Ngày 30/10, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân T.N.K (SN 1999, ở Vĩnh Phúc) được chuyển đến trong tình trạng rất nguy kịch phải an thần, thở máy do rò tá tràng, nhiễm khuẩn huyết nặng, nguy cơ tử vong trên 90%.
Bệnh nhân có tiền sử thủng tá tràng, viêm phúc mạc đã được bệnh viện tuyến dưới mổ khâu thủng, dẫn lưu ổ bụng. Tuy nhiên sau mổ bệnh nhân có dấu hiệu rò tá tràng, nhiễm khuẩn huyết, dẫn lưu ra khoảng 1,5 lít dịch tiêu hóa. Bệnh nhân trở nặng, sốt cao, suy hô hấp phải đặt ống thở máy được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc nhiễm trùng rất nặng, rò tiêu hóa, rối loạn nước và điện giải.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân K., các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực đã tiến hành hồi sức tích cực cho bệnh nhân. Trải qua quá trình nỗ lực điều trị, tình trạng sốc nhiễm khuẩn của bệnh nhân có cải thiện hơn. Tuy nhiên tình trạng nhiễm khuẩn tăng trở lại, tình trạng rò tá tràng không cải thiện. Bệnh nhân được chụp CT scanner ổ bụng phát hiện nhiều ổ áp xe bên trong ổ bụng và sau phúc mạc.
Qua hội chẩn với các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp, Tiết niệu và Nam học, bệnh nhân được nhận định ở tình trạng rất nặng. Việc rò tá tràng đã gây tổn thương sang các nội tạng khác, khiến cho việc tiến hành phẫu thuật gặp nhiều khó khăn và tỉ lệ tử vong lên đến hơn 90%.
Đáng chú ý, ống dẫn lưu ban đầu của bệnh nhân bị tắc, không dẫn lưu được dịch ra bên ngoài, bị trào ngược qua chân ống sode gây viêm xung quanh. Đồng thời các ổ áp xe trong ổ bụng và sau phúc mạc khiến tình trạng nhiễm trùng huyết khó kiểm soát.
Nếu không phẫu thuật, tình trạng của bệnh nhân ngày càng trở nên xấu hơn, có nguy cơ tử vong. Khi được hỏi ý kiến, gia đình bệnh nhân quyết tâm điều trị và đồng ý phẫu thuật thêm lần nữa cho bệnh nhân.
Bác si thăm khám cho bệnh nhân khi đã qua cơn nguy kịch.
Ca phẫu thuật diễn ra với sự khẩn trương và hết sức cẩn trọng. Chia sẻ về những giây phút khó khăn nhất, BSCKII Trần Thượng Việt - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Tiết niệu và Nam học cho biết: "Trong 2 tiếng phẫu thuật, chúng tôi đã làm sạch ổ bụng, phá các ổ áp xe cũ và đặt lại nhiều ống dẫn lưu ở các ổ áp xe và cạnh lỗ rò, dẫn lưu mủ cũng như dịch tiêu hóa ra bên ngoài. Bên cạnh đó, bệnh nhân được đặt thêm một hệ thống ống hút liên tục qua dẫn lưu vùng bị thủng ở tá tràng để không cho dịch tiêu hóa đọng lại gây tổn thương thêm cho những cơ quan nội tạng xung quanh".
Sau 20 ngày đặt hệ thống hút liên tục, các lỗ rò tá tràng dần thu hẹp nhỏ lại, dịch tiêu hóa không còn bị rò ra bên ngoài. Đến nay, lỗ rò tá tràng của bệnh nhân đã liền trở lại, tình trạng nhiễm khuẩn huyết được cải thiện.
Theo các bác sĩ, do thể trạng khi nhập viện của bệnh nhân rất suy kiệt vì thủng tá tràng, không ăn uống bình thường được nên mức độ hồi phục của bệnh nhân mất nhiều thời gian hơn những bệnh nhân thông thường khác. Đến nay, bệnh nhân đã ăn uống trở lại được, ổn định sức khỏe và sớm ra viện trong thời gian tới.
Đặng Thanh