Giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh thông qua các hoạt động tại Lễ hội Hoa Lư

Giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh thông qua các hoạt động tại Lễ hội Hoa Lư
một ngày trướcBài gốc
Học sinh Trường THCS Ninh Tiến luyện tập màn "Cờ lau tập trận".
Với 2 giải nhất, 1 giải nhì trong 3 năm trở lại đây khi tham gia các hội thi tại Lễ hội Hoa Lư, thầy và trò Trường THCS Ninh An có thêm niềm vinh dự, tự hào được trải nghiệm, học tập trong môi trường lễ hội lớn của địa phương.
Chuẩn bị cho Lễ hội Hoa Lư năm nay, từ giữa tháng 3 vào những buổi chiều sau giờ học, đội tuyển “Kéo chữ Thái Bình” của Trường được luyện tập dưới sự hướng dẫn của cô giáo Tổng phụ trách Đội và những người cao tuổi có kinh nghiệm nhiều năm tham gia “Kéo chữ Thái Bình” của địa phương.
Với đội hình có nhiều học sinh lần đầu tham gia nên việc sắp xếp vị trí chạy chữ những ngày đầu chưa thuần thục, nhuần nhuyễn. Tuy nhiên, sự vui tươi, hồ hởi khi được tham gia luyện tập luôn hiện trên gương mặt của nhiều học sinh.
Em Tống Thị Thanh Bình, học sinh lớp 7A chia sẻ: Lần đầu tiên được lựa chọn tham gia đội tuyển “Kéo chữ Thái Bình” của Trường, em cảm thấy tự hào vì được góp phần gìn giữ, khôi phục những hoạt động, nét văn hóa độc đáo của địa phương tại lễ hội. Đây cũng là dịp để chúng em tìm hiểu về truyền thống của quê hương, đất nước…
Cô giáo Trịnh Thị Lý, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Ninh An cho biết: Cùng tham gia luyện tập từ giữa tháng 3 đến nay, các em học sinh của Trường rất hào hứng vì được đóng góp chút công sức nhỏ bé của mình vào thành công của lễ hội. Thầy và trò nhà trường cố gắng luyện tập thật tốt để thể hiện xuất sắc phần thi.
Học sinh Trường THCS Ninh An luyện tập "Kéo chữ Thái Bình".
Tại Trường THCS Ninh Tiến, mỗi buổi chiều sau giờ tan học, tiếng trống hội rộn ràng một góc sân của đội tuyển luyện tập màn diễn tích “Cờ lau tập trận”. Đây là màn diễn tích được thầy và trò nhà trường tập trung, hăng say luyện tập nhằm đem đến phần thi ấn tượng, mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của quê hương, đất nước và con người vùng đất Cố đô Hoa Lư-Ninh Bình.
Cô giáo Đàm Bích Huyền, Bí thư Đoàn Trường THCS Ninh Tiến cho biết: Nhiều năm tham gia Lễ hội Hoa Lư, năm nay nhà trường tiếp tục luyện tập màn diễn tích “Cờ lau tập trận” với không khí vui tươi, phấn khởi hướng về kỷ niệm 1057 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế. Nhà trường mong muốn thông qua hoạt động này giáo dục cho học sinh về truyền thống lịch sử, cội nguồn của dân tộc. Đồng thời góp phần làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại Lễ hội Hoa Lư, thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến với Lễ hội…
Dưới sân trường, các em học sinh trong đội tuyển tập trung hoàn thành các hoạt động như: chia nhóm tượng trưng cho quân của thung Lau, thung Lá, người đóng vua, người đóng vai quân sĩ, màn tập trận giao tranh các thế tiến, thoái…
Em Nguyễn Cẩm Tú, học sinh lớp 7C phấn khởi cho biết: Được học tập, trải nghiệm thực tế, hòa mình vào không khí của Lễ hội là cơ hội để học sinh chúng em thêm hiểu về truyền thống của quê hương, về những công lao to lớn của các bậc tiên đế, tiền nhân trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Để từ đó chúng em sẽ nỗ lực hơn trong học tập, rèn luyện, xứng đáng với truyền thống của cha ông…
“Đến hẹn lại lên”, cùng với các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hoa Lư tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại Lễ hội Hoa Lư. Phòng đã chỉ đạo các nhà trường phối hợp với bộ phận chuyên môn của UBND các phường, xã trên địa bàn tuyển chọn nhân sự, thành lập đội tuyển, tổ chức tập luyện màn “Kéo chữ Thái Bình” và diễn tích “Cờ lau tập trận” đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.
Những năm qua, phát huy hiệu quả tiềm năng của địa phương sở hữu nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hoa Lư đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc giảng dạy các môn học, nội dung giáo dục địa phương bằng nhiều hình thức sáng tạo, phong phú như: tổ chức dạy học, trải nghiệm tại di sản; thực hiện giờ học kết nối với những trường của địa phương có di sản: mời chuyên gia, nghệ nhân người địa phương giới thiệu về di sản...
Trong đó, tham gia các hoạt động tại Lễ hội Hoa Lư là một hoạt động ngoại khóa tiêu biểu của nhiều nhà trường, đã phát huy giá trị các di sản trong việc góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết, khơi gợi niềm tự hào, vun đắp tình yêu quê hương cho các thế hệ học sinh.
Năm nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã huy động khoảng 1.300 học sinh thuộc 19 trường THCS trong toàn thành phố tham gia luyện tập phần thi diễn tích “Cờ lau tập trận” và “Kéo chữ Thái Bình”.
Tham gia các hoạt động tại Lễ hội Hoa Lư là dịp để các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông, nâng cao nhận thức, giáo dục các em học sinh biết trân trọng, giữ gìn truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước, xây dựng động cơ, mục đích học tập, rèn luyện cho bản thân. Qua đó thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, bảo tồn, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc.
Thông qua việc tham gia các hội thi tại Lễ hội, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố mong muốn góp phần giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước về tiềm năng du lịch, hình ảnh danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và thưởng thức các trò chơi mang đậm bàn sắc văn hóa quê hương Ninh Bình.
Bài, ảnh: Bùi Diệu
Nguồn Ninh Bình : https://baoninhbinh.org.vn/giao-duc-truyen-thong-lich-su-cho-hoc-sinh-thong-qua-cac-474509.htm