Trong phiên hôm qua, thị trường giảm điểm từ sớm khi áp lực bán dâng cao trên diện rộng. Mặc dù vậy, việc lực cung chững lại trong phiên chiều đã giúp tâm lý nhà đầu tư vững vàng hơn và đà rơi của chỉ số đã ngừng lại quanh ngưỡng 1.305 điểm.
Mặc dù thanh khoản cải thiện khi trở lại trên mức 20.000 tỷ đồng, nhưng lực bán mạnh đã khiến VN-Index đóng cửa giảm hơn 10 điểm, là phiên giảm mạnh nhất của tháng 3.
Tổng cộng tháng 3, VN-Index chỉ còn tăng nhẹ 1,5 điểm và tính chung quý I/2025, chỉ số này đã tăng 40 điểm, tương ứng tăng 3,16%.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 1/4, ngay từ sớm thị trường đã có tín hiệu hồi phục khi mở cửa tăng điểm trở lại ngưỡng trên 1.310 điểm, dù dòng tiền không quá mạnh và còn sự thận trọng nhất định, đặc biệt trong bối cảnh chỉ còn ngày mai, một số chính sách thuế quan có đi có lại của Mỹ sẽ có hiệu lực.
Mặt khác trên thị trường, đà tăng được thúc đẩy bởi sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện tử và một số mã bluechip đóng góp chính là VCB và nhóm Vingroup với VIC, VHM nhích trên dưới 1,5%, riêng VRE đang là mã dẫn đầu rổ VN30 khi tăng hơn 3%.
Thị trường tiếp tục có những tín hiệu hồi phục về điểm số về cuối phiên với sắc xanh vững chắc trên bảng điện tử, cũng như đà tăng được nới rộng của nhóm cổ phiếu nhà Vingroup.
Mặc dù vậy, nhìn chung đà hồi phục này có hơi hướng hồi phục kỹ thuật hơn khi tâm lý nhà đầu tư vẫn có sự thận trọng cao, dòng tiền phân hóa và thanh khoản có sự sụt giảm đáng kể so với phiên sáng hôm qua.
Chốt phiên, sàn HOSE có 279 mã tăng và 125 mã giảm, VN-Index tăng 8,31 điểm (+0,64%), lên 1.315,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 275 triệu đơn vị, giá trị 6.390,4 tỷ đồng, giảm 28% cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 31,6 triệu đơn vị, giá trị 672,4 tỷ đồng.
Đóng góp lớn vào đà tăng của chỉ số là sắc xanh áp đảo trong nhóm VN30, dù đa phần đều chỉ tăng nhẹ, ngoại trừ nhóm cổ phiếu Vingroup khi VHM, VIC, VRE nới rộng đà tăng.
Cụ thể, VRE +4,2% lên 19.950 đồng, khớp 9,52 triệu đơn vị; VIC +3,8% lên 60.200 đồng, khớp 4,75 triệu đơn vị và VHM +3,7% lên 53.100 đồng, khớp 8,16 triệu đơn vị.
Theo sau là GAS, BCM và VCB với mức tăng chỉ từ 1,2% đến 1,7%.
Ở chiều ngược lại, SHB và BVH dẫn đầu đà đi xuống, nhưng cũng nhờ lực cung tiết giảm, nên mức giảm không đáng kể.
Các cổ phiếu vừa và nhỏ với chỉ một số điểm nóng đáng chú ý như bộ ba cổ phiếu ngành khoáng sản là FCM, BMC và TNT khi đều chạm mức giá trần, dù thanh khoản chỉ từ 0,3 triệu đến 0,9 triệu đơn vị.
Các mã khác như EVG, CRC, HCD, SMC, HAP tăng từ 3% đến hơn 4%, và GEX +4,7% lên 24.550 đồng – khớp lệnh cao nhất sàn HOSE với hơn 19,3 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã ghi nhận đà hồi phục, nhưng mức tăng còn khiêm tốn khi các cổ phiếu trọng số lớn chỉ nhích nhẹ.
Chốt phiên, sàn HNX có 90 mã tăng và 45 mã giảm, HNX-Index tăng 0,72 điểm (+0,31%), lên 235,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,2 triệu đơn vị, giá trị 320,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,78 triệu đơn vị, giá trị 14,1 tỷ đồng.
Các mã lớn đa phần biến động nhẹ, với KSF, MBS, PVS, NVB, SHS, NTP tăng điểm không đáng kể, trong khi IDC, PVI, HUT, VCS cũng chỉ giảm nhẹ.
Đáng kể nhất là cổ phiếu KSV khi trở lại mức giá trần +10% lên 206.500 đồng, dù chỉ khớp hơn 76.000 đơn vị.
Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index sau ít phút giằng co quanh tham chiếu cũng đã bứt hẳn lên, dù mức tăng cũng đã bị chặn lại về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,35 điểm (+0,36%), lên 98,4 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17 triệu đơn vị, giá trị 230,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,45 triệu đơn vị, giá trị 36,2 tỷ đồng.
Cổ phiếu đáng chú ý nhất là MSR khi khớp lệnh vượt trội so với phần còn lại với hơn 4 triệu đơn vị, giá cổ phiếu cũng tăng mạnh +11,8% lên 20.700 đồng.
Theo sau là AAH với hơn 1,56 triệu đơn vị và cũng tăng khá mạnh +7% lên 4.500 đồng/cổ phiếu.
Lạc Nhạn