Những tưởng chỉ là cuộc dạo chơi thoáng qua, nhưng suốt 12 năm qua với 4 album phòng thu và nhiều đêm diễn thử nghiệm, cô đã không ngừng mở rộng biên giới nhạc Trịnh với các kết hợp thú vị.
Mới đây, Giang Trang đã ra mắt album Trịnh cuối đánh dấu điểm kết cho hành trình gắn bó với âm nhạc Trịnh Công Sơn trong màu sắc jazz, blues, rock khác biệt, từ đó phản ánh đời sống đô thị Sài Gòn hiện đại.
Người Đô Thị đã có cuộc trò chuyện cùng cô trong tháng kỷ niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Đầu tiên xin chúc mừng chị với album Trịnh cuối mới ra mắt. Đây có thể nói là dự án xuất hiện với ít nhiều bất ngờ, bởi nhiều năm trước chị từng nói “chia tay” âm nhạc Trịnh Công Sơn. Vì sao lại thế?
Có thể nói 7 năm thực hiện Lênh đênh nhớ phố (2012), Hạ Huyền (2012), Chiều qua vẫn qua (2014), Hạ Huyền 2 (2015), Nguyệt Hạ (2016) và Nguyệt Hạ 2 (2018) khiến tôi cảm thấy đã đủ! Mỗi concept là một không gian Trịnh Công Sơn khác nhau, đi từ tinh thần bán cổ điển, ngũ tấu đến dân gian đương đại rồi màu sắc, phong vị jazz.
Với tôi, 7 năm trong dự án nghiên cứu văn hóa cá thể Trịnh Công Sơn qua các concept âm nhạc với nhiều nghệ sĩ tài năng của Hà Nội là một hành trình đủ dài chỉ để “nói chuyện” về một chân dung tác giả.
Vậy đâu là điều khiến chị thay đổi ý định?
Đó là 5 năm sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Trong quá trình đó tôi chủ yếu quan sát, tìm hiểu và hòa nhập vào đô thị sống động này như một người di cư tới. Quãng thời gian này không mấy khi tôi xuất hiện để chơi nhạc vì bận rộn làm việc trong lĩnh vực sản xuất nội thất, nhưng đã có rất nhiều buổi nghe nhạc tại nhiều tụ điểm âm nhạc, gặp gỡ thêm nhiều chân dung nghệ sĩ mới ở thành phố. Có những điều mới mẻ, thu hút ở đô thị này và nghệ sĩ nơi đây khiến tôi tự thấy đáng tiếc nếu không có thêm một lần tiếp nối, không được vào phòng thu và sáng tạo thêm một concept về âm nhạc Trịnh Công Sơn nữa.
Trong suốt sự nghiệp, Giang Trang đã biểu diễn nhạc Trịnh tại nhiều thành phố lớn như Paris, Munich, Budapest, Tokyo, San Jose, California… Ảnh: Tang Tang
Thế là Trịnh cuối có mặt ở điểm cuối của dự án kéo dài 12 năm, dưới sự hỗ trợ của Viện Pháp tại Việt Nam, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Sự trở lại này đánh dấu sự ra đời của một concept Trịnh Công Sơn mà ở đó ca từ và giai điệu của vị nhạc sĩ là chất liệu cho các nghệ sĩ có “chất Sài Gòn” chia sẻ góc nhìn hiện đại, tự do của mình thông qua 9 bài hát như một tập hợp pha lẫn jazz, blues, blues rock, acoustic, electronic...
Chị lên ý tưởng kết hợp các màu sắc đó như thế nào?
Ban đầu tôi chọn làm “Trịnh blues” vì thấy nhạc Trịnh rất hợp với màu blues nhưng lâu nay rất ít người làm. Do đó tôi đã tìm một nghệ sĩ chơi guitar blues hay, gọi thêm người bạn thân chơi trumpet từ Hà Nội vào, thêm tay bass keyboard “trẻ măng” (sinh năm 2004) và tay trống cũng rất tài năng đang là sinh viên ngành bác sĩ tâm lý. Chúng tôi vào phòng thu dự định sẽ thử nghiệm “Trịnh blues”, thế mà cuộc chơi vui quá, lạ quá, thành ra có những màu sắc khác nữa! (cười).
Chúng tôi làm từng ca khúc theo thứ tự tôi biên tập mà không biết trước nó sẽ ra sao. Mọi người chơi ngẫu hứng với nhau, cùng góp ý kiến và tập dợt đến khi ưng ý. Tôi muốn một tinh thần làm việc hào hứng, tự do, đồng sáng tạo, ở đó mỗi cá nhân đều có một khoảng rất riêng để tự do bộc lộ. Thế là chúng tôi hào hứng cùng nhau suốt bốn ngày ở phòng thu và sau rốt Trịnh cuối thành hình.
Nhưng hẵn phải có sự quen thuộc từ trước để làm việc ăn ý?
Đúng vậy. Để ra được kết quả này cũng cần quá trình chơi nhạc cùng nhau và thấu hiểu nhau. Như tôi với Minh Nghĩa trumpet đã gặp nhau đều đặn trong hơn 8 năm, trong khi guitarist Liêm Hiếu đã cộng tác cùng tôi ở Sài Gòn qua một số dự án hơn 3 năm qua. Kỹ sư âm thanh Nguyễn Thế Linh thì đã hiểu tôi từ Chiều qua vẫn qua (2014)... Khi có thêm các thành viên mới chính là có thêm nguồn năng lượng mới, nhiều sức sống cho dự án này.
Chị vừa nhắc đến những thành viên rất trẻ và quan trọng hơn là dự án thực hiện trong giai đoạn chị “di cư” vào Sài Gòn. Hai yếu tố này tạo ra những mới mẻ gì?
Sài Gòn trong mắt tôi là một đô thị khoái hoạt, năng động, cởi mở, bao dung và thẳng thắn. Tôi thích tinh thần này. Nó cho tôi năng lượng trẻ trung và bớt nghĩ ngợi. Và có thể nói mỗi concept mới là một lần tôi hiểu Trịnh hơn theo cách mới mẻ. Phải mới thì tôi mới làm tiếp, không thấy mới thì thôi, tôi không làm! Sài Gòn cho tôi điều đó!
Cuộc “di cư” này chắc hẵn cũng giúp mối tương quan giữa chị và âm nhạc Trịnh Công Sơn có sự thay đổi từ cả hai phía, khi trải nghiệm giúp chị “cảm” hơn âm nhạc của ông, còn không gian của ông cũng giúp chị nhìn đời thêm rõ ràng hơn?
Đúng vậy. Tôi đã có nhiều trải nghiệm hơn. Rời Hà Nội từ vị trí làm chủ một mô hình kinh doanh nhỏ bước sang năm thứ 9, tôi vào TP.HCM để tham gia làm trong nhà máy sản xuất nội thất, hàng ngày tiếp xúc với những con người bình dị, những người thợ thủ công lành nghề, thiện xảo giúp tôi học thêm được những điều mới. Có thể bôn ba hơn nhưng tôi lại trẻ ra vì không ngừng học hỏi ngay từ đời sống đang biến động và đổi thay từng ngày.
Đó cũng là cơ hội giúp tôi “thấm” hơn, hiểu hơn nỗi lòng yêu thương tha nhân trong ca khúc Trịnh Công Sơn và cũng biết thương mình hơn, biết nhẹ nhàng hơn với những điều đang trải qua. Đi xa, nhớ bố mẹ và con gái, nhưng cũng đồng thời tôi có dịp đối thoại với tâm trí. Đây là khoảng thời gian tôi tìm về con người bên trong, trở về với nội lực bình yên một cách tự nhiên hơn, khoái hoạt, vui vẻ hơn.
Chị chọn sử dụng các màu sắc âm nhạc này vì phần nào nó họa lên bối cảnh Sài Gòn?
Đối với tôi quá trình biên tập concept, ra ý tưởng, lựa chọn những cộng sự sẽ cáng đáng ý tưởng ấy... cũng na ná như quy hoạch và kiến trúc trong khuôn khổ các định hướng đã có! Tôi từng gây dựng một tụ điểm âm nhạc, chọn jazz, rock để diễn live hàng tuần ở Hà Nội. Việc đó cách đây một chục năm tương đối khó khăn, nhưng bởi khó nên mới thích làm! Tới giờ jazz, rock hay blues đã trở thành một phần tất yếu trong không gian văn hóa âm nhạc của một đô thị lớn như Hà Nội hay Sài Gòn.
Trịnh cuối là lời tạ từ của Giang Trang sau hành trình 12 năm biễu diễn âm nhạc Trịnh Công Sơn theo phong cách riêng với nhiều album
Thực ra từ xa xưa thứ âm nhạc này đã từng sống động ở đây như New York, nên thật may mắn trong hằng hà sa số những kiểu âm nhạc thì vẫn có những người trẻ thích, thậm chí mê jazz, blues, rock. Đây là thể loại âm nhạc tôi cho là phù hợp để tạo sinh khí và sự hứng khởi sôi nổi trong không gian quán xá hay các sinh hoạt văn hóa đậm chất đô thị. Ở đó cả người nghệ sĩ và người nghe cùng được xả stress...
Đâu là Sài Gòn mà chị muốn hiện lên qua dự án này?
Tôi và các bạn trẻ muốn kể về thành phố này ngay bây giờ đây, dưới những gì mà chúng tôi đang chứng kiến. Trong nhiều thứ đổi thay khi bước sang một thế giới mới thời 4.0, vẫn còn những giá trị thuần xúc cảm và đầy ngẫu hứng đặc trưng của tính người. Giọng hát và tiếng đàn luôn bình đẳng, cộng sinh và sau tất cả, những biên độ cởi mở, rộng lớn mà nhạc cụ vượt ra khỏi ca từ và giai điệu của nhạc Trịnh sẽ vẫn gặp lại tư tưởng Trịnh Công Sơn trong hành trình đi tìm cái đẹp chân thiện mỹ.
Tất cả đều là cảm xúc. Một con người, một dòng sông, những phố xá, những thân cây, những ồn ào bụi bặm, những hối hả, mất mát hay những hân hoan rồ dại... đều là những trạng thái cảm xúc, những hỉ nộ ái ố thường trực quanh ta ngày nối tiếp ngày, để sau tất cả, ta trở về trong ta với sự dễ chịu, nhẹ dịu…
Và cũng giống Hạ Huyền được thực hiện với chủ đích làm hiện lên thành thị Hà Nội, có thể nói kiểu đô thị tái hiện trong Trịnh cuối là tinh thần Sài Gòn trong âm nhạc của người trẻ (đa số đang ở độ tuổi 20), trẻ như thời tôi bắt đầu quan tâm tới âm nhạc Trịnh Công Sơn (và ca khúc Việt Nam nói chung) vậy! Tôi nhìn thấy nó và hy vọng người nghe cũng cảm nhận được Sài Gòn hiện tại sau 3 thế kỷ phát triển, được xây dựng trong tinh thần âm nhạc mà các cộng sự và tôi đã kiến tạo trong concept Trịnh cuối.
Xin cám ơn chị vì cuộc trò chuyện thú vị này!
Minh Anh thực hiện