Giám sát chỉ ra các văn bản pháp luật chưa phù hợp

Giám sát chỉ ra các văn bản pháp luật chưa phù hợp
3 ngày trướcBài gốc
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Trình bày báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, về cơ bản, Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội tại kỳ giám sát trước; đã ban hành thêm được 52 văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng từ trước, vẫn còn 35 nội dung quy định chi tiết thi hành của 14 luật, 2 pháp lệnh chưa được ban hành, trong đó có nội dung đã nợ đọng hơn 10 năm và đã nhiều lần kiến nghị. Có 4 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định không phù hợp, chưa bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất của hệ thống pháp luật nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung. Có 79 văn bản ban hành chậm hơn thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết; còn 147 điều, khoản thuộc 21 luật giao quy định chi tiết chưa được ban hành. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành cơ bản bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Qua giám sát, các cơ quan của Quốc hội đã chỉ ra 3 văn bản chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, 3 văn bản, 22 nội dung chưa phù hợp, chưa được quy định cụ thể, có khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Vẫn còn 3 văn bản ban hành chưa đúng thẩm quyền, 16 văn bản được ban hành nhưng chưa thực hiện đăng công báo đúng thời hạn.
Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy trong công tác lập pháp, bảo đảm các luật, pháp lệnh, nghị quyết được ban hành có tính ổn định, lâu dài, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, khơi dậy mọi tiềm năng và các nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Ủy ban cũng đề nghị tăng cường hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đối với văn bản quy phạm pháp luật, có cơ chế hiệu quả để bảo đảm thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị sau giám sát.
Báo cáo cũng nêu đề nghị với Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan hữu quan tiếp tục chú trọng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các bên liên quan khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế được chỉ ra trong các kỳ giám sát trước đây và năm 2024. Cơ quan chức năng thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, điều hòa hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng văn bản quy định chi tiết để bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề cần rà soát và có kiến nghị sớm nếu phát hiện lỗ hổng pháp lý như vụ việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh gần 600 loại sữa giả phát hiện mới đây. Đại biểu cho rằng cần xác định có hay không khoảng trống pháp lý liên quan đến hậu kiểm đối với sản phẩm sữa đang lưu hành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, cần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, cách làm, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật; kết hợp, lồng ghép giám sát văn bản quy phạm pháp luật với các hoạt động giám sát khác. Công tác giám sát cần được thực hiện thường xuyên, giám sát cả quá trình, từ khi bắt đầu hình thành chính sách, ban hành chính sách và đưa chính sách vào cuộc sống. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh rà soát để kịp thời phát hiện nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, có dấu hiệu trái pháp luật để xử lý ngay, chú trọng đánh giá tác động xã hội của việc chậm ban hành, ban hành văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp…
Đỗ Bình (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/giam-sat-chi-ra-cac-van-ban-phap-luat-chua-phu-hop-20250416191520842.htm