Trong phiên hôm qua, thị trường gặp khó ngay từ sớm khi lực cung gia tăng và khiến VN-Index rơi về gần 1.290 điểm sau đó mới bật trở lại lên trên vùng tham chiếu.
Đà hồi phục chủ yếu nhờ động lực tăng từ VIC khi mã này nới rộng đà tăng và chạm sắc tím. Tuy vậy, VN-Index không đi xa hơn khi sắc đỏ vẫn lấn át trên bảng điện tử và thời điểm áp lực gia tăng cũng là lúc chỉ số đảo chiều giảm điểm, may mắn đóng cửa chỉ giảm nhẹ hơn 5 điểm.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 20/5, diễn biến phân hóa tiếp diễn trên bảng điện tử và giao dịch nhìn chung vẫn dừng lại ở mức thăm dò khi chưa có nhóm ngành nào chiếm ưu thế, thu hút mạnh dòng tiền.
Tuy nhiên, chỉ số VN-Index lại tịnh tiến tăng tích cực và dễ dàng lấy lại mốc 1.300 điểm và tiến gần tới 1.310 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch nhờ nhóm cổ phiếu nhà Vingroup trợ lực mạnh, với VRE, VHM, VIC dẫn đầu mức tăng và bỏ xa phần còn lại trong số các bluechip, trong đó, VIC và VHM đã tăng kịch trần, đóng góp tới gần 10 điểm tích cực.
Thị trường sau khi tiếp cận mốc 1.310 điểm tiếp tục tiến lên các mốc cao hơn, nhờ sắc xanh mở rộng trên bảng điệ tử và lực cung được tiết giảm. Tuy nhiên, việc VHM và VRE chững lại, trong khi VIC đã “hết lực” bởi mức giá trần đã khiến chỉ số VN-Index không thể bật mạnh hơn, dù sau đó có thêm sự góp sức của TCB.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 186 mã tăng và 116 mã giảm, VN-Index tăng 17,04 điểm (+1,31%), lên 1.313,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 479,1 triệu đơn vị, giá trị gần 11.628 tỷ đồng, tăng hơn 6% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 36,1 triệu đơn vị, giá trị 961 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu Vingroup vẫn là tâm điểm, với VIC giữ vững mức giá trần tại 91.500 đồng, khớp hơn 3,5 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1,8 triệu đơn vị.
Hai cổ phiếu liên quan trong nhóm VN30 là VHM +5,8% lên 62.200 đồng, khớp hơn 14 triệu đơn vị và VRE +3% lên 25.500 đồng, khớp 10,44 triệu đơn vị.
Về cuối phiên, thị trường còn nhận được sự đóng góp của TCB khi mã này tăng mạnh +4,6% lên 30.850 đồng, khớp 25,5 triệu đơn vị. Ngoài ra, sắc xanh dần chiếm ưu thế trong số các bluechip khác cũng hỗ trợ thêm, với VIB, HDB, BCM, MBB, STB, MSN, GVR nhích 1,1% đến 2,6%.
Trong khi đó, các mã giảm chỉ dừng lại ở mức thấp, với SHB -0,4% xuống 13.300 đồng, thanh khoản cao nhất nhóm và dẫn đầu toàn thị trường với 58,1 triệu đơn vị.
Các mã vừa và nhỏ chỉ lác đác một số cái tên đáng chú ý, nhưng đa phần là các mã có tính đầu cơ cao như HAH, JVC, FCM TCD, DQC tăng kịch trần. Các mã TSC, FIT, VOS, VHC, VSC với mức tăng 3% đến hơn 5%.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau nhịp tăng đầu phiên đã lùi về vùng gần tham chiếu và giằng co nhẹ cho đến khi kết phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 72 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index tăng 0,42 điểm (+0,19%), lên 217,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,2 triệu đơn vị, giá trị 399,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,74 triệu đơn vị, giá trị 34,4 tỷ đồng.
Các mã lớn, thanh khoản cao nhất sàn đều biến động nhẹ, với PVS, SHS tăng điểm nhẹ, trong khi MBS, CEO đứng tham chiếu.
Các cổ phiếu nhỏ thu hút dòng tiền hơn với VHE tăng kịch trần +7,7% lên 4.200 đồng, API +5,4% lên 7.800 đồng, hai mã MBG, APS nhích hơn 3%...
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index rung lắc quanh tham chiếu và tạm kết phiên trong sắc đỏ, dù mức giảm không đáng kể.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,09 điểm (-0,09%), xuống 95,62 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 24,8 triệu đơn vị, giá trị 249 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,24 triệu đơn vị, giá trị 32,5 tỷ đồng.
Các mã giảm có phần lấn át trong số những cái tên khớp lệnh cao nhất, với AAS, BGE, HNG, DDV, BCR, trong khi điểm sáng là MSR với mức tăng 5,3% lên 18.000 đồng, khớp lệnh cao nhất khi có hơn 2,75 triệu đơn vị.
Lạc Nhạn