Đọc sách là một trong những phương pháp hiệu quả giúp trẻ em có thêm thông tin bổ ích về tâm sinh lý lứa tuổi.
Đối diện hay lảng tránh?
Từ khi con gái lên 4 tuổi, chị Nguyễn Thị Hạnh ở xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa) đã bắt đầu GDGT cho con. Thay vì giải thích trực tiếp, chị dạy con qua những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi. Đồng thời, có những cách nói chuyện để con hiểu thế nào là động chạm an toàn, phù hợp và động chạm không an toàn.
Năm nay, con gái chị Hạnh bước sang tuổi 15 nhưng chị vẫn không quên nhiệm vụ quan trọng là GDGT cho con. Chị Hạnh chia sẻ: "GDGT là việc rất quan trọng với con trẻ. Vậy nên cha mẹ cần đồng hành từ khi con còn nhỏ. Tùy từng độ tuổi khác nhau để có cách giáo dục phù hợp. Khi con bước vào độ tuổi dậy thì, vợ chồng tôi trò chuyện thường xuyên, giúp con có kiến thức về tâm lý, giới tính, tình bạn, tình yêu... Từ đó, giúp con hình thành quan điểm đúng đắn về tình yêu tuổi học trò, sức khỏe sinh sản, ý thức tự bảo vệ bản thân”.
Sau khi nghe có nhiều vụ liên quan đến nữ sinh bị xâm hại tình dục, chị Đ.T.P. ở phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn không khỏi lo lắng khi con bước vào tuổi dậy thì. “Thay vì lảng tránh khi con hỏi về vấn đề giới tính như trước kia, nay tôi đã quan tâm và cởi mở hơn. Con đặt câu hỏi, mẹ trả lời, những điều chưa hiểu thấu đáo, tôi tìm hiểu thông tin chính thức trên mạng, qua những người bạn có kinh nghiệm để đồng hành cùng con, trang bị cho con những kỹ năng cơ bản về chăm sóc cơ thể, tránh nguy cơ bị xâm hại tình dục”, chị Đ.T.P. nói.
Bên cạnh những cha mẹ luôn sẵn sàng sẻ chia, đồng hành cùng con về GDGT, vẫn có không ít phụ huynh cố né tránh việc trao đổi các vấn đề liên quan về giới và giới tính với con cái. Họ chờ đợi con cái hỏi thì mới suy nghĩ xem liệu có cần thiết nói với con hay không? Thậm chí có nhiều gia đình đẩy trách nhiệm cho nhà trường!
Phụ huynh nên đồng hành cùng con
Qua đánh giá thực tế, hầu hết những nạn nhân bị xâm hại tình dục là trẻ em không có sự quan tâm, chăm sóc và theo dõi từ gia đình, các em không có đủ kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 200 trẻ em bị xâm hại tình dục. Trước những diễn biến phức tạp và mức độ xâm hại ngày càng nghiêm trọng, GDGT cần phải đổi mới hơn nữa, thực sự phù hợp với sự phát triển về tâm sinh lý của trẻ vị thành niên.
Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thanh Hóa Dương Minh Anh, cho biết: "Để GDGT cho trẻ đòi hỏi sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc định hướng từ gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Những thông tin chính thống sẽ giúp trẻ em có nhận thức, thái độ, hành vi đúng đắn về giới tính và GDGT”.
TS. Nguyễn Thị Lý, Trưởng bộ môn Xã hội học, Khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Hồng Đức khẳng định: GDGT là dạy cho trẻ về sự biến đổi trong cơ thể con người, cách cơ thể hoạt động và các quyền liên quan đến cơ thể mà chúng ta có. Trẻ em cần được GDGT không chỉ để hiểu hơn về những thay đổi liên quan đến sinh học, xã hội và nhận thức, mà còn để ngăn chặn các hành vi quấy rối và lạm dụng tình dục trong thời đại ngày nay. Vì vậy, cần phải làm cho ngôi nhà trở thành nơi trẻ cảm thấy an toàn nhất. Cha mẹ trở thành người bạn thân thiết nhất để trẻ có thể kể, nói về bất kỳ những động chạm cơ thể không đúng mực của một người nào đó mà không sợ hãi. Cha mẹ cần có trách nhiệm hướng dẫn trẻ cách tự bảo vệ mình. Để làm được điều đó, bản thân chúng ta cần thay đổi suy nghĩ về GDGT, vốn được cho là điều cấm kỵ không được nhắc đến, và thừa nhận tầm quan trọng của GDGT để đảm bảo một tương lai an toàn hơn cho những đứa trẻ của chúng ta.
Liên quan đến GDGT trong học sinh, Hiệu trưởng Trường THCS Cù Chính Lan Lê Thị Hoa nêu quan điểm, cùng với nhà trường thì cha mẹ cần có trách nhiệm hướng dẫn trẻ cách tự bảo vệ mình. Cha mẹ giáo dục cho con cái vấn đề giới tính phải hết sức tế nhị, nghiêm túc giảng giải cho con những điều cần hiểu biết. Người cha thường tâm sự với con trai và mẹ tâm sự với con gái, nhắc nhở chúng phải biết giữ gìn vệ sinh, đảm bảo sức khỏe. Cha mẹ nói cho con hiểu thế nào là bạn khác giới, giới hạn của tình bạn, đối với con gái thì hiện tượng kinh nguyệt là gì và hậu quả khi mang thai sớm... để con tránh được những điều xấu có thể xảy ra trong cuộc sống”.
GDGT luôn cần thiết trong hành trang vào đời của trẻ. Vậy nên, bố mẹ phải là những người hiểu biết về sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý của con để làm bạn cùng con, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, giúp con có ý thức bảo vệ chính bản thân và hướng đến những giá trị sống tốt đẹp.
Bài và ảnh: Trung Hiếu