Minh bạch hơn với sàn giao dịch?
Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,61 triệu tấn cà phê, mang về 4,18 tỉ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2024, theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 1 triệu tấn, với giá trị gần 2,4 tỉ USD - mức kim ngạch cao nhất từ trước đến nay trong nửa đầu năm, đánh dấu thành công của ngành cà phê trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng giá trị sản phẩm.
Gia Lai là một trong những khu vực sản xuất cà phê trọng điểm tại miền Trung - Tây Nguyên, với diện tích gần 99 nghìn ha, năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha, mang lại tổng sản lượng trên 267 nghìn tấn/năm. Cà phê là mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, chiếm tới 71% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản, đóng góp lớn cho kinh tế địa phương...
Việt Nam đang tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu và gia tăng giá trị sản phẩm cà phê.
Tuy nhiên, bà Đào Thị Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Công thương Gia Lai cho biết, ngành cà phê Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức từ biến động giá đến tác động của biến đổi khí hậu. Giá cà phê lên xuống thất thường không chỉ gây thiệt hại tài chính mà còn ảnh hưởng lớn đến khả năng mở rộng đầu tư của doanh nghiệp ở địa phương trong chuỗi cung ứng cà phê.
Để bảo vệ các doanh nghiệp trước rủi ro giá cả, việc thành lập sàn giao dịch cà phê trong nước đang được các chuyên gia và lãnh đạo ngành nông sản quan tâm. Ông Trần Văn Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa Sài Gòn Invest, cho rằng sàn giao dịch sẽ giúp kiểm soát giá cà phê tốt hơn, nhờ các hợp đồng tương lai cho phép nhà sản xuất và xuất khẩu “khóa” mức giá phù hợp, bảo vệ doanh thu khỏi các biến động đột ngột. Ngoài ra, các giao dịch đều được ghi nhận và công khai, giúp tăng tính minh bạch và giảm thiểu tình trạng bất đối xứng thông tin trên thị trường.
Mô hình sàn giao dịch cà phê được kỳ vọng giúp người nông dân có thể bán sản phẩm với mức giá ổn định hơn.
Tránh vết xe đổ…
Việc thành lập sàn giao dịch cà phê từng được thử nghiệm ở Đắk Lắk vào năm 2008 với Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC). Trung tâm này từng được kỳ vọng sẽ là kênh giao dịch minh bạch và tăng giá trị cho cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, BCEC đã phải đóng cửa sau 10 năm hoạt động do thiếu vốn và thiếu sự gắn kết từ các thành viên. Do đó, theo chuyên gia để tránh đi vào vết xe đổ, việc xây dựng sàn giao dịch cà phê cần đảm bảo nguồn vốn bền vững và khung pháp lý hoàn chỉnh.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, chất lượng sản phẩm cần được đặt lên hàng đầu để nâng cao giá trị và tăng khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác từ các ngành logistics, tài chính, và kho bãi nhằm hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động của sàn giao dịch.
Sàn giao dịch cà phê là một giải pháp tiềm năng cho ngành cà phê, song đòi hỏi quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng từ quy trình vận hành, hạ tầng kỹ thuật đến cơ sở pháp lý.
Việc thành lập sàn giao dịch cà phê tại Gia Lai hay những địa phương khác trong cả nước, sẽ giúp người nông dân có thể bán sản phẩm với mức giá ổn định hơn, đồng thời tăng cơ hội tiếp cận thị trường và cải thiện thu nhập. Cụ thể hơn, tại Gia Lai sàn giao dịch cũng sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phát triển mạnh mẽ ngành cà phê cả về chế biến lẫn xuất khẩu, mở ra cơ hội kết nối với các vùng sản xuất cà phê khác trong khu vực Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông hay Kon Tum.
Thực tế, mô hình sàn giao dịch hàng hóa nói chung và sàn giao dịch cà phê nói riêng là một giải pháp tiềm năng cho ngành cà phê, song đòi hỏi quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng từ quy trình vận hành, hạ tầng kỹ thuật đến cơ sở pháp lý. Các chuyên gia nhận định rằng, để mô hình này phát huy hiệu quả, cần tập trung vào việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật số, đồng thời bảo đảm vốn đầu tư đủ lớn để duy trì các hoạt động từ quản lý dữ liệu đến quảng bá sàn giao dịch.
Nghi Lộc