Giao dịch chứng khoán sáng 21/7: Áp lực bán gia tăng, VN-Index quay đầu điều chỉnh

Giao dịch chứng khoán sáng 21/7: Áp lực bán gia tăng, VN-Index quay đầu điều chỉnh
13 giờ trướcBài gốc
Thị trường đã có chuỗi ngày tăng ấn tượng nhờ dòng tiền tham gia mạnh mẽ luân chuyển qua các cổ phiếu lớn và các nhóm ngành. Tuy nhiên, trong tuần giao dịch vừa qua, từ 14-18/7, áp lực chốt lời đã xuất hiện nhiều hơn khiến VN-Index liên tục rung lắc khi tiến sát vùng đỉnh lịch sử 1.480 – 1.530 điểm.
Bên cạnh diễn biến có phần đi ngang của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và các mã trong rổ VN30, giao dịch khối ngoại cũng hãm đà mua ròng và chuyển qua trạng thái mua ròng trong 2 phiên liên tiếp cuối tuần, sau khi mua ròng tới hơn 13.000 tỷ đồng từ đầu tháng. Dù mức bán ròng không đáng kể, nhưng tín hiệu bán ròng của khối ngoại tại vùng kháng cự mạnh cũng sẽ tạo ra áp lực tâm lý lên nhà đầu tư trên thị trường trong ngắn hạn.
Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS, tuần này sẽ là tuần quan trọng đáng chú ý đặc biệt là đối với các nhà đầu tư ngắn hạn bởi diễn biến tăng và giảm trong biên độ khá có thể xảy ra. Đây là một giai đoạn tạo nền tích lũy của chỉ số, mặc dù trạng thái thị trường vẫn trong xu hướng tăng điểm trung hạn và nhiều nhóm cổ phiếu giao dịch sôi động.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 21/7, tâm lý FOMO khiến dòng tiền vẫn tham gia vào thị trường khá mạnh mẽ, giúp VN-Index dễ dàng vượt mốc 1.500 điểm ngay khi mở cửa.
Tuy nhiên, đây vẫn là vùng kháng cự mạnh của thị trường. Chỉ trong hơn 1 giờ giao dịch, VN-Index đã hai lần vượt mốc 1.500 điểm rồi thoái lui về sát mốc tham chiếu. Nhưng lực cấp hấp thụ khá mạnh và diễn biến khởi sắc của nhóm cổ phiếu bluechip, đã giúp chỉ số chung nhanh chóng lấy lại đà tăng khá tốt.
Sau khoảng 90 phút giao dịch, sắc xanh chiếm áp đảo trên bảng điện tử và chỉ số VN-Index tăng hơn 6 điểm với sự hỗ trợ tích cực các mã lớn VIC, HVN, HPG.
Xét về nhóm ngành, trong khi cổ phiếu ngân hàng và thép đang khởi sắc và đóng góp tích cực cho xu hướng tăng của thị trường, thì nhóm chứng khoán lại ngược chiều khi chịu áp lực bán chốt lời, với SSI, VCI, VND, FTS, BSI, AGR… đồng loạt giảm.
Áp lực bán chốt lời gia tăng khiến thị trường chuyển qua trạng thái rung lắc và giảm điểm về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 136 mã tăng và 178 mã giảm, VN-Index giảm 2,3 điểm (-0,15%) xuống 1.494,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 744,6 triệu đơn vị, giá trị 18.216 tỷ đồng, giảm nhẹ cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng cuối tuần qua ngày 18/7.
Nhóm VN30 cũng đảo chiều khi chốt phiên giảm 2 điểm, với 10 mã tăng và 17 mã giảm. Trong đó, cổ phiếu hàng không VJC vẫn tăng tốt nhất đạt 2,4%; ngược lại, SSI giảm mạnh nhất là 2,7%, TCB giảm 2,2%, STB giảm 1,9%. Còn lại các cổ phiếu khác biến động tăng giảm trên dưới 1%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HVN là tâm điểm đáng chú ý. Hôm nay, HVN điều chỉnh giá tham chiếu để thực hiện bán ưu đãi tỷ lệ 1:0,406 và cổ phiếu này đã mở cửa tăng kịch trần. Chốt phiên, HVN tăng 6,9% lên mức 31.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 0,7 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2,7 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, EVF cũng dậy sóng bởi lực cầu nội và ngoại tham gia mạnh mẽ giúp mã này có thời điểm tăng kịch trần. Chốt phiên, EVF tăng 5,8% lên mức 12.900 đồng/CP với thanh khoản đạt xấp xỉ 29,4 triệu đơn vị và khối ngoại mua ròng gần 2,4 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu thép hạ độ cao nhưng vẫn là nhóm ngành tăng tốt nhất thị trường. Trong đó, HPG, HSG và NKG đều tăng hơn 1%, với HPG khớp lệnh hơn 37,4 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng quay đầu điều chỉnh nhẹ bởi sắc đỏ lan rộng, với các mã lớn như VCB, TCB, BID, CTG đều chốt phiên giảm trên dưới 0,5%. Tuy nhiên, mã SHB giao dịch sôi động nhất thị trường với thanh khoản đạt 45,2 triệu đơn vị, chốt phiên tăng nhẹ 0,4%.
Nhóm chứng khoán nới rộng biên độ giảm, trong đó, VIX và SSI có thanh khoản tốt nhất ngành, lần lượt đạt 36,9 triệu đơn vị và xấp xỉ 33 triệu đơn vị, chốt phiên tương ứng giảm 0,3% và giảm 2,7%. Cổ phiếu ngược dòng thành công là CTS, dù không giữ được đà tăng trần như đầu phiên, nhưng mã này chốt phiên tăng 3,2% lên mức 31.850 đồng/CP.
Nhóm bất động sản cũng quay đầu điều chỉnh giảm với các mã DXG, NVL, DIG, TCH, KDH, PDR, NLG… đều lùi về dưới mốc tham chiếu với mức giảm trên 1-2%.
Đáng chú ý, sau chuỗi ngày dài tăng nóng, cổ phiếu LDG đã bị bán tháo trong phiên sáng nay. Chốt phiên, LDG giảm 7% xuống mức giá 6.56 đồng/CP với khối lượng khớp gần 3,3 triệu đơn vị và dư bán sàn tới 24,5 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sắc đỏ cũng dần lan rộng cùng sức ép gia tăng từ nhóm HNX30, đã khiến HNX-Index đảo chiều và nới rộng biên độ giảm.
Chốt phiên, sàn HNX có 68 mã tăng và 91 mã giảm, HNX-Index giảm 1,32 điểm (-0,53%) xuống 246,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 83,8 triệu đơn vị, giá trị 1.425 tỷ đồng.
Cổ phiếu thép VGS cũng ngược xu hướng chung của thị trường, chốt phiên tăng 1,6% lên mức 30.900 đồng/CP với thanh khoản đạt hơn 1,1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cổ phiếu SHS sôi động nhất thị trường với hơn 30,9 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên giảm 3,6% xuống mức 16.200 đồng/CP. Các cổ phiếu chứng khoán khác cũng đua nhau giảm sâu hơn, như MBS chốt phiên giảm 1,7% và khớp 2,89 triệu đơn vị, VFS giảm nhẹ 0,5% và khớp hơn 2 triệu đơn vị, APS giảm 7,3% và khớp 1,56 triệu đơn vị…
Nhiều mã đáng chú ý khác như CEO, PVS, HUT, NTP, TNG, PVC đều chốt phiên trong sắc đỏ, với CEO có thanh khoản đứng thứ 2 thị trường, đạt hơn 10,3 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng quay đầu điều chỉnh giảm trong nửa cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,49 điểm 9-0,47%) xuống 104,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 39,4 triệu đơn vị, giá trị 460 tỷ đồng.
Cổ phiếu MSR duy trì diễn biến khởi sắc, chốt phiên tăng 4,3% lên mức 21.700 đồng/CP và khớp lệnh 2,17 triệu đơn vị.
Trong khi đó, giao dịch sôi động nhất thị trường là 2 mã nhỏ HBC và HNG đều đạt hơn 4,6 triệu đơn vị, chốt phiên lần lượt giảm 1,4% và giảm 1,5%.
T.Thúy
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-sang-217-ap-luc-ban-gia-tang-vn-index-quay-dau-dieu-chinh-post373408.html