Chiều 14/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 45, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm phát triển kinh tế tư nhân.
Dự thảo Nghị quyết do Bộ Tài chính trình bày tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn, gồm: cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.
Trong đó, một điểm nổi bật là quy định không được thanh tra, kiểm tra một doanh nghiệp quá một lần/năm, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về vi phạm. Việc lạm dụng thanh tra, kiểm tra sẽ bị xử lý nghiêm. Các biện pháp thanh tra từ xa dựa trên dữ liệu điện tử sẽ được ưu tiên, nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Đây được đánh giá là bước tiến quan trọng để loại bỏ tâm lý "sợ sai, sợ kiểm tra" và tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho khu vực tư nhân.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc xây dựng một hành lang pháp lý đặc biệt cho kinh tế tư nhân không chỉ để tháo gỡ vướng mắc mà còn là bước đột phá thể chế nhằm khơi thông nguồn lực, phát huy tối đa vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển kinh tế đất nước.
"Chúng ta cần đưa vào Nghị quyết các đột phá tư tưởng lớn đã được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ xác định, như: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận đất đai, tín dụng, thúc đẩy hợp tác công tư (PPP), và đặt hàng doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ công", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh nguyên tắc bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI trong tiếp cận cơ chế, chính sách phát triển. Việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực không chỉ giúp nâng cao sức cạnh tranh mà còn hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy năng suất và tăng trưởng dài hạn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trong đêm 14/5 để kịp công bố và lấy ý kiến đại biểu ngay trong sáng 15/5.
Phát biểu trong phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc lựa chọn nội dung đưa vào Nghị quyết là vấn đề không đơn giản. Đặc biệt, các quy định liên quan đến trách nhiệm hình sự, dân sự, thanh tra, kiểm tra là những chủ trương lớn, được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt kỳ vọng. Nếu không đưa vào, Nghị quyết sẽ khó thể hiện đầy đủ tầm vóc và định hướng đột phá mà Quốc hội mong muốn.
Trần Nam