Các chuyên gia cho rằng từ đầu năm 2025, Chính phủ đã đặt mục tiêu kinh tế tăng 8%-10%. Bên cạnh đầu tư công và xuất khẩu, tiêu dùng được coi là một trong những trợ lực chính cho mục tiêu này thành công.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn khó khăn do tiêu dùng nội địa đang yếu hơn kỳ vọng, khi tăng trưởng giảm dần từ năm 2022.
Nhanh chóng điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân
TS Hồ Hoàng Anh, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhấn mạnh để gia tăng sức mua một cách hiệu quả trên diện rộng, Chính phủ cần nhanh chóng nghiên cứu điều chỉnh gia tăng mức giảm trừ gia cảnh kết hợp với giảm thuế thu nhập cá nhân cho người dân.
Bởi những năm sau dịch COVID-19, tiêu dùng tăng trưởng chậm lại. Giai đoạn 2014-2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trung bình mỗi năm tăng 13,3% theo giá hiện hành, riêng bán lẻ hàng hóa tăng 13,5%. Đến giai đoạn 2020-2024, tương ứng tăng 7,2% và 6,6%. Các số liệu khác về tiêu dùng cũng cho thấy một xu hướng tương tự.
Nguyên nhân chính yếu của tốc độ tăng trưởng tiêu dùng khiêm tốn là thu nhập tăng trưởng chậm. Theo số liệu từ khảo sát mức sống dân cư, giai đoạn 2014-2019 (trước dịch COVID-19), thu nhập bình quân/người/tháng mỗi năm tăng 9,7% theo giá hiện hành. Giai đoạn 2020-2024, thu nhập bình quân/người/tháng mỗi năm tăng 6,5% theo giá hiện hành.
Tiêu dùng của người dân phụ thuộc vào bốn yếu tố chính là giá cả, chi phí thực hiện mua sắm, thu nhập khả dụng ở hiện tại và thu nhập khả dụng trong tương lai. Thu nhập khả dụng là phần thu nhập còn lại sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Để kích cầu tiêu dùng nội địa, ngoài kênh bán trực tiếp, thương mại điện tử cũng là giải pháp được chuyên gia khuyến nghị. Ảnh: MINH TRÚC
Việc tổ chức các chương trình khuyến mãi giảm giá là cách thức trực tiếp và nhanh nhất để kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên, nhóm giải pháp này khó tác động mạnh đến sức mua vì giá cả không thể giảm xuống quá nhiều, cụ thể là không thấp hơn chi phí sản xuất bình quân của doanh nghiệp.
Hơn nữa, thời gian qua, doanh nghiệp liên tục triển khai khuyến mãi, giảm giá nhưng kết quả cho thấy tiêu dùng vẫn chưa tăng trưởng mạnh. Trong bối cảnh hiện tại, nhóm giải pháp hiệu quả nhất để gia tăng sức mua là nâng cao cùng lúc thu nhập khả dụng ở hiện tại và thu nhập khả dụng trong tương lai của người dân.
Các khoản trợ cấp tiêu dùng, trợ cấp thất nghiệp hay trợ cấp nghỉ việc khi tinh gọn bộ máy hành chính sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng của những người thụ hưởng. Tuy nhiên, những người thụ hưởng này có tăng tiêu dùng nhiều hay không phụ thuộc rất nhiều vào thu nhập trong tương lai của họ.
“Về lâu dài, chúng ta cần phải thực hiện nhóm giải pháp liên quan đến việc phát triển đa dạng các kênh phân phối, đưa hàng hóa về các thị trường chưa được khai phá, nghiên cứu kết nối hàng hóa phù hợp với nhu cầu của các nhóm tiêu dùng. Qua đó, giảm thiểu chi phí thực hiện mua sắm của người dân, góp phần phát triển thị trường nội địa và thúc đẩy tiêu dùng” - TS Anh nhấn mạnh.
Phải có giải pháp đồng bộ
Nói về các giải pháp để kích cầu tiêu dùng trong năm 2025, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khẳng định tiêu dùng cuối cùng sẽ là động lực rất quan trọng, quyết định tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, tiêu dùng cuối cùng có bước tiến nhưng rất chậm. Trong mấy năm qua, tổng mức bán lẻ theo giá so sánh chỉ tăng khoảng 6%, tiêu dùng cuối cùng chiếm tới 2/3 GDP của toàn nền kinh tế. Do đó, theo ông Lâm, trong năm 2025 và những năm tiếp theo, Việt Nam (VN) cần có những giải pháp kích thích động lực tiêu dùng này.
Thứ nhất, thu nhập của người dân phải được cải thiện thì mới có thể chi tiêu. Bởi vậy, chính sách của VN phải làm sao để tất cả người trưởng thành đều có thu nhập khả dụng.
Thứ hai, khi người dân đã có thu nhập thì phải có nhiều sản phẩm phù hợp, đảm bảo chất lượng với giá cả phải chăng, sản phẩm phải bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ. Lâu nay chúng ta chưa quan tâm nhiều tới dịch vụ.
Thứ ba, hình thức thương mại. Để kích cầu tiêu dùng nội địa, giúp sức mua nhích lên và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ngoài kênh bán trực tiếp, thương mại điện tử cũng là một giải pháp.
Bởi theo ông Lâm, từ trước tới nay hoạt động buôn bán giao thương vẫn phụ thuộc lớn vào chợ truyền thống, khoảng 75%. Vậy bài toán sắp tới là phải phát triển thương mại điện tử ra sao để góp phần kích cầu.
Ngoài ra, theo nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, để tiêu dùng cuối cùng tăng trưởng thì người dân VN phải tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ sản xuất tại VN. Nếu người dân tiêu dùng hàng nhập khẩu, nhập khẩu dịch vụ thì vô hình trung GDP bị giảm đi.
Chẳng hạn, xuất nhập khẩu dịch vụ du lịch là vấn đề rất nóng của năm 2024. Theo thống kê, năm 2024, VN đón 17,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế (gần đạt mục tiêu 18 triệu lượt khách); khách du lịch quốc tế đến VN tăng hơn 33%. Doanh thu xuất khẩu dịch vụ du lịch năm 2024 đạt 12,17 tỉ USD.
Trong khi đó, năm 2024 có 5,3 triệu lượt khách VN đi du lịch nước ngoài, nhập khẩu dịch vụ du lịch năm 2024 là 12,57 tỉ USD. Như vậy, riêng lĩnh vực du lịch, VN đã nhập siêu 380 triệu USD. Chỉ 5,3 triệu người VN đi du lịch nước ngoài đã chi tiêu hơn cả 17,6 triệu khách quốc tế đến VN.
Ông Lâm đặt câu hỏi: Tại sao người VN lại ra nước ngoài du lịch nhiều như vậy? Bởi vì giá vé máy bay nội địa đắt đỏ, trong khi chi phí đi lại chiếm khoảng 30% chi phí du lịch. Chưa kể sản phẩm du lịch nội địa nghèo nàn, kém hấp dẫn, thị trường du lịch VN thiếu vắng những sản phẩm nghỉ dưỡng, giải trí ở phân khúc cao. Khách du lịch đến VN không biết tiêu tiền vào việc gì.
Do đó, ông Lâm cho rằng phải có giải pháp đồng bộ để giải quyết những nhóm vấn đề trên nhằm kích cầu tiêu dùng thì mục tiêu tăng trưởng cao mới khả thi.
MINH TRÚC - TÚ UYÊN