Gián trinh sát với balo điện tử trên lưng. Ảnh: Wforum.
Gián trinh sát – Công cụ tình báo thế hệ mới
Mới đây, một công ty tại Đức có tên SWARM Biotactics đã phát triển một loại công cụ tình báo hoàn toàn mới: “Gián trinh sát” đeo ba lô điện tử siêu nhỏ. Những côn trùng sống này qua cải tạo được “biến hình” thành robot sinh học, có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, giám sát, truyền tín hiệu tầm ngắn trong điều kiện không có GPS, mất liên lạc sóng vô tuyến, địa hình phức tạp.
Do có khả năng sinh tồn và sinh sản cực mạnh, Gián được SWARM Biotactics chọn làm nền tảng sinh học, và hiện công ty này đã sản xuất gián hàng loạt để thử nghiệm.
Những đặc điểm nổi bật của các con “gián trinh sát” này là gì? Có những điểm khác biệt gì với “robot ong mật” của Trung Quốc đã phát triển gần đây?
Một bầy "Gián trinh sát" đang được huấn luyện. Ảnh: Wforum.
Sự kết hợp giữa côn trùng thật và chip thông minh
Phương án của SWARM Biotactics là sử dụng con Gián thật làm nền tảng, thông qua công nghệ khống chế thần kinh từ xa.
Lợi dụng kết cấu sinh lý của Gián, không cần phải giải quyết vấn đề nan giải cung cấp năng lượng và hệ thống điều khiển cho thiết bị bay siêu nhỏ. Sử dụng kích thích điện cực nhỏ để điều khiển phương hướng di chuyển của Gián.
Trang bị "ba lô điện tử": Gồm mô-đun năng lượng, chip điều khiển di chuyển, cảm biến môi trường và thiết bị truyền tin mã hóa.
Ưu điểm lớn nhất là khó bị phát hiện: Không có tiếng động cơ, không cần cánh quạt, Gián có thể chui qua các khe nứt, lỗ tường, đống đổ nát.
Nhờ đó, loại “đặc công côn trùng” này rất phù hợp với thu thập tình báo và nhận thức mục tiêu trong môi trường tác chiến đô thị, hiện trường khủng bố, đường hầm ngầm… là những nơi mà các thiết bị trinh sát truyền thống không thể tiếp cận được.
Các "Gián trinh sát" có thể len lỏi khắp nơi. Ảnh: Wforum.
Trung Quốc cũng có “Ong robot”
Trong khi đó, các nhà khoa học Trung Quốc cũng không hề thua kém. Nhóm của giáo sư Triệu Kiệt Lương (Zhao Jieliang) tại Đại học Công nghệ Bắc Kinh đã phát triển thành công loại “ong robot” điều khiển bằng giao diện thần kinh khống chế đại não.
Nếu nói “gián trinh sát” của Đức là chuyên gia tác chiến mặt đất, thì “ong robot” của Trung Quốc lại là “kẻ bá chủ trên không”.
Ong robot của Trung Quốc có những đặc điểm vượt trội sau:
Cốt lõi của dự án công nghệ này là trọng lượng cực nhẹ: Bộ điều khiển chỉ nặng 74 mg, được gắn trực tiếp vào não của Ong bằng 3 kim siêu mảnh.
Điều khiển thần kinh chính xác: Dùng tín hiệu xung điện để điều khiển các hành động khi bay như “tiến về phía trước”, “rẽ trái/phải”, với độ chính xác trên 90%.
Tích hợp thông minh: Toàn bộ hệ thống được in trên màng polymer siêu mỏng, dẻo và gắn sát cơ thể, có thể thu tín hiệu hồng ngoại và kích thích thần kinh.
Thử nghiệm điều khiển ong robot qua giao diện thần kinh từ xa bằng cách kích thích điện: khống chế co giãn cơ (trên) và co, xòe cánh khi bay (dưới). Ảnh: Wforum.
Ong vốn là bậc thầy trong bay lượn: Chúng không chỉ có thể bay xa đến 5 km, mà còn biết tự động thu chân để giảm lực cản không khí, tăng thời gian hoạt động. Các nhà khoa học Trung Quốc đã lợi dụng đặc tính sinh học này của ong mật, nên “ong robot” của Trung Quốc có ưu thế rõ rệt về khả năng ẩn mình, hiệu suất năng lượng và chống nhiễu.
Chiến trường tương lai sẽ như thế nào?
Dù mới đang còn ở giai đoạn ban đầu, cả “gián trinh sát” và “ong robot” đều cho thấy tiềm năng khổng lồ trong lĩnh vực tác chiến tình báo và cứu hộ.
Chúng có các ưu điểm nổi bật, như: nhỏ bé, khó phát hiện; khả năng ẩn mình tốt; tính thích nghi địa hình cực mạnh…
Ong mật được chọn để cải tạo thành Ong robot. Ảnh: Wforum.
Tuy nhiên hiện tại vẫn còn các hạn chế: Thời lượng pin hạn chế, kích thước thiết bị điện tử vẫn còn lớn; phản ứng sinh học không ổn định
Tuy nhiên, trong tương lai, những sinh vật nhỏ bé này sẽ bước vào chiến trường, trở thành một phần của hệ thống phòng thủ hiện đại. Nơi tưởng như yên bình, thực chất có thể đang diễn ra một cuộc “chiến tranh thông minh vi mô” khốc liệt – nơi kẻ chiến thắng không còn là kẻ mạnh, mà là kẻ nhỏ nhất, thông minh nhất, và lặng lẽ nhất.
Thu Thủy