Đáng chú ý, các giao dịch bị hủy hoặc trả lại sẽ được thực hiện bù trừ thuế trong kỳ tính thuế tiếp theo.
Ảnh minh họa: TB
Cụ thể, thuế GTGT được khấu trừ theo tỷ lệ phần trăm doanh thu: hàng hóa 1%, dịch vụ 5%, vận tải và dịch vụ kèm hàng hóa 3%. Đối với thuế TNCN, cá nhân trong nước chịu thuế 0,5% với hàng hóa, 2% với dịch vụ và 1,5% đối với vận tải. Cá nhân cư trú nước ngoài sẽ chịu mức cao hơn: lần lượt là 1%, 5% và 2%.
Một điểm mới quan trọng là việc hoàn thuế gián tiếp: khi giao dịch bị hủy hoặc khách trả lại hàng, số thuế đã khấu trừ sẽ được bù trừ với các khoản thuế phát sinh từ giao dịch hợp lệ trong kỳ. Điều này nhằm bảo đảm công bằng cho người kinh doanh khi giao dịch không thành công.
Cũng theo Nghị định 117, các cá nhân kinh doanh trên nền tảng TMĐT phải cung cấp đầy đủ mã số thuế hoặc số định danh cá nhân (đối với người Việt Nam), hộ chiếu hoặc mã định danh nước sở tại (đối với người nước ngoài). Những cá nhân này cũng có trách nhiệm nộp thêm các loại thuế đặc biệt nếu thuộc diện chịu thuế theo quy định hiện hành.
Đáng chú ý, các hộ và cá nhân kinh doanh đã được khấu trừ và nộp thay sẽ không cần khai và nộp lại thuế GTGT, TNCN cho cùng hoạt động. Đây được xem là bước tiến rõ rệt trong việc đơn giản hóa thủ tục thuế và thúc đẩy TMĐT phát triển minh bạch, bền vững.
Trao đổi với PV Đại đoàn kết, TS. Nguyễn Văn Phú, giảng viên Đại học liên kết quốc tế Deakin tại Việt Nam, chuyên gia tài chính công đánh giá quy định này thể hiện nỗ lực hiện đại hóa quản lý thuế trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh. Việc sàn TMĐT khấu trừ và nộp thay không chỉ giảm gánh nặng hành chính cho cá nhân kinh doanh mà còn hạn chế thất thu thuế.
Thanh Bình