Việc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp đặt ra yêu cầu mới trong điều chỉnh, sắp xếp lại hệ thống đơn vị sự nghiệp giáo dục phù hợp và hiệu quả; đồng thời đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên khi số lượng lớn học sinh di chuyển theo bố mẹ về trung tâm tỉnh. Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh chuyển trường, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã kịp thời, chủ động triển khai các giải pháp tiếp nhận học sinh, đảm bảo các điều kiện vận hành thông suốt trong năm học mới.
Đưa trường học về xã quản lý
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.260 cơ sở giáo dục với gần 17.300 nhóm/lớp, phục vụ gần 500.000 học sinh. Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ, để đảm bảo duy trì chất lượng giáo dục trong quá trình chuyển đổi sang mô hình chính quyền hai cấp, các trường mầm non, tiểu học và THCS tiếp tục được giữ nguyên, giao cho chính quyền cấp xã quản lý. Riêng các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc UBND cấp huyện trước đây sẽ chuyển về Sở GD&ĐT quản lý và được tổ chức lại theo cụm liên xã, phường nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh dàn trải nguồn lực. Bên cạnh việc giữ vững mạng lưới trường lớp, vấn đề biên chế giáo viên đang là thách thức lớn khi tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương. Để khắc phục, Sở GD&ĐT phối hợp với UBND các xã tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên đúng quy định, đảm bảo chỉ tiêu, vị trí việc làm. Sau sáp nhập, các xã chủ động đánh giá thực trạng đội ngũ, quy mô lớp học, từ đó điều tiết giáo viên hợp lý, linh hoạt, bố trí dạy liên trường, liên cấp để tận dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có. Ngành Giáo dục tập trung dự báo quy mô học sinh theo độ tuổi, xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Việc đặt hàng với các cơ sở đào tạo sư phạm để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của từng địa phương đang được đẩy mạnh.
Học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng, xã Vị Xuyên đọc sách tại thư viện năm học 2024 - 2025.
Đồng chí Lưu Thị Lan Hương, Chủ tịch UBND xã Bình Ca cho biết: “Sau sáp nhập, xã quản lý 9 trường học ở cả 3 cấp: Mầm non, tiểu học và THCS. Sau khi Hội đồng Nhân dân xã ban hành các nghị quyết quan trọng, trong đó có lĩnh vực giáo dục, địa phương sẽ tiến hành rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên và chất lượng giảng dạy từng cơ sở. Từ đó, sẽ có những chỉ đạo cụ thể vào nhiệm vụ năm học, việc điều tiết giáo viên giữa các trường sẽ được thực hiện linh hoạt, đồng thời tập trung đầu tư sửa chữa, nâng cấp trường lớp, đảm bảo điều kiện cho năm học mới, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục”.
Tạo điều kiện tiếp nhận học sinh về tỉnh
Một vấn đề đặt ra hiện nay là việc tiếp nhận, bố trí trường, lớp học cho số học sinh di chuyển theo bố mẹ về trung tâm tỉnh học tập. Theo số liệu của Sở GD&ĐT, đến thời điểm hiện nay, có 508 học sinh đăng ký chuyển trường về trung tâm tỉnh, trong đó cấp mầm non có 113 học sinh, cấp tiểu học 208, cấp THCS 136, cấp THPT 50 và Giáo dục thường xuyên 1 học sinh.
Căn cứ danh sách đăng ký, Sở GD&ĐT đã rà soát, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sắp xếp, phân bổ học sinh nhập học đảm bảo phù hợp với nguồn lực và nguyện vọng; đồng thời hỗ trợ các phụ huynh thực hiện thủ tục nhập học cho con được thuận lợi, kịp thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và di chuyển của học sinh, phụ huynh trong việc liên hệ và thực hiện thủ tục nhập học. Các trường tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục chuyển trường cho học sinh ngay khi nhận được đề nghị của cha mẹ học sinh, người giám hộ, đặc biệt ưu tiên trong thời gian trước khai giảng năm học mới 2025 - 2026 và đầu học kỳ I năm học 2025 - 2026 để đảm bảo ổn định việc học tập của học sinh. Các trường học đã rà soát cơ sở vật chất, số học sinh có thể tiếp nhận, số lớp học có thể tăng thêm, số lượng giáo viên thiếu và số bàn ghế cần bổ sung, từ đó có kiến nghị, đề xuất kịp thời để xây thêm, nâng cấp, sửa chữa, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ ngay khi vào năm học mới.
Một giờ học của cô và trò Trường Mầm non Tân Trào, phường Minh Xuân.
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Trào, phường Minh Xuân cho biết: “Năm học 2025 - 2026, Trường Mầm non Tân Trào có hơn 430 học sinh. Với cơ sở vật chất hiện có, trường dự kiến có thể tiếp nhận được thêm 50 học sinh theo bố mẹ chuyển về trung tâm tỉnh. Vì không đủ điều kiện mở thêm lớp mới nên nhà trường đã chủ động các phương án, phân bổ học sinh vào các nhóm lớp, đảm bảo các điều kiện tiếp nhận học sinh và tổ chức dạy học theo quy định”.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Thị Kim Chung khẳng định: Thực hiện chính quyền địa phương hai cấp sẽ có những thay đổi trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đặc biệt có nhiều học sinh theo bố mẹ chuyển về trung tâm tỉnh, đặt ra vấn đề về bố trí, sắp xếp cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thủ tục tiếp nhận học sinh. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ và chỉ đạo của UBND tỉnh và yêu cầu thực tiễn, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục tham mưu kịp thời trong công tác quản lý giáo dục, đảm bảo không để xảy ra khoảng trống hay gián đoạn nhiệm vụ, nhất là hiện nay khi các cơ sở giáo dục đang bước vào mùa tuyển sinh và chuẩn bị năm học mới.
Với sự chủ động trong chỉ đạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện, cùng sự đồng thuận từ cơ sở, ngành Giáo dục tỉnh Tuyên Quang đang từng bước thích ứng với mô hình chính quyền mới, tạo tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Bài, ảnh: Biện Luân