Nhiều trường hợp còn mạo danh, mượn hình ảnh của bác sĩ đang làm việc tại các cơ sở y tế để tăng niềm tin cho người dùng. Đã có những bệnh nhân phải cấp cứu trong tình trạng men gan tăng thậm chí suýt ngừng tim do tin dùng thuốc nam, thuốc đông y của “thần y ba đời” trên mạng.
Trở thành nạn nhân của những cách thức quảng cáo này, nhiều người chỉ biết ngậm ngùi, bức xúc khi tiền mất tật mang. Tuy nhiên, điều này càng đòi hỏi các lực lượng chức năng cần tích cực, quyết liệt hơn nữa trong việc tăng cường kiểm soát, xử lý và có biện pháp chấn chỉnh mạnh mẽ hơn.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng đến nay cơ bản đầy đủ, được quy định tại nhiều Luật liên quan như: Luật An toàn thực phẩm, Luật Thanh tra, Bộ luật Hình sự, Luật Quảng cáo, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định, thông tư, quy chuẩn liên quan đến thực phẩm chức năng… Tuy nhiên, thực tiễn vẫn có trường hợp lách luật để buôn bán thực phẩm chức năng giả, hoặc thổi phồng công dụng. Vấn đề này đã được các Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 8 vừa qua.
Lĩnh vực quảng cáo được xác định là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của nước ta. Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự dịch chuyển từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo chí sang quảng cáo trên không gian mạng. Không thể phủ nhận, sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng; Nhưng đây cũng là nguyên nhân khiến hoạt động quảng cáo trở nên khó quản lý hơn. Cũng tại kỳ họp thứ 8, bộ trưởng bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã làm rõ giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước ở lĩnh vực này.
Mặc dù hành lang pháp lý hạn chế quảng cáo không đúng sự thật trên không gian mạng, các sàn thương mại điện tử, nền tảng xuyên biên giới đã và đang được hoàn thiện. Tuy nhiên với tình trạng quảng cáo không đúng gây hiểu nhầm, thậm chí là lừa đảo trên các nền tảng này vẫn diễn ra, gây tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức, Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng làm rõ giải pháp.
Bộ trưởng cũng cho biết hiện nay công cụ số để quản lý, phát hiện và xử lý các nền tảng mạng xã hội đang dần hoàn chỉnh theo khung khổ pháp luật. Trong đó có những hình thức xử lý mạnh mẽ, nghiêm khắc và hiệu quả hơn như: Việc đưa thông tin sai sự thật, quảng cáo sai trên các mạng xã hội, kể cả xuyên biên giới khi bị yêu cầu phải gỡ bỏ thì trên 95% thực hiện. Nếu tái phạm nhiều lần sẽ bị hạ hoặc chặn luôn tài khoản. Còn với trang thông tin lặp lại nhiều lần quảng cáo sẽ bị cắt cả trang.
Tại kỳ họp thứ 8, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã được trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến. Có thể thấy, tuy sửa đổi không nhiều nhưng các nội dung sửa đổi đều quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Một trong những điểm mới của dự thảo Luật là đã bổ sung quy định về quảng cáo trên mạng và trách nhiệm, nghĩa vụ của người chuyển tải quảng cáo. Và tại hội trường kỳ họp thứ 8, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện quy định về nội dung này.
Hiện nay, hoạt động quảng đăng tải trên môi trường mạng rất đa dạng, có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng nhưng được lan truyền một cách rộng rãi, công khai. Mặc dù thời gian qua, cơ quan chức năng đã có các biện pháp để xử lý, ngăn chặn các hành vi quảng cáo không đúng với quy định. Tuy nhiên theo các đại biểu công tác này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Do đó việc sửa đổi, bổ sung luật lần này, phải đảm bảo được tính hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với quảng cáo.
Không chỉ có trên không gian mạng mà hoạt động quảng cáo còn cả trên phim ảnh, báo chí, truyền hình. Trong đó, rất nhiều hình ảnh sản phẩm quảng cáo đưa ra chưa phù hợp, chưa làm hài lòng người dân. Theo các đại biểu, điều này cũng đặt ra yêu cầu quy định rõ trách nhiệm người làm kinh doanh quảng cáo, người truyền thông tin quảng cáo.
Hoàn thiện quy định làm cơ sở để tăng cường quản lý chặt chẽ hơn về chất lượng sản phẩm quảng cáo, các đại biểu đồng tình cao với việc cần có quy định quản lý chặt chẽ hơn trong nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như: Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, dịch vụ khám, chữa bệnh…
Nghị quyết của kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV nêu rõ yêu cầu: Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nhất là hoạt động kinh doanh trên các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội và xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm theo quy định. Những nội dung được nêu tại Nghị quyết này cho thấy sự cần thiết phải siết chặt lĩnh vực này, đưa vào khuôn khổ pháp luật vì mục tiêu cao nhất bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!
Như Thảo
Nguồn Quốc Hội TV : https://quochoitv.vn/giam-sat-toan-dien-quan-ly-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang-247317.htm