Gian nan hành trình tiếp cận bản làng bị cô lập nơi tâm lũ Nghệ An

Gian nan hành trình tiếp cận bản làng bị cô lập nơi tâm lũ Nghệ An
3 giờ trướcBài gốc
Tổ công tác vất vả di chuyển theo vách đá ngược thượng nguồn sông Nậm Mộ trên hành trình tiếp cận bản Cha Nga (xã Mỹ Lý, tỉnh Nghệ An). (Ảnh: TTXVN phát)
Từ chiều ngày 22 đến sáng 23/7, do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ từ thượng đổ về với cường suất lớn, mực nước dâng vượt đỉnh lịch sử đã gây ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn hàng chục xã miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An, trong đó các xã chịu thiệt hại nặng nề như Con Cuông, Tương Dương, Mường Xén, Mỹ Lý, Nhôn Mai...
Đỉnh điểm lũ dâng, hàng trăm thôn, bản bị cô lập, không thể liên lạc.
Để đảm bảo an toàn cho bà con dân nhân ở các bản làng bị cô lập không bị đói, khát, hiểm nguy trong lũ dữ, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng ngày đêm tìm cách vượt núi, cắt rừng nỗ lực tiếp cận, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con; di chuyển, sơ tán bà con đến nơi an toàn.
Hành trình tiếp cận những địa bàn, bản làng cô lập, các đoàn, tổ công tác đã gặp không ít khó khăn, vất vả, hiểm nguy. Bằng tình thương, tinh thần trách nhiệm với quyết tâm, sự nỗ lực không mệt mỏi, các đoàn, tổ đội đã tiếp cận được những bản làng cô lập, mang đến sự an toàn, niềm tin cho hàng ngàn hộ dân đồng bào các dân tộc.
Nhiều ngày ròng rã cắt rừng, bám đá ngược sông dữ Nậm Nơn tiếp cận bản biên giới
Bản Cha Nga (là 1 trong hơn 10 bản của xã Mỹ Lý), nằm ở phía thượng nguồn sông Nậm Nơn, sát biên giới Việt Nam-Lào, cách trung tâm xã Mỹ Lý khoảng gần 30 km đường rừng núi. Cả bản có 93 hộ với gần 420 nhân khẩu, đều là dân tộc Thái.
Nằm biệt lập bên dòng Nậm Nơn, bản Cha Nga là bản xa và khó khăn bậc nhất của xã Mỹ Lý nhưng rất yên bình, ít chịu sự tác động, giao thoa với bên ngoài. Nơi đây vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng trong văn hóa, sinh hoạt, tập quán của đồng bào Thái.
Từ chiều tối 22/7, khi lũ vượt mốc lịch sử đổ về gây ngập lụt, sạt lở, chia cắt, cô lập nhiều vùng dân cư, bản làng, chính quyền xã Mỹ Lý (tỉnh Nghệ An) và lực lượng biên phòng không nắm được bất kỳ thông tin nào về tình hình địa bàn của bản Cha Nga vì bản này bị cô lập, không thể tiếp cận do đường sạt lở nghiêm trọng, nước lũ sông Nậm Nơn dâng cao, chảy xiết không thể di chuyển bằng thuyền và không thể kết nối thông tin liên lạc với người dân trong bản.
Theo thông tin từ Đồn biên phòng Mỹ Lý, bình thường, vào Cha Nga có thể sử dụng xe máy để di chuyển trên con đường độc đạo lắm dốc cao, vực sâu chạy dọc theo dòng Nậm Nơn hoặc có thể dùng thuyền máy kích thước nhỏ ngược dòng Nậm Nơn. Cả 2 tuyến đường này đều mất rất nhiều giờ đồng hồ, rất vất vả, khó khăn.
Tổ công tác vất vả di chuyển theo vách đá ngược thượng nguồn sông Nậm Mộ trên hành trình tiếp cận bản Cha Nga (xã Mỹ Lý, tỉnh Nghệ An). (Ảnh: TTXVN phát)
Sáng 24/7, Ủy ban Nhân dân xã Mỹ Lý đã nhanh chóng lập tổ công tác cơ động các lực lượng "4 tại chỗ" phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng Đồn biên phòng Mỹ Lý mang theo một lượng nhu yếu phẩm, thuốc men để hành quân bộ với mục tiêu trong thời gian sớm nhất có thể tiếp cận được người dân bản.
Trong hành trình di chuyển, tổ công tác phải vất vả nhiều giờ “cắt” rừng, luồn sâu trong cây cối thâm u, ẩm ướt; có nhiều điểm phải bám dây leo hỗ trợ nhau di chuyển. Có nhiều đoạn nền đất nhão, đe dọa sụt lún, cây cối gãy đổ ngổn ngang tổ công tác phải dừng lại đánh giá tình hình rồi mới lội bùn đất ngập sâu tiếp tục đi về phía trước.
Dọc đường đi có rất nhiều điểm sạt lở, đá lăn che kín mặt đường, mọi người phải khó khăn leo bộ qua. Hiểm nguy nhất là khi tổ công tác phải liều mình bám vách đá di chuyển men theo sườn núi, phía dưới là sông Nậm Nơn đục ngàu đang cuồn cuồn chảy. Hay những đoạn phải di chuyển dọc vết đứt gãy của con đường trong tình trạng sạt lở và tiếp tục có nguy cơ sạt lở cao.
Suốt quá trình di chuyển, có thể vì thấm mệt, để tiết kiệm sức lực cho hành trình dài gian khó, hoặc tâm trí mọi người đều đang lo lắng, nghĩ đến cảnh tượng không bao giờ muốn đang xảy ra đối với bà con dân bản Cha Nga nên ai cũng kiệm lời đến mức tối đa, trừ lúc cả đoàn cùng ngồi tranh thủ ăn vội vàng, nghỉ ngơi chốc lát hoặc dừng lại hội ý, trao đổi, đánh giá nhanh tình hình rồi vội vã di chuyển. Vẻ mặt ai cũng lo âu, mồ hôi ướt đẫm áo quần, bùn đất lấm lem khắp người, chân tay xước xát.
Trưa 25/7, lực lượng hành quân tiếp cận được bản Cha Nga. Một cảnh tượng không ai mong muốn đã xảy ra đối với bà con dân bản nơi đây. Khung cảnh yên bình của bản Cha Nga đã bị biến dạng hoàn toàn, tan hoang khi lũ dữ càn qua. 36 trong tổng số 93 ngôi nhà sàn của bà con đã bị dòng lũ dữ cuốn trôi hoàn toàn. Những ngôi nhà còn lại cũng nghiêng ngả, xiêu vẹo, hư hại nặng.
Khuôn viên điểm trường Mầm non bản Cha Nga bị lũ tàn phá, hư hại nặng. (Ảnh: TTXVN phát)
Khi thấy tổ công tác, dân bản đã chạy ra ôm lấy từng người và bật khóc trong ngậm ngùi. Từ già trẻ, gái trai trong bản, nét mặt ai cũng còn nguyên vẻ lo âu, sợ hãi. Ngay khi tiếp cận, tổ công tác động viên, chia sẻ với dân bản trước những thiệt hại quá lớn do lũ gây nên; đồng thời khẩn trương cấp phát mì tôm, nhu yếu phẩm; hỗ trợ các hộ bị thiệt hại dựng lán ở tạm; lực lượng quân y biên phòng nhanh chóng khám, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh sau lũ cho bà con.
Cho đến hiện tại, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã cơ bản liên lạc được với các bản trên địa bàn miền núi, biên giới phía Tây Nghệ An. Tuy nhiên, dù nước lũ đã rút nhưng nhiều bản làng vẫn bị cô lập do đường sá bị sạt lở, chia cắt nghiêm trọng. Cuộc sống của nhân dân bản đang gặp muôn vàn khó khăn, thiếu lương thực, nước sạch, xăng dầu, thuốc men, nhu yếu phẩm và nhân lực để khắc phục hậu quả mưa lũ.
Những con số kỷ lục về thiệt hại do thiên tai cực đoan
Sáu ngày sau đợt lũ lịch sử, đến trưa 27/7, tỉnh Nghệ An hiện còn 10 xã bị cô lập với 78 thôn, bản và hơn 6.570 hộ, hơn 31.520 nhân khẩu. Trong đó xã Nhôn Mai vẫn bị cô lập hoàn toàn với 21 thôn, bản, hơn 1.430 hộ, hơn 6.860 nhân khẩu.
Có 9 xã cô lập một phần với 57 thôn, bản, hơn 5.140 hộ, hơn 24.660 nhân khẩu, gồm xã Hữu Kiệm, Mường Xén, Chiêu Lưu, Na Loi, Mường Típ, Tương Dương, Lượng Minh, Yên Hòa, Hữu Khuông. Nguyên nhân bị cô lập là do đường bị sạt lở và bùn đất lấp hết toàn bộ mặt đường (8 xã), nước đang chảy xiết qua các cầu tràn (2 xã).
Gần 1.270 hộ di dời khẩn cấp đến nơi an toàn; hơn 6.940 nhà bị hư hỏng, trong đó bị sập, vùi lấp, cuốn trôi hoàn toàn 375 nhà; hơn 5.390 nhà bị ngập sâu thiệt hại, tài sản bị trôi, hư hỏng sau nước rút; gần 1.180 nhà bị hư hỏng, tốc mái; gần 30 điểm trường bị thiệt hại; 6 trung tâm y tế bị ngập nước, hư hại; gần 1.350 gia súc bị chết, gần 57.140 gia cầm bị chết, cuốn trôi, gần 670ha diện tích ao, hồ và 239 lồng bè bị hư hỏng; gần 3.880 ha lúa, mạ, hơn 3.100 ha rau màu, gần 140 ha diện tích cây trồng lâu năm, hơn 2.540 ha cây trồng hằng năm, 67 ha cây ăn quả tập trung bị thiệt hại.
Có hơn 160 điểm sạt lở taluy dương trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Toàn tỉnh có 5 người tử vong (trong đó 2 trường hợp ở xã Bắc Lý, 2 trường hợp ở xã Nậm Cắn, xã Nhôn Mai và 1 trường hợp ở xã Vĩnh Tường).
Nhà cửa bị hư hại, khung cảnh bản làng Cha Nga bị biến dạng, sạt lở khi lũ dữ quét qua. (Ảnh: TTXVN phát)
Công tác khắc phục thiệt hại thiên tai lũ lụt vừa qua đã được các cấp chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang huy động tối đa nhân lực tham gia. Trong số đó, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh huy động hơn 3.800 lượt cán bộ chiến sỹ, Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng hơn 2.500 lượt cán bộ chiến sỹ, Lữ đoàn 324 và Lữ đoàn 206 hơn 2.550 lượt người… cùng tổng cộng 41 xuồng, 94 lượt ôtô các loại, 10 chuyến trực thăng tham gia ứng phó, hỗ trợ nhân dân phòng, chống khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ nhu yếu phẩm.
Bộ Quốc phòng điều động 2 kíp trực thăng của Trung đoàn 916/QCPKKQ và Công ty Bay miền Bắc phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tiếp tế 28 tấn hàng hóa các loại như mỳ tôm, sữa, lương khô, nước lọc, bánh chưng và các nhu yếu phẩm khác hỗ trợ nhân dân thiệt hại trên địa bàn 7 xã miền Tây tỉnh Nghệ An.
Công an tỉnh tăng cường hơn 500 cán bộ, chiến sỹ cùng nhiều nhu yếu phẩm trang thiết bị, phương tiện tăng cường hỗ trợ nhân dân tại các vùng chịu ảnh hưởng mưa lũ.
Đến trưa ngày 27/7, tổng số tiền, hàng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ cho các xã bị thiệt hại do mưa lũ hơn 43,4 tỷ đồng thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Hội chữ thập đỏ Việt Nam tỉnh Nghệ An.
Hiện nay, Quốc lộ 7A đoạn từ xã Con Cuông đến các địa bàn tâm lũ đã tạm thông tuyến. Với truyền thống đoàn kết, chia sẻ, đùm bọc nhau trong hoạn nạn, hàng trăm chuyến xe chở hàng cứu trợ từ khắp mọi miền tổ quốc đã tiếp cận được các địa bàn tâm lũ để trao quà, nối tiếp sự quan tâm, yêu thương đến bà con vùng lũ.
Người dân ở các thôn, bản ít ngập lụt hơn đã mang theo dụng cụ đến giúp các địa phương bị thiệt hại nặng hơn. Nhiều nhóm, đoàn, tổ chức thiện nguyện từ miền xuôi đã có mặt tại vùng lũ để hỗ trợ, sửa chữa miễn phí thiết bị điện (tivi, tủ lạnh, điều hòa, xe máy …) cho dân bản. Nhiều bếp ăn dã chiến đã được thiết lập để cung cấp hàng ngàn suất cơm cho đồng bào vùng lũ.../.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/gian-nan-hanh-trinh-tiep-can-ban-lang-bi-co-lap-noi-tam-lu-nghe-an-post1052133.vnp