Thí sinh gian lận bằng AI trong phòng thi
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi năm nay ghi nhận tổng cộng 41 thí sinh vi phạm quy chế và bị đình chỉ, chủ yếu do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi. Đặc biệt không có trường hợp cán bộ coi thi nào vi phạm.
Thí sinh rời điểm thi sau khi hoàn thành bài thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại Hà Nội.
So với kỳ thi năm ngoái, với 30 trường hợp, trong đó có 3 thí sinh bị khiển trách, 1 bị cảnh cáo và 26 bị đình chỉ, số vi phạm năm nay tăng nhẹ. Tuy nhiên, điều khiến dư luận đặc biệt lo ngại là tính chất vi phạm đã có sự thay đổi rõ rệt: Tinh vi hơn, tổ chức chặt chẽ hơn và được hỗ trợ bởi công nghệ cao.
Theo thiếu tướng Trần Đình Chung, Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an), quá trình điều tra nhanh chóng xác định hành vi gian lận của một số thí sinh: "Ngay sau khi có thông tin, chúng tôi đã chủ trì truy xét và xác minh. Các thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, chụp đề và sử dụng AI để giải ngay trong thời gian làm bài. Trong đó, có ba trường hợp thí sinh chụp một phần đề thi môn Toán và dùng công cụ AI để giải".
Lần đầu tiên cơ quan chức năng phát hiện hành vi gian lận thi cử bằng AI được thực hiện trực tiếp tại phòng thi. Việc sử dụng công nghệ không còn chỉ diễn ra trong khâu chuẩn bị ngoài giờ thi mà đã len lỏi vào chính thời điểm thi, nơi vốn được kiểm soát nghiêm ngặt nhất.
Vụ việc này đặt ra dấu hỏi lớn về hiệu quả của hệ thống giám sát truyền thống. Việc phát hiện được các trường hợp kể trên mang yếu tố may mắn, đồng thời không loại trừ khả năng vẫn còn những hành vi cực kỳ tinh vi chưa bị phát hiện.
Không chỉ dừng lại ở AI, cũng trong kỳ thi này, tại Lâm Đồng, cơ quan chức năng phát hiện một trường hợp vi phạm nghiêm trọng khi thí sinh giấu camera không dây siêu nhỏ dạng cúc áo để chụp đề thi và truyền ra ngoài nhờ người hỗ trợ. Hành vi này cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ ý rõ ràng và có sự liên kết với bên ngoài.
Thiếu tướng Trần Đình Chung cho biết thêm: "Cơ quan công an đã xác định được thiết bị sử dụng, danh tính thí sinh và toàn bộ quá trình vi phạm. Thí sinh đã thừa nhận hành vi. Chúng tôi đang củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý theo đúng quy định pháp luật".
Dù đánh giá các vụ việc được phát hiện là cá biệt và đã được xử lý kịp thời, ông Chung vẫn khẳng định: "Trong thời gian làm bài thi không có hiện tượng lộ, lọt đề. Việc ba thí sinh dùng AI chỉ là hành vi gian lận cá nhân, không làm rò rỉ đề ra ngoài".
Tuy nhiên, chính sự "cá biệt" ấy lại gióng lên hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng. Nếu công nghệ tiếp tục bị lạm dụng sai mục đích mà không có giải pháp đồng bộ để kiểm soát, thì số lượng và tính tinh vi của các hành vi gian lận chắc chắn sẽ tăng lên.
Thiếu tướng Chung nhấn mạnh: "Trong thời gian tới, việc sử dụng AI để gian lận có thể tiếp tục diễn ra với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Do đó, lực lượng chức năng cần được trang bị và ứng dụng công nghệ hiện đại hơn để phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả vẫn là tăng cường tuyên truyền, giáo dục để học sinh nâng cao hiểu biết và không vi phạm quy chế thi".
Thí sinh tại Hà Nội rời điểm thi với nhiều cảm xúc sau môn thi cuối cùng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Thi cử phải đổi mới trong thời đại AI
Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: Việc thí sinh sử dụng AI để gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là một dấu mốc chưa từng có. Nó đặt ra thách thức lớn cho công tác tổ chức thi trong kỷ nguyên số. Sự việc này không chỉ ảnh hưởng đến tính công bằng, mà còn buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về triết lý giáo dục và cách đánh giá năng lực học sinh hiện nay.
Việc thí sinh sử dụng AI để gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là một dấu mốc chưa từng có. Nó đặt ra thách thức lớn cho công tác tổ chức thi trong kỷ nguyên số.
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Trong kỷ nguyên AI, tri thức không còn chỉ đo bằng khả năng ghi nhớ, mà nằm ở tư duy sáng tạo, khả năng thích ứng và làm chủ công nghệ. Việc đánh giá cũng cần chuyển từ "học gì" sang "học như thế nào", dựa trên mô hình ROE: Reframe intelligence (định hình lại trí thông minh), Own the process (làm chủ quá trình học), Effort vs Strategy (đánh giá nỗ lực dựa trên chiến lược học tập thông minh).
Bộ GD&ĐT: Thi THPT 2025 diễn ra an toàn, nghiêm túc
Bộ GD&ĐT bác bỏ thông tin lộ đề thi môn Toán
Chuyên gia nhấn mạnh cần triển khai giải pháp trên ba trụ cột: Giáo dục đổi mới mục tiêu "học để làm chủ", tăng cường giáo dục đạo đức công nghệ và xây dựng năng lực tự học, tự điều chỉnh trong môi trường số. Công nghệ ứng dụng AI để giám sát thi, phát triển nền tảng thi số an toàn, phân tích dữ liệu hành vi để phát hiện gian lận. Quy chế cập nhật quy định về gian lận công nghệ cao, cải tiến đề thi để đánh giá phân tích - phản biện - sáng tạo, kết hợp đánh giá quá trình thông qua học bạ số, dự án và phản hồi ngang hàng.
"Đây là thời điểm chúng ta cần chuyển mình mạnh mẽ sang một nền giáo dục khai phóng, cá nhân hóa và thích ứng linh hoạt với sự phát triển nhanh chóng của AI", PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Sự việc cho thấy bài toán chống gian lận thi cử đã vượt khỏi phạm vi của phương pháp kiểm soát truyền thống. Việc chỉ siết chặt quy chế, nhắc nhở cán bộ coi thi hay kiểm tra thủ công không còn đủ. Các thiết bị công nghệ hiện đại ngày càng nhỏ gọn, tinh vi và có thể kết nối nhanh ra ngoài; trong khi đó, AI có thể giải bài trong vài giây với độ chính xác cao.
"Nếu không có biện pháp công nghệ để phát hiện thiết bị lạ, giám sát hành vi bất thường trong phòng thi hoặc ngăn chặn tín hiệu kết nối trái phép, hệ thống sẽ luôn bị động. Hơn nữa, vấn đề không chỉ kỹ thuật mà còn là đạo đức và nhận thức: Việc học sinh sử dụng AI để gian lận phản ánh một phần nhận thức chưa đúng về tính trung thực trong học tập, đặc biệt trong bối cảnh áp lực điểm số ngày càng lớn", PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Phượng Nguyễn