Chiều 21/5, cho ý kiến vào dự thảo Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang và Khánh Hòa) cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết này.
Các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận tại Tổ 14, chiều 21/5
Theo tính toán của Chính phủ, khi áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% xuống còn 8% trong 6 tháng cuối năm nay và cả năm sau sẽ khiến thu ngân sách nhà nước giảm khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng (trong đó 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng; năm 2026 giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng). Song, theo các đại biểu, điều này cũng có tác động kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Thực tế áp dụng chính sách này trong thời gian qua đã chứng minh hiệu quả rõ nét. Tờ trình của Chính phủ cho biết, năm 2022, việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021.
Năm 2023, việc giảm thuế này trong 6 tháng cuối năm đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 23,4 nghìn tỷ đồng. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm 2022.
Năm 2024, việc giảm thuế giá trị gia tăng đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 49 nghìn tỷ đồng. Tính chung năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,0% so với năm 2023; nước ta cũng hoàn thành thắng lợi toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu.
ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng
Tán thành với chủ trương giảm thuế giá trị gia tăng còn 8%, ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nêu ý kiến: “Tại sao chúng ta không nhìn xa hơn, đánh giá tổng thể kỹ đi, nếu thực sự có tác động tới nền kinh tế tốt như vậy thì xác định luôn mức thuế giá trị gia tăng của các lĩnh vực là 8% thôi, để ổn định lâu dài?”.
Theo đại biểu, trước nay, chúng ta thường áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng trong ngắn hạn, từ 6 tháng - 1 năm, lần này là 1,5 năm. Điều này khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ khó trong việc xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển lâu dài, bởi họ không rõ sau 6 tháng tới hoặc 1 năm tới chính sách sẽ thế nào?
Nếu có chính sách ổn định lâu dài, các doanh nghiệp sẽ chủ động trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp.
Mặt khác, theo đại biểu, đầu năm, Quốc hội đã quyết xong dự toán. Song, đến kỳ họp giữa năm, Quốc hội lại đưa ra chính sách giảm thuế giá trị gia tăng. Điều này sẽ khiến các địa phương có nguồn thu khó khăn phải tính toán chi li từng đồng.
“Mỗi lần quy định giảm thu như này thì địa phương phải bố trí nguồn bù đắp rất vất vả, rất khó cho địa phương”, đại biểu Trần Văn Lâm cho biết, đồng thời đề xuất cần có tầm nhìn dài hơi.
Cũng theo đại biểu, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đang áp dụng hiện nay là một trong những nguyên nhân “khiến kỷ luật, kỷ cương tài chính của chúng ta không nghiêm”, bởi dự toán xong rồi hủy hoặc phải điều chỉnh. Trong khi, điều chỉnh giảm thu nhưng lại không điều chỉnh giảm chi, dẫn đến phải co kéo ngân sách.
“Dự toán bao giờ cũng có xu hướng thấp đi, không bao giờ dự toán sát, vì nếu sát thì khi Quốc hội giảm thuế chỗ nọ chỗ kia sẽ rất khó khăn”.
Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Chính phủ nên có đề xuất, định hướng lâu dài với thuế giá trị gia tăng. “Cái gì đã giảm thì nên ổn định chính sách để doanh nghiệp, các nhà sản xuất kinh doanh biết mà hoạch định kế hoạch hoạt động lâu dài”.
ĐBQH Phạm Văn Hòa phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng
Đồng tình với ý kiến trên, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết đã nhiều lần phát biểu về giảm thuế, trong đó đề nghị “đã giảm 6 tháng thì sao không giảm luôn trong thời hạn 1 – 2 năm”. “Cốt lõi là phải có tầm nhìn chiến lược”, đại biểu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, với lần giảm thuế này áp dụng cho 6 tháng cuối năm nay và cả năm 2026, đại biểu lại tỏ ý băn khoăn, bởi chúng ta đang rất cần nguồn vốn để chi cho đầu tư phát triển, đặc biệt là tiền chi chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức hưởng theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP là cực lớn.
Do vậy, đại biểu đề xuất, Chính phủ cần quan tâm để bảo đảm ổn định vĩ mô, bảo đảm ổn định nguồn thu, giảm thất thu ngân sách, giảm bội chi, bảo đảm an toàn nợ công.
Đan Thanh