Tín chỉ carbon (carbon credit) là thuật ngữ dùng để chỉ chứng nhận phát thải khí carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được quy đổi tương đương sang CO2 (CO2tđ). Một tấn CO2tđ được xem là 1 tín chỉ carbon. Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại, cũng như thể hiện quyền phát thải khí CO2 hoặc khí CO2 tương đương.
Cần phát triển rừng theo hướng bền vững và có chất lượng cao. Ảnh: M.Q.
Theo xếp hạng tín chỉ carbon từ Công ty nghiên cứu thị trường và dữ liệu AlliedOffsets, loại tín chỉ carbon từ năng lượng tái tạo có chất lượng thấp và giá rẻ nhất. Trong khi đó các loại tín chỉ khác như lâm nghiệp và sử dụng đất, nông nghiệp bền vững, giao thông, xử lý rác... chất lượng cao hơn. Riêng với rừng, các dự án trồng mới, tái trồng rừng (ARR) có mức giá cao vượt trội. Ngoài ra, tín chỉ từ công nghệ than sinh học (biochar) cũng được quan tâm. Thời hạn trữ lâu, tỷ lệ phân hủy carbon thấp giúp giá loại này lên tới 150 USD, gấp 7,5 lần tín chỉ ARR. Tín chỉ ARR đang được nhiều công ty công nghệ nước ngoài hỏi mua tại Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia, chất lượng tín chỉ carbon từ rừng phụ thuộc vào tuổi cây, cách chăm sóc cũng như cải tạo đất. Như tín chỉ từ rừng dưới 5 năm tuổi hoặc trồng mới, tái trồng rừng có chất lượng cao, giá vượt trội hơn so với rừng tự nhiên do khả năng hấp thụ carbon cao. Việt Nam là nước có tiềm năng về thị trường tín chỉ carbon rừng với lượng giao dịch 57 triệu tín chỉ mỗi năm, giá tùy cung cầu ở từng thời điểm.
Với rừng trồng mới, chuyên gia gợi ý cần tính toán quy mô, loại cây, cách trồng nhằm đảm bảo bài toán tài chính khi bán tín chỉ. Như về chọn cây trồng, một hợp đồng tín chỉ carbon trung bình 20 năm, đòi hỏi cây trồng có vòng đời dài tương ứng. Theo đó, các loài cây thu hoạch theo mùa vụ hoặc vòng đời ngắn 5 - 7 năm như keo, hồng... cần tránh. Và người nông dân nên trồng xen canh với cây bản địa, khuyến khích trồng xen với loài gỗ quý như gù hương, lim. Những cây này có khả năng hấp thụ carbon trung bình từ 10 - 18 tấn trên mỗi ha/năm, sẽ đem lại giá trị gỗ cuối cùng vào năm thứ 20, 30 hoặc hàng trăm năm sau.
Ông Trần Quang Minh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và đầu tư tín chỉ carbon Việt Nam (Carbon Credits Vietnam) cho biết, giá mua trung bình 20 USD/tín chỉ, cao gấp nhiều lần sản phẩm từ rừng trồng trước đây đang dần xuống giá do dư cung trên thị trường tự nguyện quốc tế. Với rừng trồng ở giai đoạn trước, ngoài chất lượng tín chỉ thấp, số lượng tạo ra do hạn chế mất rừng cũng ít hơn, dẫn tới lợi ích tài chính không cao.
Theo các chuyên gia lâm nghiệp, xét về tiềm năng carbon rừng theo vùng sinh thái của Việt Nam, thì vùng Đông Bắc, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên có tiềm năng lớn nhất. Ước tính trong giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam sở hữu khoảng 40 - 70 triệu tín chỉ carbon rừng có thể tham gia trao đổi trên thị trường tín chỉ carbon thế giới.
Minh Quân