Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường
2 ngày trướcBài gốc
Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: N.P
Kể từ sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, tại tỉnh Quảng Trị, tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải có sự tăng lên đáng kể. Trong đó, tỉ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 98,39%; chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 92,6%.
Tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 50%; tỉ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 7,1%. Những năm qua, công tác xây dựng, ban hành các chiến lược, kế hoạch, chính sách về bảo vệ môi trường của địa phương được tỉnh Quảng Trị chú trọng, cụ thể hơn.
Công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường không ngừng được nâng cao chất lượng. Công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, qua đó từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.
Tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ trên địa bàn tỉnh bước được khắc phục. Công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề, xây dựng mô hình bảo vệ môi trường tại địa phương được chú trọng thực hiện.
Bên cạnh những việc đã làm được, vẫn còn một số hạn chế như: một số cụm công nghiệp vẫn chưa được đầu tư, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, quan trắc tự động; quy định cấp giấy phép môi trường còn vướng, chậm sửa đổi; hạn chế về kinh phí dẫn đến một số điểm ô nhiễm môi trường trên địa bàn chưa được xử lý triệt để...
Bên cạnh đề ra các giải pháp, UBND tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thực tế, có lộ trình thích hợp và hiệu quả cao. Đồng thời quan tâm, hỗ trợ kinh phí giúp địa phương giải quyết dứt điểm vấn đề môi trường tại các cơ sở công ích; xây dựng hạ tầng xử lý rác, nước thải sinh hoạt.
Phó trưởng đoàn Chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng phát biểu kết luận tại buổi làm việc - Ảnh: N.P
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã dành phần lớn thời gian để trao đổi, lắng nghe giải trình từ phía các sở, ngành, UBND tỉnh liên quan đến những vấn đề như: bao giờ TP. Đông Hà có nhà máy xử lý rác? hướng dẫn các đơn vị chưa hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường; giải pháp khắc phục những phản ánh về vấn đề xả thải trên sông Sa Lung và sông Bến Hải từ các nhà máy cao su...Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến tiếp thu các ý kiến được đoàn giám sát đưa ra, giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu và tham mưu giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng đề nghị UBND tỉnh quan tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế mà đoàn đã chỉ ra; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. Cần gắn liền công tác xúc tiến đầu tư với công tác bảo vệ môi trường; quản lý nguồn nước ở các dòng sông; tăng cường công tác quản lý nhà nước; đẩy nhanh việc cấp giấy phép môi trường cho các cơ sở, doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số qua đó nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Đối với những vấn đề, kiến nghị đã được nêu ra tại buổi làm việc liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đề nghị UBND tỉnh, sở, ngành sớm có phản hồi trở lại để đoàn giám sát tổng hợp, hoàn thiện báo cáo trình đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Nam Phương
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/giam-sat-viec-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-bao-ve-moi-truong-192624.htm