Giảm thiểu tác động từ mức thuế đối ứng của Hoa Kỳ

Giảm thiểu tác động từ mức thuế đối ứng của Hoa Kỳ
10 giờ trướcBài gốc
Tại Đối thoại “Chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ: Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam” do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 8/5, Báo Tin tức và Dân tộc đã ghi nhận một số ý kiến của các học giả và chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này.
PGS.TS Tạ Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh (Đại học Kinh tế Quốc dân)
PGS.TS Tạ Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh (Đại học Kinh tế Quốc dân):
Đối với chính sách thương mại của Việt Nam, Việt Nam cần rà soát lại nhóm hàng xuất siêu sang Mỹ và đàm phán làm giảm áp lực về thuế vào nhóm hàng này như: Thiết bị điện tử, linh kiện và điện thoại; máy móc thiết bị; dệt may, gỗ và giày dép, thủy sản...
Với nhóm các mặt hàng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) xuất siêu, cần rà soát chính sách về thuế, ưu đãi thuế với các ảnh hưởng từ việc áp đặt thuế mới của Hoa Kỳ. Kiên quyết loại bỏ các doanh nghiệp nước ngoài đội lốt xuất siêu sang Mỹ, còn lại sẽ đảm bảo những ưu đãi về thuế đã cam kết và chia sẻ gánh nặng thuế nếu có thể.
Đối với nhóm các mặt hàng Việt Nam xuất siêu như: Dệt may, giầy dép, đồ gỗ, thủy sản... cần phân tích rõ chuỗi giá trị Việt Nam được hưởng lợi với giá trị thuế mới. Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế toàn diện với tầm nhìn dài hạn, xác định rõ các ngành công nghiệp mũi nhọn để tập trung đầu tư.
Nhìn dưới góc độ tích cực, Việt Nam không thể dàn nguồn lực và mãi làm thuê trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam cần tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận công nghệ thế giới nhanh chóng hơn; chú trọng thu hút FDI bằng nhân lực chất lượng cao, bằng sự minh bạch, công bằng sẽ đảm bảo cải thiện vị thế tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam đào tạo nhiều kỹ sư thuộc nhóm mũi nhọn đề xuất trên để thâm nhập vào các doanh nghiệp lớn trên thế giới, thay vì đầu tư vào sản xuất sắt thép, chế biến và chế tạo và xuất khẩu lao động tay chân sẽ xuất khẩu kỹ sư, đủ trình độ hacker mạng, kỹ thuật số không gian, kỹ sư hạt nhân...
PGS.TS Phan Hữu Nghị, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân)
PGS.TS Phan Hữu Nghị, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân):
Để ứng phó với chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, Việt Nam cần những đối sách “khôn ngoan”, đa dạng hóa thị trường và tăng cường hợp tác để chủ động ứng phó với những biến động thị trường. Trong đó, cần xây dựng cơ chế kiểm soát và minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Trong đó, phải chứng minh được tỷ lệ phần trăm giá trị xuất xứ trong nước và giá trị có nguồn gốc từ Trung Quốc hay ASEAN. Việc này nhằm giúp đàm phán đạt được mức thuế suất phù hợp, giúp doanh nghiệp tồn tại phát triển nhưng không đứt gãy chuỗi cung ứng.
Mỹ vừa áp thuế tấm pin năng lượng mặt trời của các nước ASEAN đến 3,521% là điển hình cho minh bạch chuỗi cung ứng, bởi tiếp theo pin năng lượng có thể là gỗ, thép, xe điện, hàng điện tử gia dụng, dệt may... Vì thế, việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ, hàm lượng xuất xứ trong nước hay trong khối ASEAN rất được coi trọng trong đàm phán.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp gia công xuất khẩu, nhất là nguyên liệu nguồn gốc từ Trung Quốc hay ngoài ASEAN phải nghiên cứu chuyển đổi trong sản xuất nếu muốn xuất khẩu sang Mỹ và không để bị đứt gãy chuỗi cung ứng.
Một giải pháp khác là rà soát chi tiết danh mục hàng hóa có thể cắt giảm thuế với Mỹ để hướng đến cân bằng thương mại. Cần gắn nội dung này với lợi thế so sánh của Việt Nam để hậu đàm phán không ảnh hưởng đến các thỏa thuận trước đó Việt Nam đã tham gia và Việt Nam không bị kéo vào các vòng đàm phán thương mại với các đối tác thương mại khác. Ngoài ra, trong ngắn hạn, Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp và ngành nghề bị ảnh hưởng. Mức hỗ trợ cần tính toán để có thể bù đắp phần lớn thiệt hại sau khi bị áp thuế.
Chúng ta cần giám sát dòng vốn FDI nhằm né thuế, chuyển giá khi đầu tư vào để xuất khẩu; hỗ trợ trong ngắn hạn, trung hạn chia sẻ những bất lợi cùng với doanh nghiệp xuất khẩu bằng chính sách thuế nội địa và tín dụng.
Chính sách thuế đối ứng chưa rõ ràng nhưng nguy cơ và ảnh hưởng là có thật. Yếu tố xuất xứ hàng hóa, hàm lượng giá trị trong nước và từ nước ngoài (Trung Quốc) là yếu tố phải làm rõ khi Việt Nam đang tiến hành đàm phán. Thuế đối ứng là thách thức nhưng tạo cơ hội chuyển đổi số đa dạng chuỗi cung ứng, cần tìm kiếm thị trường mới Châu Phi… tập trung thị trường trong nước và hiện có.
Việt Nam cũng cần xây dựng bền vững kinh tế địa phương bằng cách đầu tư vào hạ tầng, đào tạo lao động tại chỗ, phục hồi tài nguyên thiên nhiên và gắn kết cộng đồng tại địa phương để tạo nên một nền kinh tế có khả năng chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài.
TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế và Chính sách hội nhập, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế
TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế và Chính sách hội nhập, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế:
Ngành dệt may, da giày phụ thuộc rất cao vào thị trường Mỹ. Do vậy, tác động tiêu cực là rất lớn khi xuất khẩu giảm mạnh, số lượng lao động bị ảnh hưởng.
Đối với ngành điện tử (gồm cả máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện và điện thoại di động), mặc dù một số mặt hàng điện tử cụ thể (điện thoại thông minh, máy tính, chip) đã được miễn trừ khỏi thuế đối ứng trong một sắc lệnh điều chỉnh nhưng mối đe dọa về các loại thuế mới đối với chất bán dẫn trong tương lai vẫn còn hiện hữu, tạo ra sự không chắc chắn cho ngành.
Trong khi đó, ngành đồ gỗ là phụ thuộc đặc biệt cao. Về lâu dài, Việt Nam có nguy cơ mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh như Mexico và Indonesia nếu mức thuế cao được duy trì. Đối với ngành thủy sản, Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ 2 đối với thủy sản Việt Nam do vậy, ngành này có nguy cơ đối mặt với việc các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ sẽ chuyển sang các nhà cung cấp từ các quốc gia khác như Thái Lan.
Đặc biệt, việc áp thuế đối ứng sẽ tác động không nhỏ đến khả năng thu hút vốn FDI khi giảm sức hấp dẫn của Việt Nam, dẫn đến nguy cơ chuyển hướng nguồn vốn sang các quốc gia như Mexico, Ấn Độ, hoặc Indonesia.
Chính sách của Việt Nam trong lúc này cần giữ ổn định vĩ mô trong bối cảnh đồng USD yếu. Cần có nhiều giải pháp trấn an và hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời phía doanh nghiệp cần phải tái cấu trúc thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào Mỹ.
Chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan.
Chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan:
Việc Hoa Kỳ áp thuế quan mới vừa là thách thức, nhưng cũng vừa là cơ hội để Việt Nam điều chỉnh chiến lược, với tinh thần vươn mình. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để cơ cấu lại cả quan hệ kinh tế đối ngoại với các quốc gia khác, mấu chốt của vấn đề là việc tăng cường nội lực của Việt Nam chưa cao.
Việt Nam cần tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung xem xét ngành nào nên ưu tiên tập trung phát triển. Đồng thời, có chiến lược hợp tác dài hạn với cả Mỹ và Trung Quốc, tránh tình trạng “bỏ trứng vào một giỏ” và tăng cường hợp tác thương mại với các quốc gia khác để cân bằng thương mại.
Minh Phương/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/giam-thieu-tac-dong-tu-muc-thue-doi-ung-cua-hoa-ky-20250508183039456.htm