Chiều ngày 21/4, tại TP. HCM, đã diễn ra hội thảo với chủ đề "Đáp ứng điện mùa nắng nóng - thách thức và giải pháp" do Báo Tiền Phong tổ chức. Hội thảo có sự đồng hành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Điện lực miền Nam và Tổng Công ty Điện lực TP. HCM. Cùng với đó, có sự tham gia của đại diện Cục Điện lực (Bộ Công Thương); cơ quan quản lý ở Trung ương và các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị ngành điện và các doanh nghiệp, người dân, sinh viên là khách hàng sử dụng điện.
Phát biểu tại sự kiện, nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết, theo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, tại khu vực Nam Bộ, nhiệt độ tăng mạnh kể từ đầu tháng Tư và cao nhất trong ngày thường xuyên ở mức cao. Điều này đã khiến nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt (làm mát) tăng theo, nhất là vào những tháng cao điểm nắng nóng (tháng Tư đến tháng Sáu) năm nay.
Trước tình hình đó, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực điện lực, từ Chính phủ đến bộ, ngành, địa phương đều đặc biệt quan tâm và có những giải pháp, chính sách phù hợp nhằm đảm bảo điện cho đất nước.
Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Duy Anh)
Các đơn vị điện lực cũng đã chủ động xây dựng kịch bản vận hành lưới điện ở các mức tăng trưởng phụ tải khác nhau, đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm cung cấp điện mùa khô năm 2025, hoàn tất các công tác sửa chữa bảo trì lưới điện.
Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường, bất lợi của thời tiết và dự báo nắng nóng gay gắt trong thời gian tới, cùng nhu cầu phụ tải tăng nhanh, ngành điện vẫn luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội, sinh hoạt của người dân những tháng cao điểm nắng nóng.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: Phạm Nguyễn)
“Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và mọi người dân cũng luôn đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng không nhỏ về đời sống, sinh hoạt, sản xuất kinh doanh… do thiếu điện gây ra, hoặc do phải sử dụng nhiều điện dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng vọt trong mùa nắng nóng. Đó chính là lý do hội thảo này được tổ chức”, nhà báo Phùng Công Sưởng nói.
Phát biểu tại hội thảo, nhìn nhận thực trạng cung ứng điện an toàn mùa nắng nóng, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn EVN cho biết, trong những ngày vừa qua, cả nước, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Nam đang trải qua đợt nắng nóng với nhiệt độ tại nhiều địa phương đã chạm ngưỡng 38 độ C. Điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng vọt, đặc biệt là điện sinh hoạt và điện cho làm mát. Đây là áp lực không nhỏ đối với hệ thống điện quốc gia, từ khâu phát điện, truyền tải cho đến phân phối điện.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn EVN phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Duy Anh)
Để đảm bảo điện cho mùa nắng nóng, không thể chỉ dựa vào nỗ lực của ngành điện, mà cần sự đồng hành, chia sẻ, phối hợp chặt chẽ từ người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.
“Chúng tôi cũng đang nỗ lực đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ số và tăng cường phối hợp giữa các đơn vị thành viên để đảm bảo cung cấp điện trong những ngày cao điểm. Qua hội thảo, tôi hy vọng các cơ quan quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương, Sở Công Thương, doanh nghiệp trọng điểm, khách hàng sử dụng điện cùng chung tay, chung sức, chung lòng để đưa đến những giải pháp bền vững vẫn nằm ở việc sử dụng điện hợp lý, hiệu quả từ phía người tiêu dùng”, ông Võ Quang Lâm nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Công Tráng - Giảng viên trường ĐH Tôn Đức Thắng, mùa nắng nóng năm nay là thách thức cho các doanh nghiệp và nhiều gia đình. Giải pháp điều chỉnh phụ tải, dịch chuyển phụ tải vừa có lợi cho doanh nghiệp lẫn ngành điện.
TS Nguyễn Công Tráng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Duy Anh)
Cụ thể, giảm chi phí cho doanh nghiệp rất nhiều khi chuyển qua giờ thấp điểm, độ tin cậy cung cấp điện, số lần cắt điện, mất điện đối với doanh nghiệp ít lại do hệ thống điện ổn định. Phía ngành điện sẽ giảm được áp lực trên hệ thống điện, giảm quá tải trên đường dây điện, giảm chi phí vận hành, chi phí đầu tư nguồn cung cấp điện.
Tại Hội thảo, Hoàng Thuận (trường CĐ điện lực) đã đặt câu hỏi: Tại sao không thực hiện các giải pháp tiết kiệm nhiều giờ trong năm mà chỉ tiết kiệm theo "Giờ Trái Đất" hoặc các chương trình ngắn hạn?
Hoàng Thuận (trường CĐ Điện lực) đặt câu hỏi tại hội thảo. (Ảnh: Duy Anh)
Theo ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Công ty Điện lực miền Nam, quan trọng nhất của "Giờ Trái Đất" hay các chương trình kêu gọi tiết kiệm điện là kêu gọi mọi người cùng chung tay tiết kiệm điện bằng những hành động nhỏ như tắt điện, tăng nhiệt độ điều hòa để nâng cao ý thức về tiết kiệm điện. Đây là các chương trình hành động để tuyên truyền cộng đồng nâng cao ý thức.
Nguyễn Triệu Vy (trường CĐ Điện lực) cũng thắc mắc về phụ tải của những doanh nghiệp lớn, vậy phụ tải với hộ gia đình thì xử lý thế nào?
Nguyễn Triệu Vy (trường CĐ Điện lực) đặt câu hỏi tại Hội thảo. (Ảnh: Duy Anh)
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn EVN cho biết thêm, trước đây Tập đoàn có hỗ trợ lắp bình nước nóng năng lượng. Gia đình đã có bình nước nóng năng lượng sẽ không sử dụng bình nước nóng trực tiếp để giảm công suất sử dụng điện vào giờ cao điểm.
"Hiện nay, công nghệ lưu trữ điện đã phổ biến, nếu lắp bình lưu trữ có công suất phổ biến thì có thể trôi qua được giờ cao điểm, hỗ trợ giảm tải cho lưới điện. Mỗi gia đình có nhiều phòng có thể gom lại một phòng trong mùa nóng để giảm công suất sử dụng điện vừa vui, vừa tiết kiệm khi giảm được máy lạnh, tivi của các phòng khác. Hành động nhỏ sẽ mang lại hiệu quả lớn", ông Võ Quang Lâm chia sẻ.
Kết luận Hội thảo, nhà báo Phùng Công Sưởng – Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho rằng, các giải pháp về công nghệ, dự báo, điều chỉnh phụ tải, thay đổi dây chuyền sản xuất hiện đại, áp dụng công nghiệp kiểm soát năng lượng là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Những giải pháp thiết thực mà các doanh nghiệp đưa ra tại Hội thảo có thể rất hữu ích để các doanh nghiệp khác cùng tham khảo.
Nhóm PV