Giảm thuế giá trị gia tăng nhằm kích thích tiêu dùng, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh
PV: Ông đánh giá thế nào về đề xuất của Bộ Tài chính trong việc kéo dài và mở rộng đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đến hết năm 2026?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Đây là đề xuất phù hợp với điều kiện thực tiễn kinh tế và kinh doanh hiện nay. Nếu được thông qua, đề xuất này chắc chắn sẽ có tác động tốt cả trên phương diện vi mô và vĩ mô, cả về kinh tế, kinh doanh và xã hội. Đề xuất lần này không chỉ mở rộng đối tượng được giảm thuế mà còn đề xuất áp dụng dài hơn những lần trước đây. Điều này cho thấy sự chủ động của Bộ Tài chính trong thực hiện chủ trương sử dụng tốt nhất chính sách tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần cùng toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên, từ đó tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số những năm tiếp theo.
Đề xuất này được xây dựng trên cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc. Trong bối cảnh hiện nay, dù doanh nghiệp đã bớt khó khăn hơn so với trước đây, nhưng các yếu tố kinh tế - chính trị toàn cầu vẫn tác động tiêu cực. Vì vậy, việc thúc đẩy tổng cầu để kích thích tăng trưởng kinh tế là một giải pháp phù hợp.
PV: Theo ông, đâu là điểm nổi bật nhất của chính sách giảm thuế GTGT lần này?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Điểm nổi bật nhất của đề xuất lần này là thời gian áp dụng dài hơn, kéo dài 1,5 năm so với các đợt giảm thuế 6 tháng trước đây. Với khung thời gian trung hạn như vậy, doanh nghiệp có thể chủ động lập kế hoạch kinh doanh và tài chính dài hơi, thay vì chỉ tập trung ngắn hạn. Điều này đặc biệt quan trọng để huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho sản xuất, kinh doanh và xác định rõ thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ.
Một điểm đáng chú ý nữa, xăng dầu là đầu vào thiết yếu của một số lĩnh vực kinh doanh quan trọng, đặc biệt là vận tải hàng hóa, hành khách, logistics. Chi phí xăng dầu thường chiếm từ 35% - 40% chi phí của các doanh nghiệp vận tải. Chi phí logisitics hiện chiếm tỷ trọng khá cao trong giá thành của hàng hóa (khoảng từ 17% - 20%). Việc giảm 2% thuế GTGT mở rộng cho mặt hàng xăng, dầu được kỳ vọng sẽ giảm giá xăng dầu, từ đó, có tác động dây chuyền làm giảm giá thành và giá bán các sản phẩm của nhiều lĩnh vực kinh doanh khác trong nền kinh tế. Nói cách khác, tác động lan truyền khá mạnh trong trường hợp này.
PV: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, ông nghĩ chính sách này có ý nghĩa như thế nào trong việc giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Chúng ta sẽ cần tổng hợp nhiều chính sách, cả về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác của Nhà nước để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Đây chỉ là một trong hệ thống các chính sách để hướng đến mục tiêu đó. Điều quan trọng là chính sách được đưa ra ở thời điểm thích hợp, có tính dự báo và có liều lượng thích hợp thì sẽ đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả của toàn hệ thống hướng đến thực hiện mục tiêu chung. Riêng góc độ chính sách tài khóa thì với hiện trạng nền kinh tế hiện nay việc tiếp tục kích cầu là phù hợp, không quan ngại về tăng trưởng quá nóng mất cân đối và vẫn đảm bảo cân đối ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách phát triển kinh tế - xã hội.
PV: Ông có kỳ vọng gì về tác động dài hạn của chính sách này đối với đời sống người dân và sự phát triển kinh tế?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Tùy theo mối quan hệ cung - cầu mà tác động đến giá cả của hàng hóa, dịch vụ sẽ khác nhau. Tác động của chính sách này có lợi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Khi thuế giảm, doanh nghiệp có thể hạ giá bán (nếu cầu yếu) hoặc giữ giá để tăng lợi nhuận (nếu cung khan hiếm), tạo lợi ích linh hoạt cho cả hai phía. Điều này cho thấy chính sách không chỉ là “liều thuốc” tài khóa đơn thuần mà còn là công cụ điều tiết thị trường tinh tế, phù hợp với từng ngành hàng như xăng dầu, công nghệ thông tin hay gia dụng.
Xét một cách tổng thể, với khoảng trên 120 nghìn tỷ đồng lẽ ra được thu vào ngân sách nếu không giảm thuế sẽ được chuyển sang cho các doanh nghiệp và người dân nên chính sách giảm thuế làm tăng thu nhập khả dụng, làm tăng tổng cầu, qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Từ đó, dẫn đến hiệu ứng lan truyền đến các lĩnh vực của nền kinh tế và các đối tượng có liên quan: Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tăng tích lũy và tái đầu tư, mở rộng thị trường, mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động; người dân được hưởng thêm nhiều hàng hóa, dịch vụ với chất lượng tốt hơn.
Thêm vào đó, dù ngân sách nhà nước giảm thu trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn sẽ tăng thu hợp lý do tăng trưởng kinh tế bù lại phần thuế suất giảm.
PV: Xin cảm ơn ông!
Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng không chỉ là một giải pháp tài khóa mà còn là chiến lược kinh tế toàn diện. Nó kết nối chặt chẽ giữa lợi ích tức thời (tiêu dùng, sản xuất) và mục tiêu dài hạn (tăng trưởng, phát triển bền vững), đồng thời thể hiện sự đồng hành của Nhà nước với doanh nghiệp và người dân.
Nguyễn Lạc