Trong phiên hôm qua, dòng tiền lan tỏa từ sớm, cùng điểm tựa chính từ cặp đôi nhà Vingroup là VIC và VHM, đã giúp VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng điểm xoay quanh mốc 1.230 điểm, dù có đôi chút rung lắc do chưa nhận được sự ủng hộ của nhóm ngân hàng.
Tuy vậy, lực cầu đã tự tin hơn sau giờ nghỉ trưa và cổ phiếu đua nhau khởi sắc, với nhiều mã kéo trần thành công, đã giúp VN-Index nới rộng biên độ tăng và lên trên 1.240 điểm khi đóng cửa.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 15/4, áp lực bán bất ngờ tăng mạnh ngay khi mở cửa khiến VN-Index mất hơn 13 điểm. Tuy nhiên, chỉ số đã ngay lập tức có nhịp bật hồi trở lại vùng tham chiếu và rung lắc nhẹ sau hơn 1 giờ giao dịch.
Diễn biến giằng co và tạm thời chững lại diễn ra tương đối dễ đoán, khi thị trường đã liên tiếp có ba phiên hồi phục mạnh vừa qua với tổng gần 150 điểm.
Điểm nhấn trong phiên sáng nay vẫn là những cổ phiếu họ Vingroup, với tâm điểm VIC khi có thời điểm tăng kịch trần, trong khi VHM nhích 3%.
Theo sau là HPG khi duy trì mức tăng khá và thu hút dòng tiền nhất khi khối lượng khớp lệnh cao nhất sàn HOSE.
Các nhóm cổ phiếu khác tạm thời cũng đã chững lại và dòng tiền có tín hiệu dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu đầu cơ với HAG, TSC, HPX, APG đã sớm tăng hết biên độ.
Áp lực bán gia tăng khiến sắc đỏ lan rộng ở nửa sau của phiên, ngay cả nhóm bluechip cũng không thoát khỏi diễn biến này, thậm chí một số còn nới rộng đà giảm khiến VN-Index đảo chiều giảm về dưới mốc 1.230 điểm khi kết phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 111 mã tăng và 362 mã giảm, VN-Index giảm 11,88 điểm (-0,96%), xuống 1.229,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 502,4 triệu đơn vị, giá trị 11.590,4 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 29,7 triệu đơn vị, giá trị gần 700 tỷ đồng.
Nhóm VN30 dần trở nên tiêu cực với 25 mã giảm, trong đó GVR bị bán mạnh và giảm sàn -6,9% xuống 24.400 đồng, khớp 3,8 triệu đơn vị.
Không ít các cổ phiếu khác cũng nới đà giảm, với BCM -5% xuống 57.500 đồng, SSB -4,2% xuống 18.350 đồng, FPT -3,1% xuống 114.800 đồng.
Nhiều mã khác như MSN, TCB, BID, VJC, PLX, ACB, SSI, SHB mất hơn 2% đến gần 3%.
Ở chiều ngược lại, các mã nhà Vingroup đóng vai trò là trụ đỡ giúp chỉ số không giảm sâu hơn, với VIC +4,6% lên 72.800 đồng, VHM +3,5% lên 59.200 đồng. Hai cổ phiếu khác còn tăng là VCB nhích 1,7% và HPG tăng nhẹ 0,6%. Trong đó, HPG vẫn là mã hút thanh khoản nhất, khớp lệnh cao nhất nhóm và dẫn đầu toàn sàn với hơn 26,5 triệu đơn vị.
Nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là những cái tên riêng lẻ, có tính đầu cơ cao giữ vững mức tăng cao như HPX, TSC, FIT, HVH, HAG, APG chạm giá trần, với HAG vượt trội về thanh khoản với hơn 9,57 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trái lại, khá nhiều cổ phiếu nới rộng đà giảm với mức giảm sàn đáng kể ở nhóm khu công nghiệp, cao su, xuất khẩu, như PHR, LHG, GIL, AGM. Các mã SGR, TNT, SZC, TCM, GDT GMD, KBC khi giảm từ hơn 5% đến hơn 6,5%.
Trên sàn HNX, nhiều cổ phiếu đảo chiều giảm cũng đã khiến HNX-Index tìm đến các mức thấp hơn trong phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 28 mã tăng và 125 mã giảm, HNX-Index giảm 3,56 điểm (-1,65%), xuống 211,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,4 triệu đơn vị, giá trị 546,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,11 triệu đơn vị, giá trị gần 35 tỷ đồng.
Gần như không còn cổ phiếu nào tăng trong số các mã lớn hoặc thanh khoản cao. Trong đó, một số giảm khá mạnh như NRC giảm sàn -9,1% xuống 4.000 đồng, IDC -8% xuống 35.600 đồng, TIG -4% xuống 7.100 đồng.
Các mã PVS, CEO, MBS, VFS, MST, DL1, BVS, TNG, VC7 giảm từ gần 3% đến 4%...trong khi đó, SHS -1,4% xuống 13.900 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 7,16 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau những phút đầu tăng điểm cũng đã đảo chiều giảm khi sắc đỏ lan rộng trên bảng điện tử.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,9 điểm (-0,98%), xuống 90,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,1 triệu đơn vị, giá trị 267,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,22 triệu đơn vị, giá trị 4,7 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu HNG, APP, BVB đi ngược dòng, với HNG tăng hơn 6% lên 6.600 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 5,41 triệu đơn vị.
Cổ phiếu APP tăng vọt +9,7% lên 6.800 đồng, khớp lệnh cũng chỉ đứng sau HNG với 1,18 triệu đơn vị.
Lạc Nhạn