Ngày 9-7, Công an TP Hải Phòng cho biết đang tạm giữ hình sự Nguyễn Thành Long (tức Tiến "Bịp", 37 tuổi), Nguyễn Văn Tuấn (42 tuổi) và Nguyễn Văn Đạo (41 tuổi, cùng trú tại TP Hải Phòng) để điều tra về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Ảo tưởng sức mạnh
Thông tin ban đầu, khoảng 2 giờ ngày 8-7, tại thôn Đại Trà Hồng, xã Kiến Minh, TP Hải Phòng, Công an TP Hải Phòng phối hợp Công an xã Kiến Minh bắt quả tang Tuấn có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Tại thời điểm kiểm tra, trong nhà Tuấn còn có 2 người là Long và Đạo. Theo khai nhận ban đầu, Long và Đạo đã sử dụng ma túy đá tại nhà Tuấn. Cơ quan công an thu giữ tang vật, đồng thời lập biên bản bắt người phạm tội quả tang và đưa các đối tượng về trụ sở để tiếp tục xác minh, điều tra.
Trong số 3 đối tượng này, Nguyễn Thành Long khá nổi tiếng trên các kênh mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok, với biệt danh Tiến "Bịp" - một "giang hồ mạng". Tiến "Bịp" thường livestream nói về các vấn đề xã hội, đạo lý giang hồ, quảng cáo các trò chơi đỏ đen, hướng dẫn chơi cờ bạc bịp… thu hút rất nhiều người xem.
Tiến "Bịp" nổi tiếng với những phát ngôn như: tham lam, ngu dốt... Tiến "Bịp" cũng thường live hoặc xuất hiện trong các video livestream của Huấn Hoa Hồng và một số hot Facebook, TikTok, YouTube có lượng lớn người theo dõi.
Theo tìm hiểu, Tiến "Bịp" từng 2 lần thi vào đại học và đạt điểm số cao vượt trội, thậm chí môn hóa còn đạt được điểm tuyệt đối khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Tiến "Bịp" còn nhận được tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi khi ra trường và từng làm kỹ sư thiết kế tại một tập đoàn đóng tàu lớn.
Tuy nhiên, Tiến "Bịp" lại không yên phận với một công việc ổn định mà quyết định rẽ sang hướng đi hoàn toàn mới, trở thành nhân vật mạng với danh xưng "giang hồ", nổi tiếng dần khi livestream, tư vấn những chiêu trò đỏ đen cũng như quảng bá việc đánh bạc trực tuyến.
Từ năm 2019, tên tuổi của Tiến "Bịp" càng được nhiều người biết đến khi phát ngôn ngông cuồng và sẵn sàng khẩu chiến với những giang hồ mạng cùng thời điểm đó như Huấn Hoa Hồng, Khánh Sky hay Khá Bảnh. Không ít lần Tiến "Bịp" cũng vấp phải những phát ngôn gây tranh cãi và nhận về làn sóng chỉ trích dữ dội. Tuy nhiên, đối tượng này vẫn ngang nhiên lên sóng livestream để thể hiện bản chất "giang hồ mạng" của mình.
Tương tự, một "giang hồ mạng" khác là Lê Văn Phú (tức Phú Lê, 40 tuổi) cùng đàn em từng bị Công an TP Hà Nội khởi tố năm 2020 để điều tra tội "Cố ý gây thương tích".
Trước đó, Phú Lê có 2 tiền án về tội "Mua bán trái phép chất ma túy" và "Gây rối trật tự công cộng". Sau khi ra tù, Phú Lê được biết đến là "giang hồ mạng" cùng Phúc XO, Huấn Hoa Hồng, thường tham gia một số sự kiện về âm nhạc, đóng MV ca nhạc hoặc những phim ngắn về chủ đề giang hồ.
Song "nổi tiếng" nhất có lẽ là Khá Bảnh, tức Ngô Bá Khá (32 tuổi, quê tỉnh Bắc Ninh). Từ năm 2017, Khá Bảnh bắt đầu làm video có nội dung tục tĩu, mang tính chất giang hồ, mà nổi tiếng là qua những clip "múa quạt" và những câu nói về triết lý sống.
Năm 2019, mạng xã hội "choáng" khi Khá Bảnh vướng lao lý và bị tuyên 10 năm 6 tháng tù về tội "Đánh bạc" và "Tổ chức đánh bạc" với cáo buộc tổ chức đánh bạc bằng hình thức chơi số lô, đề, hưởng lợi gần 300 triệu đồng.
Tiến “Bịp”. (Ảnh từ Facebook của Tiến “Bịp”)
Đoạn kết khó tránh khỏi
Theo luật sư Trương Văn Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, một hiện tượng đã xảy ra nhiều năm là có nhiều "giang hồ mạng" lên mạng rao giảng đạo lý và được một bộ phận giới trẻ tôn sùng, học theo. Tuy nhiên, đằng sau đó là những hành vi vi phạm pháp luật đã bị cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý theo quy định. Đó là đoạn kết khó tránh khỏi.
Nghiêm trọng hơn, những người này dễ lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Qua đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 331 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định về: "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", với mức phạt tù lên đến 7 năm.
Chuyên gia xã hội học Nguyễn Minh Tường nhận định nhiều "giang hồ mạng" vướng vòng lao lý do ảo tưởng quyền lực trên mạng xã hội, quên rằng mình phải tuân thủ pháp luật. Những nội dung lệch lạc sẽ phải gánh chịu hậu quả thật. Tuy nhiên, thực tế mạng xã hội từ lâu đã bị vấy bẩn bởi các video có văn hóa thấp, độc hại. "Giang hồ mạng" thường khoe mẽ lối sống hào nhoáng, rao giảng đạo lý giả tạo hoặc sử dụng ngôn từ tục tĩu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của giới trẻ.
Chuyên gia Nguyễn Minh Tường nhấn mạnh các bậc phụ huynh cần giám sát hoạt động trực tuyến và quan sát tâm lý của con em để kịp thời can thiệp. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay như gỡ bỏ, khóa vĩnh viễn các trang đăng tải nội dung xấu, độc hại. Đồng thời, xử phạt nghiêm các cá nhân, tổ chức tiếp tay lan truyền thông tin vi phạm pháp luật theo Luật An ninh mạng.
PGS-TS Trương Văn Vỹ, chuyên gia xã hội học tội phạm, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, đánh giá trào lưu "giang hồ mạng" tạo ra sự nguy hại tiềm ẩn cho xã hội. "Mạng xã hội hiện rất phổ biến trong xã hội, vì vậy mỗi người cần đề cao ý thức cá nhân, đừng vội tin theo hay làm theo những gì "giang hồ mạng" đang thể hiện" - PGS-TS Trương Văn Vỹ nói.
Lời khuyên từ luật sư
Luật sư Trương Văn Tuấn khuyến cáo trước khi đăng tải clip, livestream phải chuẩn bị, kiểm tra lại kỹ nội dung, hình ảnh và chú ý mọi thông tin phản ánh, chia sẻ phải dựa trên sự thật và có căn cứ rõ ràng, tránh đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc hoặc vu khống. Đồng thời, người sử dụng mạng xã hội nói chung cần văn minh, lịch sự, phù hợp với văn hóa giao tiếp trên không gian mạng và không xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Cuối cùng, tránh để cảm xúc, ảnh hưởng từ người khác chi phối khi đăng tải nội dung.
ANH VŨ - TRỌNG ĐỨC