Giảng viên làm Luật sư: Lợi ích nhiều chiều

Giảng viên làm Luật sư: Lợi ích nhiều chiều
9 giờ trướcBài gốc
TS. Vũ Văn Tính, Khoa Luật, Học viện Hành chính và Quản trị công.
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc cho phép viên chức, nhất là giảng viên luật, được hành nghề luật sư?
Chúng tôi thấy rằng trong lĩnh vực pháp luật, sự kết hợp giữa giảng dạy và thực hành là vô cùng quý giá và cần thiết. Việc các giảng viên luật tham gia hành nghề luật sư không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân họ mà còn cho cả sinh viên, ngành luật và xã hội. Dưới đây là một số lợi ích chính.
Đầu tiên, tham gia hành nghề luật sư giúp giảng viên nâng cao kiến thức thực tiễn. Mặc dù họ đã có nền tảng lý thuyết vững chắc, nhưng việc thực hành trong các vụ việc giúp họ hiểu rõ hơn về quy trình vận hành của pháp luật, các thách thức và tồn tại của pháp luật. Điều này không chỉ cải thiện chất lượng giảng dạy mà còn giúp họ cung cấp cho sinh viên những ví dụ thực tế có giá trị.
Thứ hai, giảng viên hành nghề luật sư có cơ hội phát triển kỹ năng giao tiếp và thương lượng, đàm phán. Trong môi trường thực tế, việc giao tiếp với khách hàng, đối tác và các cơ quan chức năng đòi hỏi khả năng diễn đạt, lắng nghe và thương lượng hiệu quả. Những kỹ năng này có thể được chuyển giao lại cho sinh viên thông qua các khóa học hoặc hội thảo, từ đó giúp sinh viên có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có thể trở thành các luật sư thành thạo công việc ngay sau khi ra trường, làm cho xã hội đỡ phải đào tạo lại.
Thứ ba, sự tham gia vào hành nghề giúp giảng viên nắm bắt và cập nhật những thay đổi trong hệ thống pháp luật. Luật là một lĩnh vực luôn biến đổi, với những quy định, quy trình pháp lý liên tục thay đổi. Giảng viên hành nghề sẽ dễ dàng nhận thức và phản ánh những thay đổi này vào chương trình học, đảm bảo sinh viên được trang bị kiến thức pháp luật cập nhật nhất.
Thêm vào đó, các giảng viên luật hành nghề còn tăng cường mối liên kết giữa học viên và thực tiễn. Các giảng viên-luật sư có thể tổ chức các buổi hội thảo hoặc chương trình thực tập cho sinh viên, giúp sinh viên tiếp cận thực tế ngay từ khi còn học. Sự kết nối này không chỉ góp phần vào sự phát triển chuyên môn của sinh viên mà còn tạo ra những cơ hội việc làm tiềm năng cho họ.
Ngoài ra, việc giảng viên tham gia hành nghề còn đóng góp vào uy tín và sự phát triển của trường đại học hoặc khoa luật mà họ đang công tác. Họ không chỉ mang lại giá trị cho sinh viên mà còn khẳng định vị thế của trường trong cộng đồng pháp lý. Những hoạt động pháp lý thực tế của giảng viên cũng có thể thu hút các nguồn lực, tài trợ, và hợp tác từ các tổ chức bên ngoài.
PV: Là người đã từng du học ở Pháp và có cơ hội công tác ở nhiều quốc gia, ông có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm nước ngoài?
Trên thế giới, sự tham gia của giảng viên luật vào hành nghề luật sư theo tôi biết là rất phổ biến và được đánh giá cao. Ở Pháp, ngay từ năm 1936 một sắc lệnh hành pháp đã quy định về việc kiêm nhiệm các công việc, theo đó: “Các nhân viên thuộc đội ngũ những người tham gia công việc về giảng dạy, kỹ thuật, mỹ thuật hoặc khoa học của các cơ sở giáo dục được phép làm them các nghề tự do phát sinh từ tính chất công việc của họ".
Ở nhiều quốc gia khác như Hoa Kỳ, Anh, Australia… các giảng viên thường xuyên kết hợp giảng dạy với những hoạt động pháp lý thực tiễn, giúp nâng cao chất lượng giáo dục và tăng cường mối liên hệ giữa lý thuyết và thực hành. Việc này không chỉ mang lại lợi ích cho giảng viên mà còn cho sinh viên, khi họ được tiếp cận những kiến thức cập nhật và kinh nghiệm thực tế quý giá. Đồng thời, việc giảng viên hành nghề luật sư cũng nâng cao uy tín cho các trường luật, từ đó thu hút nhiều sinh viên và tài trợ hơn. Thực tiễn này đã chứng minh sự hiệu quả trong việc phát triển chất lượng nguồn nhân lực cho ngành luật.
TS. Vũ Văn Tính, Khoa Luật, Học viện Hành chính và Quản trị công.
Như vậy, việc giảng viên luật tham gia hành nghề luật sư mang lại nhiều lợi ích đa dạng, từ việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, đến việc xây dựng cầu nối giữa lý thuyết và thực tiễn. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển cá nhân của giảng viên mà còn góp phần vào sự phát triển của ngành luật nói chung và thế hệ luật sư tương lai.
PV: Theo ông, nếu cho phép cho phép viên chức được hành nghề luật sư cần bảo đảm những điều kiện gì?
Tuy nhiên, để một giảng viên được hành nghề luật sư, theo tôi cần đảm bảo hai điều kiện chính sau: điều kiện về chuyên môn và điều kiện về xung đột lợi ích.
Điều kiện về chuyên môn. Trừ các trường hợp được miễn đào tạo nghề luật sư theo quy định của pháp luật về luật sư, các trường hợp viên chức khác muốn hành nghề luật sư thì vẫn phải hoàn thành khóa đào tạo nghề luật sư để trang bị cho mình một kiến thức nền tảng, vì luật sư là một nghề nghiệp đòi hỏi nhiều kỹ năng phức tạp. Tuy nhiên thời gian đào tạo có thể được rút ngắn hơn so với các khóa đào tạo thông thường hiện nay. Ngoài ra, các giảng viên vẫn phải có một thời gian thực tập tại một tổ chức hành nghề luật sư (văn phòng luật sư hoặc công ty luật). Sau tập sự, phải tham gia kiểm tra kết quả tập sự do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức.
Điều kiện về tránh xung đột lợi ích. Để tránh xung đột lợi ích giữa công việc đảm nhiệm với tư cách là viên chức và công việc dưới tư cách một luật sư, ngoài nghĩa vụ tránh xung đột lợi ích chung quy định tại Luật Luật sư, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, tôi cho rằng cần có những quy định mang tính đặc thù áp dụng cho đối tượng luật sư là các viên chức ngành luật, chẳng hạn: (i) phải báo cáo với người đứng đầu cơ quan về việc tham gia hành nghề luật sư; (ii) phải ưu tiên hoàn thành mọi nhiệm vụ của một viên chức - giảng viên; (ii) không được tham gia tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho các tổ chức, cá nhân có lợi ích đối lập với lợi ích của cơ quan nơi mình làm việc; (iii) không được sử dụng các thông tin có được ở vị trí một viên chức để kiếm lợi trong khi hành nghề luật sư.
-Trân trọng cám ơn ông!
Bình An (thực hiện)
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/giang-vien-lam-luat-su-loi-ich-nhieu-chieu-post549178.html