Giáo dục Đắk Lắk đặt mục tiêu rõ ràng, phát triển toàn diện

Giáo dục Đắk Lắk đặt mục tiêu rõ ràng, phát triển toàn diện
9 giờ trướcBài gốc
Một giờ học của học sinh Đắk Lắk.
Kiện toàn bộ máy lãnh đạo
Sau khi Nghị quyết 10/NQ‑HĐND ngày 2/7/2025 được thông qua và UBND tỉnh công bố Quyết định số 0133/QĐ‑UBND thành lập Sở GD&ĐT Đắk Lắk (mới), ngành Giáo dục đã kiện toàn tổ chức theo hướng bảo đảm số lượng và chất lượng đội ngũ để duy trì hoạt động liên tục, đây cũng là yếu tố nền tảng của đổi mới.
Có thể nói, Hội nghị hợp nhất vào sáng 4/7/2025 tại hội trường Sở (số 8 Nguyễn Tất Thành) đánh dấu sự khởi đầu mới của một bộ máy tinh gọn, hiệu quả.
Sau hợp nhất ngành GD-ĐT hai tỉnh Đắk Lắk (cũ) và Phú Yên (cũ), TS Lê Thị Thanh Xuân - Tỉnh ủy viên, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk (cũ) tiếp tục được tín nhiệm giao trọng trách giữ chức vụ Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk.
UBND tỉnh cũng bổ nhiệm 6 phó giám đốc, gồm: Ông Đỗ Tường Hiệp, bà Võ Thị Minh Duyên, ông Phạm Huy Văn, bà Lê Thị Kim Oanh, ông Nguyễn Xuân Đá và ông Lưu Tiến Quang.
Theo thống kê từ UBND tỉnh Đắk Lắk, tính đến đầu tháng 7/2025, Sở GD&ĐT đi vào hoạt động với 98 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong 7 phòng chuyên môn - nghiệp vụ, được sắp xếp lại theo Quyết định 419/QĐ‑UBND ngày 25/2/2025: Thành lập các phòng giáo dục phổ thông - giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; giáo dục mầm non - giáo dục dân tộc, cùng các phòng chuyên trách khác.
Trước đó, vào giữa tháng 5/2025, khi có chủ trương hợp nhất, hai Sở GD&ĐT Đắk Lắk và Phú Yên tổ chức Hội nghị bàn giải pháp, thống nhất chương trình hành động. Điều này thể hiện tinh thần đoàn kết, rà soát kỹ đề án, đảm bảo bố trí nhân sự công khai, minh bạch, giúp duy trì hoạt động thông suốt.
Bia tiểu ban Giáo dục Đắk Lắk thời kỳ 1965 - 1975 tại Khu di tich lịch sử quốc gia, xã Cư Pui.
Mở rộng mạng lưới trường lớp
Sau sáp nhập, toàn tỉnh có 1.349 trường học từ mầm non đến THPT. Trong đó, có 453 trường mầm non và 896 trường phổ thông, với tổng cộng 16.898 lớp học.
Đối với cấp mầm non, trong năm học 2024 - 2025 vừa qua, toàn tỉnh đã huy động được 120.335 trẻ ra lớp, trong đó trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt 99,74%, và 100% xã/phường duy trì phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi.
Một điểm thuận lợi để triển khai phổ cập giáo dục và tăng tỉ lệ huy động trẻ 3 - 4 tuổi ra lớp từ năm học 2025 - 2026 tới là toàn tỉnh hiện có 239 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tương đương 52,8% tổng số. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT cũng xác định thách thức, khó khăn, khi vẫn còn 64 phòng học mượn, nhờ, tận dụng hội trường thôn, nhà cộng đồng để dạy học, chăm sóc trẻ.
Cùng với đó, nhiều nơi chưa có đủ công trình vệ sinh, nước sạch. Tình trạng này tập trung chủ yếu ở các địa bàn xã/phường vùng sâu, vùng khó khăn và vùng đông dân tộc thiểu số.
Để giải bài toán trên, UBND tỉnh và Sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ toàn diện cho cơ sở giáo dục mầm non: Hỗ trợ 1,2 - 1,7 tỷ đồng/xã/phường /năm cho tu sửa cơ sở vật chất và 3,5 - 8,9 tỷ đồng/xã/phường/năm để xây mới trường đạt chuẩn quốc gia, với mục tiêu hỗ trợ vùng sâu, miền núi, biên giới.
Song song đó, Sở GD&ĐT đã chủ động triển khai tuyển sinh đầu cấp linh hoạt, không bó hẹp theo địa giới hành chính cũ, giúp học sinh được nhập học gần nơi cư trú nhất. Trong đó, 102 học sinh là con cán bộ Phú Yên (cũ) chuyển đến các phường thuộc TP Buôn Ma Thuột (cũ) được xử lý kịp thời, đảm bảo nguyện vọng và quyền lợi hợp pháp.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn, đây là bước đệm quan trọng để hoàn thiện mục tiêu phổ cập mở rộng, tăng cường số lượng nhóm lớp cũng như nâng cao điều kiện giáo dục toàn diện.
Quyết tâm đạt các mục tiêu quốc gia
Sở GD&ĐT Đắk Lắk xác định, mục tiêu quan trọng nhất của giai đoạn hậu sáp nhập là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 5 tuổi đến năm 2030, đồng thời nâng tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia lên mức toàn diện, thu hẹp khoảng cách vùng sâu - thuận lợi.
Để đạt mục tiêu trên, Sở tiếp tục hoàn thiện mạng lưới, quy hoạch không gian, quy mô trường, lớp học. Đẩy mạnh việc phát triển các trường mầm non tư thục. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non mở rộng quỹ đất đối với các trường, điểm trường còn quỹ đất.
Cùng với đó, tiếp tục tổ chức nhiều hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách phổ cập, xóa mù chữ, giáo dục mầm non.
Đối với chất lượng giáo dục phổ thông, ngành Giáo dục xác định, tập trung giải pháp dạy học, giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đồng thời chú trọng rút ngắn khoảng cách trong giáo dục giữa vùng khó khăn với vùng thuận lợi. Duy trì vị thế dẫn đầu khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về thành tích giáo dục mũi nhọn, giáo dục STEM.
Song song đó, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai nghiêm túc việc thực hiện Thông tư 29/2024/TT‑BGDĐT, yêu cầu dừng dạy thêm có thu phí trong trường công, tăng ôn tập miễn phí, cho giáo viên ký cam kết. Các tổ chức dạy thêm ngoài trường phải đăng ký kinh doanh và công khai. Thanh tra, Công an tỉnh và Sở Y tế phối hợp giám sát nhằm duy trì kỷ cương, chất lượng giáo dục.
Trong năm 2025, ngành còn ký hợp tác với các trường đại học, học viện nhằm phát triển giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn giáo viên tương lai.
Sau khi hợp nhất, toàn tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng được một hệ thống giáo dục quy hoạch khoa học với mạng lưới trường học ổn định. Hướng đầu tư vào vùng khó được chú trọng nhằm cân bằng chất lượng. Các hoạt động chuyên môn trọng tâm như, phổ cập mầm non, thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT, quản lý dạy thêm - được tổ chức đồng bộ, minh bạch.
Với quyết tâm phổ cập trẻ 3 - 5 tuổi vào năm 2030, nâng tỉ lệ trường chuẩn quốc gia, và hoàn thiện cơ sở vật chất, giáo dục Đắk Lắk đang bứt phá trở thành điểm sáng ở khu vực: Vừa hiện đại, cởi mở, vừa nghiêm túc, bài bản - phù hợp với tầm nhìn phát triển giáo dục của cả nước, phục vụ công bằng chất lượng cho mọi học sinh.
Thành Tâm
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-dak-lak-dat-muc-tieu-ro-rang-phat-trien-toan-dien-post740201.html