Xăng dầu là "mạch máu" của nền kinh tế
Ngày 24/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, áp dụng đến hết năm 2025. Như vậy, thuế bảo vệ môi trường tiếp tục được áp dụng theo khung giá giảm như năm 2024.
Cụ thể, theo Nghị quyết được thông qua, mức thuế giảm với xăng, trừ etanol 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; dầu hỏa 600 đồng/lít. Thời hạn áp dụng Nghị quyết từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 31/12/2025.
Từ ngày 1/1/2026, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ quay lại thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khi đó, xăng, trừ etanol là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.
Ông Trương Xuân Cừ - Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) khẳng định, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn đến 31/12/2025 là giải pháp phù hợp và thiết thực, vừa có ý nghĩa tình thế, vừa có ý nghĩa chiến lược cho phát triển bền vững đất nước.
Qua đó, sẽ góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Điều này, đã thể hiện sự chia sẻ thiết thực của Nhà nước với người dân, doanh nghiệp.
Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, xăng dầu là nguyên nhiên liệu đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất, đặc biệt nhóm ngành huyết mạch của nền kinh tế như giao thông vận tải, điện...
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm của doanh nghiệp; đồng thời, góp phần giảm bớt chi phí tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn cho người dân.
“Xăng dầu là "mạch máu" của nền kinh tế, được sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế, trong đó có những ngành sử dụng nhiều nhiên liệu xăng dầu như khai thác thủy sản, hoặc vận tải, khai thác than...
Do đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là một trong những giải pháp kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu trong nước, giúp giảm chi phí đầu vào, qua đó giúp doanh nghiệp phát triển, tạo tiền đề thu ngân sách trong thời gian tới”, ông Cừ nói.
Ngân sách hụt hơn 44.000 tỷ đồng
Thuế bảo vệ môi trường là một yếu tố quan trọng cấu thành giá bán lẻ xăng dầu. Việc giảm thuế sẽ giúp hạn chế sự gia tăng giá bán, góp phần kiểm soát chỉ số CPI - một công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Dự kiến, sản lượng tiêu thụ xăng dầu, mỡ nhờn trong năm 2025 tương đương năm 2024, với số thu thuế bảo vệ môi trường giảm khoảng 40.204 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước, bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng, sẽ giảm hơn 44.224 tỷ đồng trong năm 2025.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, khi giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
Ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Khanh cho rằng, khi doanh nghiệp sản xuất được hưởng lợi từ việc giảm thuế sẽ góp phần giảm chi phí và giá thành sản phẩm, tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
"Từ đó, chúng ta sẽ có nhiều nguồn thu khác để tăng thu ngân sách”, ông Khanh nói.
Theo đó, ông Khanh đánh giá việc giữ mức giảm thuế môi trường đối với xăng dầu hoàn toàn phù hợp tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong từng giai đoạn. Góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ cho người dân và các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.
Nói về cam kết net zero của Việt Nam tại COP26, ông Khanh cho biết việc giữ mức giảm thuế môi trường với xăng dầu vẫn sẽ đáp ứng và phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam.
“Giá xăng dầu bao gồm chi phí tạo nguồn, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và các loại thuế. Phần thuế ở đây mỗi nước sẽ khác nhau nên sẽ không có tác động nhiều đến cam kết”, ông Trịnh Quang Khanh nói.
Theo ông Khanh, mức thuế này được các cơ quan chức năng, các cơ quan quản lý Nhà nước cân đối trên cơ sở những dự báo giá dầu thế giới, dự báo tăng trưởng GDP và đảm bảo phù hợp với biểu khung thuế bảo vệ môi trường được quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường.
“Tôi đánh giá cao việc cơ quan chức năng trình Chính phủ, Chính phủ báo cáo với Quốc hội và Quốc hội thông qua Nghị quyết. Điều này đã giúp tháo gỡ khó khăn vừa, hỗ trợ cho đời sống của người dân khi tiêu dùng, cũng là một giải pháp kích cầu”, ông Khanh nhấn mạnh.
Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cơ bản tán thành việc áp dụng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn phù hợp trong năm 2025 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: "Vấn đề áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn, người dân, doanh nghiệp rất cần thiết".
Đồng thời, Chính phủ cân nhắc lộ trình tăng dần mức thuế bảo vệ môi trường để tiến tới áp dụng mức thuế quy định tại Nghị quyết 579 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bảo đảm phù hợp với bản chất và nguyên tắc của thuế bảo vệ môi trường, phù hợp với diễn biến dự báo giá dầu thô trên thị trường thế giới cũng như thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Phạm Thị Thanh Loan