Thị trường đã trải qua nửa đầu tháng 11 khá tiêu cực khi ghi nhận mức giảm tới hơn 45 điểm, tương ứng hơn 3,6% và chỉ số VN-Index đã liên tục xuyên thủng nhiều ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Đặc biệt, trong 2 phiên giao dịch cuối tuần qua, VN-Index đã giảm khá mạnh và kết thúc tuần dưới mốc 1.220 điểm, là mức thấp nhất kể từ phiên 9/8.
Với xu hướng điều chỉnh ngắn hạn đang là chủ đạo, kết hợp với quán tính lao dốc mạnh, giới phân tích cho rằng, nhịp hồi phục kỹ thuật có thể xuất hiện nhưng không thực sự đáng tin cậy. Nhiều khả năng áp lực bán sẽ áp đảo trở lại, để ngỏ rủi ro phá vỡ ngưỡng hỗ trợ gần.
Theo ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK Kafi, trong tuần này, thị trường có khả năng xuất hiện các phiên hồi phục kỹ thuật ngay tại 1.230 điểm hoặc tại các vùng hỗ trợ sâu hơn như 1.180-1.200 điểm, đặc biệt khi lực bán có dấu hiệu quá đà.
Quay lại diễn biến phiên sáng 18/11, thị trường đảo chiều hồi phục nhẹ sau 2 phiên giảm khá mạnh cuối tuần trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh lực cầu khá yếu và áp lực bán vẫn thường trực, chỉ số VN-Index đã nhanh chóng quay đầu ngay khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục.
Bên cạnh sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là gánh nặng lớn nhất của thị trường, đã đẩy VN-Index về sát mốc 1.210 điểm trước khi bật hồi đôi chút.
Sau khoảng 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index vẫn khá khó khăn để tìm về vùng tham chiếu bởi thiếu sự đồng thuận của nhóm VN30 và sắc đỏ vẫn là màu chủ đạo trên bảng điện tử. Tuy nhiên, tín hiệu le lói ở nhóm cổ phiếu chứng khoán đang khiến giới đầu tư kỳ vọng thị trường chung sẽ sớm tìm được điểm cân bằng.
Cụ thể, trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép, bất động sản đang lình xình dưới mốc tham chiếu, thì ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, sắc xanh lan rộng toàn ngành. Hiện HCM, VCI, FTS, MSB, ORS, BSI, BVS đều đang tăng hơn 1, trong khi cặp đôi SSI và VIX tăng nhẹ quanh mức 0,5% với thanh khoản dẫn đầu sàn HOSE, đều đạt hơn 5 triệu đơn vị; trong khi SHS tăng 0,8% và cũng thuộc top dẫn đầu thanh khoản HNX.
Mọi hy vọng hoàn toàn sụp đổ. Những tưởng thị trường sẽ bật hồi để tìm điểm cân bằng thì áp lực bán tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu bluechip đã lan rộng ra toàn thị trường, tuy đà bán tháo chưa xảy ra nhưng cũng khiến VN-Index tiếp tục có thêm phiên giảm mạnh về dưới mốc 1.210 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ có 81 mã tăng và 273 mã giảm, VN-Index giảm 10,68 điểm (-0,88%), xuống 1.207,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 275,2 triệu đơn vị, giá trị 6.611,6 tỷ đồng, giảm 23,4% về khối lượng và 24,78% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 15/11. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 41,23 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 859 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cũng giảm mạnh gần 13 điểm khi chỉ có duy nhất TPB tăng nhẹ 0,3%, cùng SAB và VRE đứng giá tham chiếu, còn lại có tới 27 mã giảm. Trong đó, MWG giảm mạnh nhất khi để mất 4,5%, BCM giảm 2,1%, còn lại đều giảm trên dưới 1%.
Trong khi đó, cổ phiếu VHM giảm 1,1% xuống vùng giá thấp trong phiên 39.800 đồng/CP với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt gần 12 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, nhóm bất động sản nới rộng hơn biên độ giảm, đáng chú ý là diễn biến tiêu cực hơn ở các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp. Trong đó, KBC có thời điểm nằm sàn trước khi thu hẹp biên độ giảm chút ít về cuối phiên và chốt phiên vẫn giảm tới 6,3%; SIP giảm 4,2%, SZC giảm 3,9%...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tuy không giảm quá mạnh nhưng sắc đỏ lan rộng toàn ngành, ngoại trừ duy nhất TPB thoát hiểm. Trong đó, MBB, SSB, HDB, STB, VPB giảm hơn 1%, còn lại chỉ giảm quanh mức 0,5%.
Nhóm chứng khoán sau tín hiệu le lói đầu phiên cũng đã nhanh chóng bị dập tắt tia hy vọng bởi trạng thái phân hóa của ngành. Bên cạnh VCI, HCM, FTS, ORS tăng nhẹ, các cổ phiếu khác như VIX, SSI… điều chỉnh.
Trên sàn HNX, thị trường cũng tiêu cực hơn về cuối phiên, đã đẩy HNX-Index về mức giá thấp nhất trong phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 43 mã tăng và 96 mã giảm, HNX-Index giảm 1,66 điểm (-0,75%), xuống 219,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,7 triệu đơn vị, giá trị 387,57 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 33,4 tỷ đồng.
Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu HNX30 kém lạc quan khi chốt phiên giảm 5,3% với 16 mã giảm và chỉ 9 mã tăng. Trong đó, DTD giảm 5,2%, IDC giảm 3,6%, DVM giảm 2,5%, PVS giảm 2,1%, TNG giảm 2%...; ngược lại NVB tăng 1,2%, TVD tăng 1%, còn lại chỉ nhích nhẹ.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, MST là điểm sáng toàn thị trường khi có thời điểm chạm trần và chốt phiên tăng 7,5% lên mức 5.700 đồng/CP, với thanh khoản sôi động nhất, đạt 6,8 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu khác như SHS khớp 3,38 triệu đơn vị và chốt phiên giảm 0,8%; MBS và CEO cùng khớp hơn 1,3 triệu đơn vị, chốt phiên lần lượt tăng nhẹ 0,8% và đứng giá tham chiếu.
Trên UPCoM, giao dịch tích cực hơn thị trường niêm yết, UPCoM-Index có được sắc xanh.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,06 điểm (+0,07%) điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,77 triệu đơn vị, giá trị 173,82 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 5,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 84,8 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn tiêu cực khi chốt phiên giảm 1,6% xuống mức 18.800 đồng/CP, đồng thời thanh khoản cũng giảm sút khi chỉ có hơn 1,3 triệu đơn vị giao dịch thành công.
T.Thúy