tiếp tục được sử dụng cho các hoạt động bảo vệ rừng của UBND xã và cộng đồng dân cư. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng kiểm lâm, trách nhiệm của chính quyền địa phương và người dân, việc tuần tra, bảo vệ rừng ngày càng tổ chức bài bản. Chính sách chi trả DVMTR không chỉ cải thiện thu nhập cho bà con, mà còn nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên rừng. Đồng thời, nguồn tiền DVMTR được sử dụng để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, làm đường bê tông, nhà văn hóa, tạo điều kiện phát triển bền vững cho cộng đồng.
Anh Bùi Xuân Hòa, Trưởng thôn Kem, xã Tiên Yên cho biết: “Toàn thôn có 177 hộ, đồng bào dân tộc Tày chiếm đến 92%. Từ năm 2001, người dân trong thôn đã được hưởng chính sách chi trả DVMTR. Hiện nay, cộng đồng đang quản lý 205 ha rừng, với số tiền được nhận từ DVMTR năm 2024 là 11,6 triệu đồng. Cùng với đó, hơn 100 hộ dân có rừng trồng cũng được chi trả tiền DVMTR. Thôn đã giao cho Chi hội cựu chiến binh 0,7 ha rừng của cộng đồng để vừa trồng keo, vừa trồng xen ghép cây giang lấy lá. Hằng năm, 100% hộ dân đều ký cam kết bảo vệ rừng, những cánh rừng tự nhiên, rừng trồng ngày càng được phủ xanh và nhiều gia đình trong thôn đã giàu lên từ kinh tế rừng, với mỗi đợt khai thác gỗ đạt hàng trăm triệu đồng”.
Chi hội Cựu chiến binh thôn Kem, xã Tiên Yên (Quang Bình) trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng luôn xanh tốt.
Huyện Quang Bình có tổng diện tích rừng cung ứng DVMTR trên 47.000 ha. Năm 2023, huyện đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trong việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR theo kế hoạch của năm 2022. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, UBND huyện đã chi trả minh bạch, công khai và kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng thụ hưởng. Tổng số tiền chi trả lên tới hơn 7,6 tỷ đồng, trong đó, có 5,3 tỷ đồng được phân bổ cho 15 xã, thị trấn, cộng đồng thôn, bản và 2,3 tỷ đồng chi trả cho 5.850 hộ gia đình. Các tổ bảo vệ rừng tại 135/135 thôn, tổ dân phố được củng cố và duy trì hoạt động, giúp giảm rõ rệt các vụ khai thác rừng trái phép và bảo vệ hiệu quả diện tích rừng hiện có.
Sau khi có thông báo phân bổ tiền DVMTR năm 2024 theo kế hoạch năm 2023, UBND huyện Quang Bình đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh xây dựng kế hoạch chi trả và niêm yết công khai về diện tích, số tiền tại trụ sở thôn, tổ dân phố, UBND các xã, thị trấn trước khi giải ngân. Trong 6 tháng, huyện đã hoàn thành chi trả tiền DVMTR hơn 1,3 tỷ đồng cho 5.930 hộ gia đình thông qua hệ thống bưu điện và lên phương án chi trả hơn 3,1 tỷ đồng tiền DVMTR cho UBND các xã, thị trấn, cộng đồng dân cư. Huyện đã thành lập Ban kiểm tra, giám sát việc chi trả DVMTR để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo chính sách đi vào thực tế.
Có thể khẳng định, nhờ chính sách DVMTR, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Quang Bình đã có thêm việc làm, thu nhập và ngày càng thêm gắn bó với nghề rừng. Thời gian gần đây, huyện đã giảm đáng kể tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép cả về số vụ và mức độ thiệt hại. Rừng được phủ xanh đã góp phần bảo vệ sinh thái, đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên, tạo động lực phát triển kinh tế rừng bền vững.
Bài, ảnh: MỘC LAN