Giáo dục Cà Mau trưởng thành từ gian khó

Giáo dục Cà Mau trưởng thành từ gian khó
9 giờ trướcBài gốc
Chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả chiến tranh kéo dài, ngành giáo dục địa phương lúc đó gần như bắt đầu lại từ con số không. Phần lớn các điểm trường đều tạm bợ bằng cây lá địa phương, không có bàn ghế kiên cố, thiếu thốn phòng học nghiêm trọng, chủ yếu do chính quyền và Nhân dân tự xây dựng. Nhiều nơi, lớp học chỉ là những mái lá dựng tạm giữa rừng tràm, ven sông hoặc giữa đồng ruộng. Mùa mưa, nước ngập vào lớp học, mùa nắng thì oi bức; học sinh phải đi bộ nhiều cây số đường đất, qua đồng ruộng, qua kênh rạch, bì bõm trong bùn lầy để đến trường. Tình trạng “ba ca học”, “hai lớp ghép”, “một phòng - nhiều lớp” diễn ra phổ biến. Thiết bị dạy học thiếu thốn, sách giáo khoa khan hiếm, nhiều giáo viên phải tự chép bài lên bảng cho học sinh ghi theo, hoặc dùng những tài liệu cũ còn sót lại để giảng dạy.
Số lượng giáo viên thiếu hụt, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa như: U Minh, Trần Văn Thời, Năm Căn, Ngọc Hiển... Nhiều giáo viên tình nguyện từ miền Bắc vào Nam theo tiếng gọi “Nam tiến” đã không ngại gian khổ, bám trụ để dạy học giữa rừng đước, rừng tràm, bưng biền. Lúc ấy, đa phần giáo viên chưa qua đào tạo sư phạm bài bản, phần lớn chỉ có trình độ phổ thông hoặc đào tạo cấp tốc (các lớp sư phạm 9+1, 9+2, 9+3), bởi do hoàn cảnh chiến tranh. Một số nơi phải sử dụng “thầy giáo làng”, cán bộ địa phương kiêm nhiệm để đảm nhiệm công tác giảng dạy. Mặt khác, đời sống giáo viên rất khó khăn do thu nhập thấp, không có lương cố định, nơi ăn ở tạm bợ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn; có giáo viên phải “vác bảng đi dạy”, ở nhờ nhà dân, sống đạm bạc. Thế nhưng, họ vẫn bám trụ với nghề vì tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”.
Nhà giáo Ưu tú Ðàm Thị Ngọc Thơ, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ, TP Cà Mau, hồi nhớ: “Mặc dù điểm xuất phát sau ngày giải phóng rất thấp, nhất là về cơ sở vật chất, trường lớp, nhân sự, trình độ nhận thức và sắp xếp nhân sự. Tất cả đều phải bắt đầu lại từ đầu, từ tổ chức nhân sự cho các cơ sở, đến chủ trương xây dựng lại trường; giáo viên trong kháng chiến chưa quen, còn giáo viên được đào tạo chính quy thì rất ít. Nhưng tất cả đều vượt qua, do có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp, sự hỗ trợ của toàn xã hội và sự vượt khó của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ÐT), từ cán bộ quản lý đến giáo viên và học sinh”.
Cán bộ quản lý giáo dục thời kỳ đó không chỉ tổ chức giảng dạy mà còn phải đi vận động xã hội hóa, kết nối các nguồn lực địa phương, huy động sức dân cùng chăm lo cho giáo dục.
“Các thầy cô giáo ngày ấy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là người vận động học sinh đến lớp, xây dựng trường lớp, chỗ dựa tinh thần cho phụ huynh và học sinh. Nhiều thầy cô sẵn sàng lội sình, bơi xuồng hàng chục cây số để đến lớp dạy học, bất chấp điều kiện đi lại gian nan. Có những nơi, giáo viên phải ở tạm trong nhà lá, dùng bàn ghế tự đóng bằng cây rừng, để lên lớp. Rồi hình ảnh những ngọn đèn dầu, mọi người cùng học với phương châm “người biết chữ dạy người chưa biết chữ”. Tinh thần đoàn kết, sẻ chia giữa giáo viên, sự đồng hành của chính quyền địa phương, cùng sự quan tâm của phụ huynh chính là sức mạnh vượt qua khó khăn”, cô Thơ chia sẻ.
Chính nhờ sự kiên cường, tâm huyết và bản lĩnh ấy mà ngành giáo dục Cà Mau từng bước vượt qua khó khăn, tạo nền tảng cho những bước phát triển vững chắc sau này. Mỗi ngôi trường được dựng lên, mỗi lớp học duy trì được sĩ số học sinh là chiến công thầm lặng của những người tận tụy, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển nguồn nhân lực và nâng cao dân trí địa phương.
Cơ sở vật chất từng bước được đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. (Trong ảnh: Giờ Tin học của cô, trò Trường Tiểu học Nguyễn Tạo, TP Cà Mau).
Sự nghiệp giáo dục của tỉnh có những chuyển biến mạnh mẽ, đạt được những thành tựu quan trọng. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên rõ rệt. Ðã xây dựng được hệ thống trường lớp theo hệ thống giáo dục quốc dân, tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, mạng lưới trường lớp rải đều ở các xã và các ngành học phát triển cân đối. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ngày càng hiện đại và tương đối đầy đủ, phục vụ cơ bản việc giảng dạy các môn học.
Sau 50 năm thống nhất đất nước, hệ thống trường học trên địa bàn tỉnh được quy hoạch, đầu tư kiên cố, khang trang theo Ðề án kiên cố hóa trường lớp, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, phục vụ tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Các trường được đầu tư theo hướng tiến tới đủ điều kiện công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện nay, ngành giáo dục đang tiếp tục triển khai thực hiện sắp xếp mạng lưới trường lớp.
Hiện toàn tỉnh có 134 nhà trẻ, mẫu giáo; 207 trường tiểu học; 112 trường THCS; 33 trường THPT. Tỉnh Cà Mau duy trì vững chắc phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn được duy trì, củng cố và ngày càng được nâng lên. Năm 2024, Cà Mau đạt kết quả ấn tượng trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với 23 giải, tăng 6 giải so với năm học trước; 3 giải quốc gia triển vọng nghiên cứu khoa học; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,12%.
Hầu hết các trường trong tỉnh đều trang bị tivi kết nối Internet, dạy theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. (Trong ảnh: Giờ học môn Tiếng Việt của cô, trò Trường Tiểu học Hồ Thị Kỷ A, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình).
Là lá cờ đầu của ngành giáo dục Cà Mau, trải qua 33 năm thành lập, Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển có nhiều đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển giáo dục địa phương. Khi mới thành lập, trường có cơ sở vật chất nhỏ nhất nước, chỉ một dãy phòng học, với 5 lớp học, chưa tới 200 học sinh. Giờ đây, trường được xây dựng trên diện tích hơn 3.000 m2, 3 khu phòng học, khu hiệu bộ, nhà tập đa năng, phòng tiếng Anh, Tin học, phòng thí nghiệm, với hơn 1.000 học sinh, 31 lớp.
Cô Lâm Hồng Sen, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, cho biết: “Nhà trường có 49 thạc sĩ, 3 tiến sĩ, còn lại đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Ðể cùng với ngành giáo dục nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng giáo dục mũi nhọn, nhà trường đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán, vì thầy giỏi mới có trò giỏi. Theo đó, nhà trường tạo điều kiện để giáo viên học tập, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời, chăm lo, bồi dưỡng, đào tạo thế hệ giáo viên trẻ mang tính kế thừa, để học sinh được giáo dục toàn diện, đáp ứng tốt nhất trong các kỳ thi”.
Từ đóng góp của ngành giáo dục, trình độ dân trí Cà Mau được nâng lên một bước đáng kể. Trong suốt 50 năm qua, nhiều thế hệ học sinh được đào tạo, rèn luyện đã trưởng thành và đang phát huy hiệu quả, giữ nhiều cương vị và nhiệm vụ quan trọng từ lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các sở, ngành cấp tỉnh đến cấp huyện, thành phố và cơ sở xã, phường.
Những thành tựu to lớn của giáo dục Cà Mau trong hành trình 50 năm trưởng thành và phát triển là nền tảng vững chắc để giáo dục Cà Mau tiếp tục vươn lên tầm cao mới trong những năm tiếp theo.
“Với tinh thần trách nhiệm cao, toàn ngành GD&ÐT tỉnh Cà Mau cam kết tiếp tục nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, lấy người học làm trung tâm, phát huy vai trò của toàn xã hội, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới”, ông Tạ Thanh Vũ, Phó giám đốc Sở GD&ÐT, khẳng định.
Quỳnh Anh
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/giao-duc-ca-mau-truong-thanh-tu-gian-kho-a38590.html