Đây là ý kiến chung của nhiều chuyên gia khi Bộ Xây dựng có kế hoạch nghiên cứu thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch địa ốc và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý” trong quý 2 năm 2025.
Thách thức
Mục tiêu lớn nhất của Bộ Xây dựng khi nghiên cứu trung tâm này là hướng đến giao dịch nhà đất qua hình thức điện tử nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường tính công khai minh bạch của giao dịch bất động sản trên thị trường.
Tiến sĩ Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia kinh tế, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định: “Tính tích cực của việc thành lập trung tâm này sẽ làm cho các giao dịch bất động sản minh bạch hơn. Tiến trình số hóa tài sản tại Việt Nam sẽ được phát triển hơn. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống pháp luật, cơ sở dữ liệu tài sản, sự kết hợp trong quản lý nhà nước về thị trường đất đai, bất động sản chưa được liên thông nên điều kiện chưa đủ chín muồi để Bộ Xây dựng nghiên cứu mô hình này”.
Tra cứu thông tin đất đai trực tuyến cần có lộ trình, có thể thí điểm trước ở thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội. (Ảnh minh họa: Hồng Liên)
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho biết, việc cập nhật dữ liệu hiện nay khá thuận lợi bởi những thay đổi của các luật mới.
Như Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 đang có hiệu lực, các chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản, khi nhận tiền thanh toán từ khách hàng phải thực hiện qua tài khoản ngân hàng. Đây được xem cơ sở để cập nhật giá trị bất động sản lên cơ sở dữ liệu chung.
Ông Nguyễn Duy Thành, Tổng Giám đốc Công ty Global Home nhìn nhận, hiện nay, Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng đã yêu cầu phải định danh các tài khoản trên mạng xã hội.
Theo ông Thành, việc xác thực người dùng sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của người sử dụng khi đăng tải các thông tin trên mạng xã hội.
“Nhiều trang tin bất động sản từ trước đến nay vẫn có nhiều người vào đăng thông tin rao bán nhà đất. Tuy nhiên, nhiều tài khoản ảo nên thông tin về địa chỉ nhà đất, giá cả, pháp lý chưa được minh bạch, thậm chí có tính dẫn dắt người mua. Khi định danh tài khoản, những thông tin sẽ minh bạch, chính xác hơn. Đây cũng là nguồn dữ liệu để cơ quan chức năng cập nhật”, ông Thành nói.
Với khối lượng dữ liệu nhà đất lớn, việc cập nhật để tương đối hoàn chỉnh sẽ mất không ít thời gian. Công ty TNHH Giải pháp Tài chính – đơn vị sở hữu nguồn dữ liệu đất đai lớn trên trên trang thông tin Gnha.vn cũng đã mất hơn 6 năm để hoàn chỉnh các lớp thông tin trên những thửa đất.
“Với 10 năm hoạt động, chúng tôi đã tập hợp được cơ sở dữ liệu cho khoảng 4 triệu thửa đất tại TP.HCM và gần 20 địa phương trên cả nước. Dữ liệu ở đây không đơn giản chỉ là diện tích, vị trí, giá giao dịch, mà chúng tôi có khoảng 100 thông tin đi kèm cho mỗi thửa đất. Trong đó, quan trọng là các thông tin như thửa đất đó có vướng quy hoạch không, lộ giới như thế nào, pháp lý ra sao, được xây dựng bao nhiêu tầng hay định giá ngân hàng là bao nhiêu… ”, ông Phan Quang Thắng, CEO Gnha.vn cho biết.
Cũng theo ông Thắng, chỉ khi xây dựng được lớp cơ sở dữ liệu đầy đủ thì trung tâm giao dịch địa ốc mà Bộ Xây dựng đang ấp ủ mới phát huy được hiệu quả. Nếu không, nó lại trở thành một trang tin rao vặt nhà đất.
Tất nhiên, việc tập hợp dữ liệu này cần nguồn nhân lực, cần thời gian và nguồn tài chính lớn để đầu tư công nghệ tích hợp.
Cần thí điểm
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi chưa có cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia hoàn chỉnh sẽ rất khó để hình thành trung tâm giao dịch nhà đất trên môi trường số. Để thực hiện được cần phải có lộ trình, làm từng bước.
Có thể thí điểm giao dịch online với sản phẩm nhà chung cư. (Ảnh minh họa)
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên & Môi trường TP.HCM cho rằng: “Bộ Xây dựng có thể nghiên cứu cho TP.HCM, Hà Nội thí điểm thành lập trung tâm giao dịch nhà đất trên môi trường số, trước khi mở rộng quy mô quốc gia.
Trung tâm giao dịch do các địa phương này quản lý sẽ liên kết và cấp phép cho các trung tâm giao dịch bất động sản của tư nhân và cả văn phòng công chứng. Từ đó, mới có thể đấu nối được dữ liệu giao dịch nhà đất để cập nhật lên hệ thống dữ liệu chung”.
Khi lựa chọn địa phương thí điểm xây dựng trung tâm giao dịch nhà đất trên môi trường số cũng cần chú ý đến điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin và cả yếu tố con người để đảm bảo việc liên thông trên hạ tầng online được đảm bảo.
“Ngoài thí điểm ưu tiên ở một số địa phương, cũng nên tính toán thí điểm ở nhóm sản phẩm nào đó. Ví dụ như thí điểm các sản phẩm là dự án của chủ đầu tư thôi. Còn nhà ở riêng lẻ của người dân dữ liệu chưa hoàn thiện thì chúng ta vừa cập nhật dữ liệu để áp dụng mở rộng dần dần”, TS Huỳnh Phước Nghĩa cho biết.
Trong kế hoạch nghiên cứu, xây dựng thí điểm “Trung tâm giao dịch địa ốc và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý” của Bộ Xây dựng, Bộ này sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Tài Nguyên & Môi trường nhằm chuyển đổi số liên thông các thủ tục đất đai.
Người dân có thể giao dịch bất động sản, công chứng, thuế, đăng ký giao dịch trên môi trường điện tử như giao dịch chứng khoán.
Bộ Công an cũng được yêu cầu cập nhật, hoàn thiện, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà ở, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân, công chứng, đất đai, đầu tư, xây dựng….
Việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng trên là các yếu tố quan trọng để quyết định tính hiệu quả của trung tâm giao dịch địa ốc.
“Nếu đưa giao dịch lên bất động sản lên môi trường số mà chữ ký số chưa xong, liên thông thuế cũng chưa xong, các nền tảng dữ liệu chưa có…thì vừa lên mạng giao dịch vừa phải đi làm trực tiếp thì người dân rất mệt mỏi, trung tâm giao dịch kia cũng không phát huy được hiệu quả”, TS Huỳnh Phước Nghĩa nói.
Hồng Liên