Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả (Quảng Ninh) vừa cho biết, sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã cai thở máy, tự thở, hồi phục tốt, không có di chứng về thần kinh.
Trước đó, vào lúc 18h ngày 10/7, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả tiếp nhận bệnh nhân N.B (62 tuổi, trú tại phường Cẩm Sơn cũ, TP Cẩm Phả cũ) trong tình trạng hôn mê, tím tái, miệng đầy dịch tiết lẫn bọt máu sau khi đuối nước, tắm tại hồ Cao Sơn.
Ngay khi tiếp nhận, kíp trực cấp cứu đã khẩn trương hồi sức hô hấp, đặt nội khí quản, cho thở máy. Cùng với đó, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc - Thận nhân tạo để điều trị chuyên sâu.
Bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Tại đây, người bệnh được chụp CT lồng ngực và phát hiện bị tổn thương lan tỏa cả hai phổi, tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa, đến ngày 14/7, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, tự thở được, hồi phục tốt và không để lại di chứng thần kinh.
Dù người bệnh đã may mắn vượt qua lưỡi hái tử thần, nhưng vụ việc lần này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về những sai lầm phổ biến trong sơ cứu người đuối nước mà cộng đồng vẫn đang mắc phải.
Cũng theo đại diện bệnh viện, qua khai thác từ người nhà và nhân chứng, trước khi người bệnh chuyển đến viện, nạn nhân đã được người dân sơ cứu bằng cách dốc ngược đầu, vác chạy quanh. Đây là cách làm phản khoa học và nguy hiểm, dễ làm cho dịch, nước tràn vào sâu hơn đường hô hấp, làm tăng nguy cơ sặc, tổn thương phổi nặng và tử vong.
Các bác sĩ bệnh viện khuyến cáo, khi gặp người đuối nước, mọi người cần đưa nạn nhân lên chỗ khô ráo, an toàn, kiểm tra ý thức - gọi to, lay nhẹ. Nếu nạn nhân bất tỉnh tiến hành kiểm tra nhịp thở, mạch. Trường hợp không có mạch, ngừng thở, cần tiến hành hồi sức tim phổi (CPR)…
Kỹ thuật CPR cơ bản gồm:
Ép tim ngoài lồng ngực:
Đặt hai tay lên giữa ngực, ép thẳng góc, mạnh - nhanh - đều (100 - 120 lần/phút).
Ép sâu khoảng 5 - 6 cm, để ngực giãn hoàn toàn giữa các nhịp.
Hà hơi thổi ngạt:
Ngửa đầu, nâng cằm, bịt mũi, thổi vào miệng 2 nhịp sau mỗi 30 lần ép tim.
Phương pháp hồi sức tim phổi cơ bản bao gồm hai phần là ép tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt.
Lưu ý: Gọi ngay 115 để được hỗ trợ chuyên môn và vận chuyển y tế kịp thời. Sau khi tỉnh, đặt người bệnh ở tư thế nằm nghiêng an toàn, giữ ấm và theo dõi sát sao.
Bình Nguyên