Giảm tỷ lệ đuối nước: Bắt đầu từ nhận thức đúng, truyền thông mạnh mẽ

Giảm tỷ lệ đuối nước: Bắt đầu từ nhận thức đúng, truyền thông mạnh mẽ
8 giờ trướcBài gốc
Ông Nguyễn Danh Khoa trực tiếp hướng dẫn cho trẻ kỹ năng phòng, chống đuối nước. Ảnh: NVCC.
PV: Theo ông, đâu là lý do vì sao năm nào chúng ta cũng tuyên truyền, cảnh báo về nguy cơ này nhưng tỷ lệ đuối nước vẫn ở mức cao trong khu vực?
Ông Nguyễn Danh Khoa: Có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng này. Trước hết do bản thân các học sinh chưa có kiến thức và các kỹ năng về nhận diện và xử lý tình huống khi tham gia các hoạt động liên quan đến sông nước, hồ bơi. Một số ý kiến cho rằng, đường bờ biển nước ta dài hơn 3.000km và hệ thống sông ngòi dày đặc là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ đuối nước ở Việt Nam cao và khó giảm. Tuy nhiên, tôi không đồng ý với quan điểm này bởi có nhiều đất nước như Nhật Bản cũng có điều kiện thổ nhưỡng tự nhiên còn nhiều nguy cơ xảy ra đuối nước hơn chúng ta nhưng tỷ lệ xảy ra đuối nước ở Nhật rất thấp, chỉ bằng 1/8 của Việt Nam. Vấn đề ở đây theo tôi là nhận thức, kiến thức và kỹ năng của bản thân đứa trẻ. Cùng với đó là sự quan tâm từ những người quản lý giáo dục và người chăm sóc trẻ.
Là đơn vị đã và đang triển khai rất nhiều chương trình phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước nói riêng, ông nhận thấy sự hưởng ứng của nhà trường, giáo viên và học sinh, phụ huynh đối với nội dung này như thế nào?
Tôi cũng ít nhiều băn khoăn về hiệu quả của những buổi tuyên truyền về phòng chống đuối nước diễn ra tại sân trường với hàng nghìn học sinh tham dự. Quan điểm xuyên suốt của chúng tôi đó là hướng tới việc trẻ được trực tiếp trải nghiệm các kỹ năng phòng, chống đuối nước, từng trẻ được thực hành cụ thể với các chuyên gia và khuyến khích phụ huynh cùng tham dự để thấy được tầm quan trọng của việc dạy thực hành. Cũng rất nhiều phụ huynh quan tâm tới việc trang bị kỹ năng bơi cho con, đăng ký cho con các khóa học bơi từ cơ bản đến nâng cao nhưng thực tế cho thấy, biết bơi thôi là chưa đủ. Cần thêm những kỹ năng khác để có thể sống sót trong môi trường tự nhiên nói chung và để không xảy ra đuối nước.
Cụ thể, theo ông những kỹ năng nào cần được trang bị cho trẻ em nói riêng và người dân nói chung để phòng, chống đuối nước?
Kỹ năng đầu tiên rất quan trọng đó là kỹ năng tự nổi trong môi trường nước. Để một đứa trẻ học bơi được thì phải mất một tuần thậm chí một tháng hoặc nhiều hơn thời gian đó nhưng nếu dạy kỹ năng tự nổi thì có thể chỉ mất vài chục phút và cũng rất thuận lợi, dễ thực hành với điều kiện cơ sở vật chất hạn chế tại nhiều trường lớp không có bể bơi. Khi thành thạo kỹ năng này thì sẽ hạn chế được nguy cơ đuối nước, có thể tranh thủ thời gian chờ người đến cứu nếu không thể tự bơi vào bờ, nhất là trong điều kiện giữa biển. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn phổ cập kỹ năng cứu đuối an toàn. Thực tế nhiều vụ việc đuối nước tập thể xảy ra khi một nhóm bạn cùng đi chơi, một em rơi xuống nước, những em khác thấy vậy cũng nhảy xuống cứu bạn nên có thể trở thành nạn nhân thứ 2, thứ 3 thậm chí là có những vụ việc 9 học sinh cùng bị đuối nước.
Ở từng độ tuổi khác nhau thì cần phải có những cái kỹ năng ứng phó phù hợp. Cần thiết kế giáo án phù hợp với từng độ tuổi. Hiện chúng tôi đã thiết kế được các bộ chương trình để phòng chống đuối nước và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, được Bộ cho phép sử dụng bộ tài liệu này để giảng dạy trong các cơ sở giáo dục.
Một kỹ năng cần được phổ cập nữa là kỹ năng ứng phó và xử lý tình huống, cụ thể là sơ cấp cứu ban đầu để giúp mỗi người có kỹ năng tự bảo vệ bản thân và cứu người khác một cách an toàn.
Cần tăng cường thêm về truyền thông đến mọi người dân cùng với các cấp, các ngành nâng cao nhận thức và chung tay phòng, chống đuối nước để bảo vệ chính mình và người thân. Phụ huynh cho trẻ đi học bơi nhưng nếu mục tiêu là để duy trì sự sống thì trước hết phải hướng tới những kỹ năng duy trì sự sống còn nếu để rèn luyện sức khỏe thì lại khác. Cần xác định rõ mục tiêu khác nhau dẫn tới kết quả khác nhau, tất nhiên có thể đạt được cả hai mục tiêu đó nhưng định hướng ban đầu phải rất rõ ràng.
Là những nhà nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này, chúng tôi đang đồng hành cùng với ngành giáo dục để triển khai các giải pháp này nhưng khó khăn đó là chưa có nhiều nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này trong khi quá trình huy động xã hội hóa ở một số nơi vướng nhiều khó khăn. Cần truyền thông mạnh mẽ để người dân nâng cao nhận thức và tự nguyện tham gia, đồng hành cùng thì tỉ lệ đuối nước chắc chắn sẽ giảm.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Hương (thực hiện)
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/giam-ty-le-duoi-nuoc-bat-dau-tu-nhan-thuc-dung-truyen-thong-manh-me-10305816.html