Đa dạng hoạt động
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) vừa có buổi sinh hoạt đầu tuần nhiều ý nghĩa khi được giao lưu, lắng nghe các cô, chú trong Hội Cựu chiến binh phường Bến Nghé (quận 1) chia sẻ về ý nghĩa của Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Cô Hoàng Thị Lợi, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh phường Bến Nghé, giới thiệu đến các em học sinh hình ảnh các chú bộ đội luyện tập trên thao trường, cách phân biệt các lực lượng đặc công, kỵ binh, công binh, vũ trang nhân dân và dân quân tự vệ.
Em Đinh Hoàng Lâm, học sinh lớp 3/7, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, bày tỏ: “Em rất thích hình ảnh oai phong của các chú bộ đội khi tham gia duyệt binh, tuy nhiên hình ảnh để lại cho em nhiều cảm xúc nhất là gương mặt lấm lem bùn đất của các chú khi hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão lũ”.
Với Lê Quyên, học sinh lớp 3/7, em ấn tượng về hình ảnh các cô bộ đội làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế tại Nam Sudan. Khi khoác lên người bộ quân phục, vẻ đẹp nữ tính hòa quyện cùng sự trang nghiêm khiến hình ảnh các cô bộ đội thật đẹp và oai hùng.
Trước đó, hơn 1.000 học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn quận 1 đã có buổi tham quan doanh trại Ban Chỉ huy Quân sự quận 1. Hoạt động do Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 1 phối hợp Phòng GD-ĐT, Ban Chỉ huy Quân sự và Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 1 tổ chức nhằm tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu về ý nghĩa của Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chế độ sinh hoạt và tập luyện hàng ngày của bộ đội.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1, TPHCM) tìm hiểu chế độ sinh hoạt và tập luyện của chiến sĩ tại Ban Chỉ huy Quân sự quận 1
Thầy Trần Tấn Kha, giáo viên chủ nhiệm lớp 5/1, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1), cho rằng: “Ngoài việc giúp học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử đấu tranh kiên cường của dân tộc, hoạt động tham quan còn tạo điều kiện cho các em tìm hiểu về nền nếp kỷ luật của môi trường quân ngũ, qua đó bồi đắp cho học sinh tinh thần yêu nước, tính kỷ luật và đoàn kết”.
Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp) cũng vừa tổ chức cho giáo viên và học sinh giao lưu, thăm hỏi các cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Trần Thị Khánh Vy, học sinh lớp 10E20, Trường THPT Nguyễn Công Trứ, chia sẻ, em đã được các thầy cô truyền đạt về vấn đề chủ quyền biển, đảo thông qua nhiều hoạt động ở lớp. Tuy nhiên, khi được những người chiến sĩ trực tiếp cầm súng, đóng góp xương máu của mình bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc chia sẻ về những việc các anh đã làm khiến em dâng trào cảm xúc biết ơn và trân trọng.
Với cách làm khác, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) tổ chức Hội thao quốc phòng với nhiều hoạt động sôi nổi cho học sinh toàn trường tham gia, như thi tháo lắp súng, vượt chướng ngại vật trên chiến trường giả định, sắp xếp đội hình đội ngũ… Các hoạt động không chỉ giúp học sinh rèn luyện kỹ năng mà còn khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng biết ơn đối với sự hy sinh của các thế hệ cha anh.
Những trải nghiệm ý nghĩa
Theo cô Đoàn Thị Thúy Kiều, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Công Trứ, hoạt động giao lưu với các chiến sĩ hải quân mang đến cho học sinh nhiều trải nghiệm mới mẻ, qua đó đổi mới hình thức giáo dục, tuyên truyền các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc. Với đặc thù bộ môn Ngữ văn là vừa rèn tư duy ngôn ngữ, vừa kết hợp trau dồi khả năng cảm thụ văn chương cho học sinh, hoạt động trải nghiệm thực tế giúp các em mở rộng vốn sống, vận dụng sáng tạo kiến thức để “nói hay, viết tốt và sống có ý nghĩa”.
Đặc biệt, chương trình môn Ngữ văn hiện nay ở cấp THPT có rất nhiều tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh, hình ảnh người lính Cụ Hồ. Do vậy, ngoài việc học tập qua sách vở, việc được trải nghiệm thực tế giúp học sinh nuôi dưỡng đời sống tâm hồn phong phú, có ý thức đúng đắn về cội nguồn dân tộc, từ đó nỗ lực nhiều hơn trong học tập và rèn luyện.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng cho biết, trong năm học vừa qua, một trong những dấu ấn nổi bật của ngành giáo dục và đào tạo thành phố là xây dựng thành công Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại 100% cơ sở trường học.
Song song đó, tùy vào điều kiện thực tế, các trường đã tổ chức đa dạng hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, như Giỗ Tổ Hùng Vương; Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Ngày Thương binh - Liệt sĩ; Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam… Thông qua các hoạt động, học sinh được giáo dục về truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, bồi dưỡng nhân cách và lối sống để xứng đáng là một công dân trẻ của thành phố mang tên Bác.
Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2024-2025, Bộ GD-ĐT đề nghị trường học tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên thông qua các môn học và hoạt động giáo dục; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng gắn với việc xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam.
Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức sơ kết Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
THU TÂM