Giảng dạy nội dung giáo dục địa phương: Giải pháp cho giai đoạn tiếp theo

Giảng dạy nội dung giáo dục địa phương: Giải pháp cho giai đoạn tiếp theo
4 giờ trướcBài gốc
Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ) tổ chức học tập Giáo dục địa phương chủ đề “Danh nhân Cần Thơ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp” tại Bảo tàng TP Cần Thơ. Ảnh: NTCC
Giáo dục địa phương đồng thời góp phần định hướng nghề nghiệp. Sau một chu trình triển khai, cán bộ quản lý, giáo viên đã có những đánh giá thực tế và đề xuất giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.
Bà Nguyễn Kiều Phương - Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ): Cần lựa chọn chủ đề phù hợp, tạo hứng thú cho học sinh
Bà Nguyễn Kiều Phương.
GDĐP có vai trò quan trọng trong việc giáo dục và hình thành ý thức, giúp học sinh hiểu về văn hóa, đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương. Qua đó, góp phần vào công tác hướng nghiệp, giáo dục truyền thống, bồi đắp lòng tự hào về quê hương, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Thời gian qua, ngành GD-ĐT quận Bình Thủy đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung GDĐP theo hướng tích hợp, lồng ghép linh hoạt trong kế hoạch giáo dục nhà trường, đảm bảo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể từng đơn vị. Khi triển khai, mỗi nhà trường đã gắn kết nội dung GDĐP với chương trình môn học, hoạt động trải nghiệm, đảm bảo phù hợp đặc điểm tâm lý, trình độ nhận thức của học sinh theo từng khối lớp.
Tuy nhiên, khi triển khai GDĐP, còn một số khó khăn như: Tài liệu GDĐP chưa được phát hành dưới dạng bản giấy, giáo viên chủ yếu giảng dạy theo bản mềm. Để GDĐP phát huy hiệu quả như kỳ vọng, thời gian tới cần sự quan tâm nhiều hơn.
Cụ thể, giảng dạy GDĐP cần được tổ chức theo từng chủ đề/mạch kiến thức đã thiết kế trong tài liệu GDĐP với hình thức linh hoạt, phù hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường từ đầu năm học. Nội dung/mạch kiến thức phù hợp cần được tích hợp, lồng ghép, bổ sung hoặc thay thế trong quá trình dạy học các môn học, hoạt động giáo dục và thể hiện rõ trong kế hoạch giảng dạy.
Đặc biệt, cần lựa chọn những chủ đề, nội dung phù hợp để tổ chức các hoạt động giáo dục tập thể, kết hợp giữa học tập trên lớp với hoạt động trải nghiệm, thực hành, tham quan thực tế, sưu tầm tư liệu, thực hiện dự án, hoạt động cộng đồng, tình nguyện… nhằm gắn lý luận với thực tiễn, tạo hứng thú học tập cho học sinh. Đồng thời, giúp người học nâng cao hiểu biết về thời sự, văn hóa, lịch sử, kinh tế - xã hội, qua đó vận dụng hiệu quả những năng lực đã đạt được từ chương trình giáo dục vào thực tiễn.
Cô Trương Thị Cẩm Thúy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ): Giáo viên cần linh hoạt, sáng tạo
Cô Trương Thị Cẩm Thúy.
Trong Chương trình GDPT 2018, GDĐP là môn học bắt buộc, hướng đến phát triển năng lực học sinh thông qua kiến thức thực tiễn gắn liền với từng địa phương, trên cơ sở tích hợp nhiều lĩnh vực khác nhau.
Dù còn khó khăn trong triển khai, GDĐP đã mang lại kiến thức hữu ích về nơi sinh sống, góp phần bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước và nâng cao hiểu biết của học sinh về truyền thống văn hóa địa phương.
Trong quá trình triển khai dạy học GDĐP tại nhà trường, môn học đã giúp học sinh hiểu biết cơ bản về văn học dân gian, di sản văn hóa, đặc điểm kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu, nghệ thuật bản địa… Từ đó góp phần hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất học sinh theo định hướng Chương trình GDPT 2018; giúp học sinh có ý thức trách nhiệm, bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai giảng dạy GDĐP còn một số khó khăn. Chẳng hạn, nội dung môn học liên quan đến văn hóa, lịch sử, mỹ thuật địa phương nhưng nhiều giáo viên không phải người bản địa nên tự tìm hiểu thêm tài liệu và truyền tải kiến thức qua sách vở mà chưa có điều kiện tiếp cận thực tế. Một số chủ đề yêu cầu học sinh trải nghiệm, tham quan thực tế, song các yếu tố như đảm bảo an toàn, giáo viên hướng dẫn, kinh phí… đôi khi gây trở ngại trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ cũng ảnh hưởng đến việc triển khai hiệu quả môn học này.
Để dạy học hiệu quả GDĐP, trước hết cần phân công giáo viên giảng dạy các chủ đề phù hợp với năng lực, chuyên môn và sở trường. Giáo viên cần nghiên cứu kỹ nội dung môn học, linh hoạt, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, chủ động tìm hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, kinh tế, nghệ thuật địa phương. Ngoài tài liệu chính thức, việc sưu tầm thêm tư liệu liên quan giúp bài giảng trở nên sinh động, gần gũi hơn. Đặc biệt, cần tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế như tham quan di tích, bảo tàng, làng nghề hay các khu du lịch nhằm tăng cường tính thực tiễn, phát huy hiệu quả môn học.
Cô Mạch Lệ Xuân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ): Tạo tâm thế dạy học chủ động, sáng tạo
Cô Mạch Lệ Xuân.
Để giảng dạy GDĐP đạt hiệu quả, giáo viên và học sinh cần xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, đồng thời áp dụng các hình thức tổ chức dạy học linh hoạt. Quan trọng hơn, cần phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của học sinh, giúp các em thực sự hòa mình vào nền văn hóa truyền thống địa phương thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế, thay vì chỉ tiếp cận qua sách vở hay hình ảnh.
Khi học sinh được trực tiếp khám phá, trải nghiệm trong không gian văn hóa - xã hội địa phương, các em không chỉ hứng thú hơn với môn học, mà còn thêm trân quý lịch sử, tự hào và nuôi dưỡng ý thức đóng góp xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.
Để triển khai hiệu quả GDĐP, giáo viên cần đầu tư nghiêm túc vào nội dung bài giảng, lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với từng chủ đề và học sinh. Môn học không chỉ hướng đến việc đánh giá qua bài kiểm tra tự luận hay trắc nghiệm, mà còn khuyến khích học sinh tạo ra sản phẩm học tập theo hướng dẫn của giáo viên. Quan trọng nhất là giúp học sinh thể hiện sự tìm hiểu, tình cảm đối với quê hương, qua đó hình thành năng lực và phẩm chất cần thiết.
Theo bà Nguyễn Kiều Phương - Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), GDĐP chính là công cụ chủ chốt trong việc truyền đạt, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, địa phương. Thông qua hoạt động giáo dục, học sinh được tăng cường hiểu biết về giá trị, truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc, địa phương; từ đó, lưu giữ lại những nét đẹp văn hóa của địa phương.
Quốc Ngữ (ghi)
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/giang-day-noi-dung-giao-duc-dia-phuong-giai-phap-cho-giai-doan-tiep-theo-post719744.html