Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) vừa báo cáo về kiểm tra nho nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó liên quan tới tin tức kết quả kiểm tra nho sữa phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ Thái Lan.
Nho Trung Quốc (màu đỏ) bán nhiều trong siêu thị
Tại Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật liên hệ và lấy thông tin chính thức từ Bộ Nông nghiệp và FDA Thái Lan, trên cơ sở kết quả phân tích và cảnh báo chính thức từ Thái Lan, Cục sẽ xem xét và áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối với các lô hàng nho nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục trao đổi thông tin ở các kênh cảnh báo về an toàn thực phẩm quốc tế để đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm đối với nho của Trung Quốc.
"Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về vấn đề này cần được đưa tin chính thức từ các cơ quan quản lý (Bộ NN-PTNT) để tránh gây dư luận không chính xác trong xã hội" - Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu.
Đối với nho tươi nhập khẩu vào Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật cho hay hiện tại các lô trái cây trong đó có nho nhập khẩu vào Việt Nam đều đang được áp dụng phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm thông thường (chỉ kiểm tra hồ sơ); Trình tự, thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định tại Nghị định 15.
Đối với nho nhập khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đã đưa vào chương trình giám sát về an toàn thực phẩm năm 2024: kiểm tra 10 mẫu nho nhập khẩu Trung Quốc, kết quả cho thấy: không phát hiện mẫu vi phạm an toàn thực phẩm (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) của Việt Nam.
Kết quả giám sát nho Trung Quốc 2023, kiểm tra 77 mẫu phát hiện 1 mẫu (1,3%) vi phạm quy định của Việt Nam.
Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật thông tincông tác kiểm tra an toàn thực phẩm đối với lô hàng trái cây nhập khẩu hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định 15 ngày 2-2-2018 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Nghị định 15 quy định 3 phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm bao gồm: Kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm. Áp dụng phương thức nào là dựa trên các đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm với các lô hàng/mặt hàng nhập khẩu.
Phương thức kiểm tra giảm: Kiểm tra hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm do cơ quan hải quan lựa chọn ngẫu nhiên.
Phương thức kiểm tra thông thường, theo đó chỉ kiểm tra hồ sơ của lô hàng nhập khẩu.
Phương thức kiểm tra chặt, theo đó kiểm tra hồ sơ kết hợp lấy mẫu kiểm nghiệm.
Từ số liệu giám sát, hậu kiểm, cảnh báo an toàn thực phẩm trong nước và quốc tế, vi phạm an toàn thực phẩm qua các năm, cơ quan quản lý chuyên ngành quyết định áp dụng phương thức kiểm tra thông thường hay kiểm tra chặt đối với lô hàng, mặt hàng.
Thùy Linh