Giám sát của HĐND cấp xãBài 1: Sớm tháo gỡ bằng những điều chỉnh kịp thời

Giám sát của HĐND cấp xãBài 1: Sớm tháo gỡ bằng những điều chỉnh kịp thời
11 giờ trướcBài gốc
Những ngày đầu triển khai chính quyền địa phương 2 cấp, việc thực hiện quyền giám sát của HĐND xã đang gặp lúng túng ngay từ khâu xây dựng chương trình, kế hoạch, xác định đối tượng, nội dung đến việc tổ chức thực hiện. Cần sớm được tháo gỡ bằng những điều chỉnh kịp thời từ hệ thống pháp luật, để trở thành động lực cải thiện chất lượng quản trị ở địa phương.
Khi thiếu cơ chế để giám sát
Từ ngày 1/7/2025, 34 tỉnh, thành phố không còn tổ chức HĐND cấp huyện. Trong bối cảnh đó, HĐND cấp xã trở thành cơ quan dân cử duy nhất ở cấp gần dân, sát dân, mang trên mình cả kỳ vọng và trách nhiệm giám sát sâu sát hơn đối với các hoạt động của chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, không ít đại biểu HĐND xã chia sẻ: họ không biết bắt đầu giám sát từ đâu và giám sát ai, quy trình như thế nào, bởi cơ chế hoạt động này vẫn đang theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND số 87/2015/QH13 ngày 20/11/2015 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội.
HĐND cấp xã cần quan tâm giám sát việc thực hiện dịch vụ hành chính công trong thời gian tới. Ảnh: Bìng Nguyên
Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND vẫn đang được áp dụng theo mô hình ba cấp. Khi không tổ chức cấp huyện, HĐND xã không thể giám sát các cơ quan cấp trên, còn HĐND tỉnh thì ở quá xa. Các cơ quan ngành dọc hình thành mới qua sắp xếp như Trung tâm văn hóa - truyền thông khu vực, Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân, Chi cục Thi hành án dân sự, thuế, khu vực phòng thủ, chi nhánh kho bạc, ngành điện lực, trung tâm y tế… vẫn đang triển khai công việc hàng ngày trên địa bàn cấp xã và có tác động trực tiếp, quan trọng đến đời sống của người dân, sự phát triển của địa phương nhưng luật chưa có quy định cụ thể việc các cơ quan trực thuộc tỉnh này sẽ chịu sự giám sát trực tiếp từ HĐND cấp xã trên địa bàn đóng chân. Vấn đề đặt ra là: ai sẽ đại diện cho người dân để giám sát?
Thực hiện Chương trình giám sát ra sao?
Dù trong phạm vi giám sát nội bộ, HĐND cấp xã cũng đang gặp không ít khó khăn ngay từ khâu xây dựng chương trình giám sát. Theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, chương trình giám sát hàng năm của HĐND được quyết định tại kỳ họp thường lệ giữa năm trước - tức là trước khi diễn ra sáp nhập và kiện toàn bộ máy chính quyền theo mô hình hai cấp. Thực tế, tại nhiều địa phương, ngoài chương trình giám sát năm 2025 đã được HĐND cấp huyện cũ thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024, còn tồn tại các chương trình giám sát riêng biệt do HĐND các xã, phường (trước khi sáp nhập) xây dựng.
Vậy sau khi sáp nhập, HĐND cấp xã mới sẽ thực hiện theo chương trình nào? Kế thừa nội dung giám sát ra sao? Điều chỉnh thế nào để phù hợp với thực tiễn đơn vị hành chính mới? Đó là những câu hỏi chưa có hướng dẫn rõ trong pháp luật hiện hành, khiến việc tổ chức thực hiện chương trình giám sát bị lúng túng ngay từ bước đầu.
Bộ máy của HĐND cấp xã mới đang là con số cộng từ cấp huyện và cấp xã. Bộ máy trước đây với phần lớn đại biểu HĐND cấp xã kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn sâu, ứng dụng công nghệ vào hoạt động của HĐND chưa thành thạo. Trong khi nội dung, phạm vi giám sát của cấp xã trước đây thường thiên về những vấn đề kỹ thuật dễ tiếp cận, phạm vi nhỏ hẹp như vệ sinh môi trường, trật tự xây dựng, thu chi ngân sách, hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng. Trong khi hiện nay, các vấn đề cử tri thực sự quan tâm như cấp đất, quy hoạch, chất lượng dịch vụ công, đầu tư công trình, dự án… lại thường vượt quá thẩm quyền hoặc liên quan đến cơ quan ngành dọc cấp trên chỉ có HĐND cấp huyện giám sát. HĐND cấp xã mới hình thành chỉ có một số ít đại biểu HĐND cấp huyện tiếp tục tham gia còn phần lớn là đại biểu HĐND cấp xã trước đây thì rất khó đủ năng lực triển khai” - bà Nguyễn Thùy, đại biểu HĐND xã Mai Phụ, Hà Tĩnh trăn trở.
Xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và tổ chức thực hiện thì dễ; cái khó là thành lập rồi, tổ chức đi giám sát nhưng không kết luận được sẽ là hình thức. Cũng chính vì vậy, nhiều chương trình giám sát chưa thực sự trúng, chưa đi đến cùng. Đặc biệt, có những nội dung liên quan ngành dọc cấp trên, trong khi HĐND xã chưa rõ thẩm quyền “mời” hay “yêu cầu” cơ quan ngành dọc cấp tỉnh giải trình, quyền giám sát - dù được luật quy định vẫn rất dễ bị “treo” giữa chừng - ông Lê Hồng Thái, HĐND phường Ea Kao, tỉnh Đắk Lắk bày tỏ.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, không tổ chức một cấp hành chính không đơn thuần là tinh gọn về cơ cấu, mà là một bước đi chiến lược mang tính cải cách hoàn toàn nhằm đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, vì dân phục vụ. Nhưng khi HĐND cấp xã trở thành cơ quan dân cử duy nhất ở địa bàn, thì luật pháp không thể chậm trễ trong việc “trao tay” đầy đủ cơ chế, công cụ để thực thi quyền giám sát - một trong hai quyền năng quan trọng của HĐND. Việc sửa đổi luật không chỉ là động tác kỹ thuật, mà còn là cam kết chính trị để bảo đảm rằng tiếng nói của cử tri không bị bỏ ngỏ trong thiết chế chính quyền mới.
Nếu không được điều chỉnh kịp thời, quyền giám sát - dù được ghi nhận sẽ thiếu sức nặng trong thực tiễn. Muốn HĐND cấp xã thực sự phát huy vai trò giám sát, cần bắt đầu từ chính sự thay đổi trong luật - một sự thay đổi không chỉ hợp lý mà đã trở nên cấp thiết.
HỒNG HẠNH
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/giam-sat-cua-hdnd-cap-xa-bai-1-som-thao-go-bang-nhung-dieu-chinh-kip-thoi-10379560.html