Giảng viên trẻ: Chia sẻ câu chuyện nghề giáo đầy cảm hứng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam

Giảng viên trẻ: Chia sẻ câu chuyện nghề giáo đầy cảm hứng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam
3 giờ trướcBài gốc
Bén duyên với nghề giáo từ cảm hứng nơi thầy cô
Là cựu sinh viên khoa Luật của trường ĐH Mở Hà Nội, ThS Thiều Cẩm Sơn từng tham gia tích cực trong vai trò cán bộ Đoàn - Hội, nơi anh được truyền cảm hứng bởi sự tận tâm của thầy cô và sự năng động trong môi trường học tập. "Không hiểu từ khi nào, tôi đã yêu nghề giáo đến như vậy", anh chia sẻ. Năm 2014 – sau khi tốt nghiệp đại học, với sự hỗ trợ từ Ban Chủ nhiệm khoa, thầy giáo trẻ chính thức bắt đầu sự nghiệp giảng dạy với vai trò là trợ giảng, đánh dấu một hành trình đầy cảm hứng. Trong quá trình đó, anh tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ và được chính thức trở thành giảng viên của trường ĐH Mở Hà Nội vào năm 2017, sau khi nhận bằng Thạc sĩ.
ThS Thiều Cẩm Sơn - Bí thư Đoàn trường, Giảng viên trường ĐH Mở Hà Nội. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
Với thầy giáo Thiều Cẩm Sơn, nghề giáo không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức, mà còn là sự sẻ chia, đồng hành cùng học viên trên mọi chặng đường tri thức. Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất của anh là khi giảng dạy cho một học viên đặc biệt, gần 80 tuổi. "Dù tuổi đã cao, bác luôn chăm chú, nghiêm túc và học tập xuất sắc. Điều đó khiến tôi càng thấm nhuần sứ mạng của Nhà trường: ‘Mở cơ hội học tập cho mọi người’", thầy giáo trẻ nói.
Sứ mệnh người thầy: Truyền cảm hứng bằng tận tâm và nhiệt huyết
Thầy giáo Cẩm Sơn luôn tâm niệm rằng, "Người thầy vĩ đại là người thầy biết truyền cảm hứng". Với anh, sự tận tâm và nhiệt huyết chính là chìa khóa để kết nối với sinh viên. Trong thời đại Gen Z, anh thừa nhận khoảng cách thế hệ đôi lúc là thách thức. Tuy nhiên, anh cùng các đồng nghiệp tại trường Đại học Mở Hà Nội không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy người học làm trung tâm, đồng thời không ngừng nâng cao chuyên môn cá nhân.
ThS Thiều Cẩm Sơn trên giảng đường. Ảnh: NVCC
Không chỉ là giảng viên tận tụy, ThS Thiều Cẩm Sơn còn là người truyền động lực để sinh viên phát triển toàn diện cả trong học tập và hoạt động xã hội. Thầy Cẩm Sơn cho rằng, học tập là nền tảng, nhưng hoạt động xã hội giúp sinh viên hoàn thiện kỹ năng mềm, rèn luyện bản lĩnh. "Hãy quản lý thời gian thật tốt để cân bằng giữa học tập và các hoạt động xã hội. Chính người thầy cũng phải là tấm gương thực hiện điều đó", anh nhấn mạnh.
Với thầy giáo trẻ Thiều Cẩm Sơn, ngày 20/11 không chỉ là ngày tri ân của học trò mà còn là dịp thầy giáo trẻ gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những người thầy đã dìu dắt mình. "Họ không chỉ truyền dạy tri thức mà còn dẫn lối tôi bằng những bài học đạo đức, tinh thần sống". Nhà giáo trẻ bày tỏ, điều mà anh và bất kỳ thầy cô nào mong muốn là sinh viên của mình ngày càng phát triển toàn diện và thành công, bởi "sự thành công của học trò là niềm vinh dự và tự hào của mỗi người thầy".
Ngoài công việc giảng dạy, thầy giáo trẻ còn tham gia nhiều hoạt động và đoạt Giải thưởng 'Nhà giáo trẻ tiêu biểu Thủ đô năm 2024'.
Nhắn nhủ đến các bạn sinh viên ngành Luật, ThS Thiều Cẩm Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của ba kỹ năng: "Nói – Đọc – Viết". Theo anh, khả năng giao tiếp, thuyết trình và hùng biện (Nói) giúp sinh viên trình bày rõ ràng quan điểm và thuyết phục người khác. Kỹ năng nghiên cứu và phân tích tài liệu (Đọc) giúp sinh viên nắm bắt vấn đề cốt lõi giữa biển thông tin. Cuối cùng, kỹ năng soạn thảo văn bản (Viết) không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp mà còn là yếu tố quyết định trong công việc pháp lý.
Dương Triều
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/giang-vien-tre-chia-se-cau-chuyen-nghe-giao-day-cam-hung-nhan-ngay-nha-giao-viet-nam-post1693111.tpo