Một tuần giao dịch đầy hứng khởi vừa diễn ra, khi thanh khoản sôi động với mức trung bình các phiên đều đạt hơn 20.000 tỷ đồng, sự khởi sắc của dòng bank, xu hướng mua ròng khá mạnh của khối ngoại…, đã giúp VN-Index dễ dàng vượt ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm. Tuy nhiên, cũng như tuần đầu tháng 5, áp lực bán gia tăng trong phiên cuối tuần ngày 16/5 đã khiến thị trường quay đầu điều chỉnh giảm sau 4 phiên tăng khá tốt trước đó.
Về kỹ thuật, phiên đảo chiều cuối tuần qua đã đưa chỉ số VN-Index về đường MA20, cũng là ngưỡng hỗ trợ 1.300 điểm. Các chỉ báo RSI và MACD đồng thuận hướng xuống nên diễn biến rung lắc là điều khó tránh trong phiên sắp tới. Dù vậy, việc chỉ báo CMF vẫn neo trên mốc 0, cho thấy dòng tiền vẫn đang luân chuyển trong thị trường và VN-Index kỳ vọng sẽ sớm tìm được điểm cân bằng.
Theo ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK Kafi, trong ngắn hạn, không loại trừ khả năng chỉ số sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ tâm lý 1.300 điểm nhằm phản ánh sự thận trọng và tâm lý chờ đợi thêm các thông tin rõ ràng hơn về mức độ và phạm vi áp dụng thuế quan.
Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng 19/5, áp lực bán trên diện rộng tiếp tục khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và VN-Index lùi về sát mốc 1.290 điểm ngay khi mở cửa.
Tuy nhiên, dòng tiền vẫn tham gia sôi động và tiếp tục luân chuyển nhanh qua các cổ phiếu và nhóm ngành, với điểm đến mới là nhóm cổ phiếu Vingroup, đã giúp VN-Index bật hồi tích cực.
Sau hơn 1 giờ giao dịch, bên cạnh VHM và VRE không ngừng nới rộng biên độ, cổ phiếu VIC đang dao động ở mức giá trần, đã giúp VN-Index đảo chiều hồi phục sắc xanh.
Đà tăng mạnh của các mã lớn đã lan rộng toàn ngành, giúp nhóm cổ phiếu bất động sản vươn lên dẫn đầu thị trường, dù các mã trong ngành mới chỉ tăng nhẹ. Trong đó, DXG, NVL, KBC tăng trên dưới 1% và thanh khoản đều đang thuộc top 10 mã dẫn đầu thị trường.
Dù sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện tử, nhưng trụ đỡ chính từ bộ đôi lớn VIC – VHM, đã giúp VN-Index hồi phục thành công và tạm dừng phiên sáng với mức tăng nhẹ.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 113 mã tăng và 186 mã giảm, VN-Index tăng 1,59 điểm (+0,12%) lên 1.302,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 450,8 triệu đơn vị, giá trị 9.658,2 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 3% về khối lượng nhưng tăng gần 15% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 16/5.
Nhóm VN30 chốt phiên cũng tăng nhẹ hơn 3 điểm, với 11 mã tăng và 18 mã giảm. Trong đó, điểm sáng vẫn là cặp đôi nhà Vingroup gồm VIC và VHM đã đóng góp tổng cộng khoảng 7,4 điểm cho chỉ số chung.
Cụ thể, VIC tăng 7% lên mức giá trần 85.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 8,2 triệu đơn vị và dư mua trần 0,4 triệu đơn vị; và VHM chốt phiên tăng 3,3% lên mức 59.900 đồng/Cp với khối lượng khớp hơn 3,2 triệu đơn vị.
Trong khi đó, “tân binh” nhà Vin là VPL đảo chiều giảm 1,9% xuống mức 99.100 đồng/CP sau chuỗi 4 phiên chào sàn tăng mạnh.
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn dần đầu đà tăng của thị trường nhờ sự dẫn dắt của VIC. Một số mã khác trong ngành như KBC, CII, PDR… cũng tạm dừng phiên sáng trong sắc xanh nhạt; trong khi các mã như TCH, DXG, NLG đảo chiều điều chỉnh nhẹ.
Đáng chú ý, lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng hồi nhẹ. Trong đó, VPB là tâm điểm, chốt phiên tăng 2,2% lên mức 18.450 đồng/CP với thanh khoản vượt trội trên thị trường, đạt hơn 49 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu khác như SHB, MBB, TCB đều thuộc top 5 mã giao dịch sôi động nhất thị trường khi cùng đạt hơn 10 triệu đơn vị, chốt phiên MBB và TCb đều tăng nhẹ…
Trong khi đó, nhóm chứng khoán vẫn điều chỉnh nhẹ bởi sắc đỏ chiếm áp đảo trong ngành. Trong đó, VIX vẫn sôi động nhất nhóm khi có 17,75 triệu đơn vị khớp lệnh thành công, chốt phiên mã này giảm nhẹ 0,4%.
Trên sàn HNX, thị trường lình xình giao dịch dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên sáng.
Chốt phiên, sàn HNX có 57 mã tăng và 79 mã giảm, HNX-Index giảm 0,84 điểm (-0,38%) xuống 217,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28,7 triệu đơn vị, giá trị 464,1 tỷ đồng.
Trong khi phần lớn các cổ phiếu chứng khoán trên HNX lình xình dưới mốc tham chiếu, điểm sáng là cổ phiếu VFS tăng 4,5% lên mức 23.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đứng thứ 4 toàn thị trường, đạt hơn 1,6 triệu đơn vị.
Cổ phiếu sôi động nhất thị trường vẫn là SHS với hơn 5 triệu đơn vị, chốt phiên đứng giá tham chiếu. Các cổ phiếu chứng khoán khác như MBS giảm 1,1%, APS giảm 3,2%, BVS giảm 1,3%, VIG giảm 7%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, DL1 chốt phiên tăng 2,2% lên mức 9.300 đồng/Cp, thanh khoản chỉ thua SHS với hơn 2,9 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên UPCoM, dù có chút điều chỉnh nhẹ, nhưng thị trường đã nhanh chóng hồi phục và duy trì đà tăng nhẹ trong thời gian còn lại.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,39 điểm (0,41%) lên 95,89 điểm với 110 mã tăng và 94 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 24,2 triệu đơn vị, giá trị 266,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu BCR để mất sắc tím nhưng vẫn là điểm sáng của thị trường. Chốt phiên, BCR tăng 8% lên 2.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 3,55 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM đua nhau khởi sắc, với VAB tăng 6% và khớp 2,18 triệu đơn vị, ABB tăng 1,3%, KLB tăng 3,1%.
Một số mã đáng chú ý là AAS tăng 4,5% và khớp 1,93 triệu đơn vị, DDV tăng 3,4% và khớp 1,7 triệu đơn vị…
T.Thúy