Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Azerbaijan, bắt đầu từ ngày 11/11/2024, đã bước vào tuần họp quan trọng cuối cùng để các bên thống nhất về một thỏa thuận mới, trong đó nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc huy động các nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, định hướng 2050 (QHĐ8), đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%. Đây cũng là giai đoạn các thế hệ trẻ hiện tại có thể tham gia vào thị trường lao động và có những đóng góp lâu dài.
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của xu thế hiện tại, nhiều trường đại học hiện nay đang tập trung vào việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực tiên phong như môi trường và năng lượng tái tạo. Đặc biệt, phải để năng lượng tái tạo trở thành một giải pháp chung mà toàn xã hội cùng hướng đến. Chính vì vậy, năng lượng tái tạo cần được gắn kết và tích hợp với các lĩnh vực khác như kinh tế, sản xuất, giao thông, xây dựng, và công nghệ thông tin. Các ngành công nghiệp này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa nguồn tài nguyên, cải tiến quy trình sản xuất, và tạo ra những giải pháp bền vững hơn cho toàn xã hội.
PGS.TS.Nguyễn Đức Tuyên, Giám đốc CTĐT Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo, ĐHBKHN, cùng sinh viên tham dự hội thảo quốc tế tại Singapore. (Ảnh: 100RE Lab)
Trao đổi với phóng viên PetroTimes, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tuyên - Giám đốc Chương trình đào tạo Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo (Chương trình tiên tiến), Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, thực tế hiện nay kiến thức về năng lượng tái tạo được truyền đạt tới rất nhiều đối tượng không phải chuyên môn về năng lượng như các nhà báo, các nhà làm chính sách, các công nhân kỹ sư muốn chuyển đổi ngành nghề, các doanh nhân, luật sư... để phục vụ cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo ngày càng sôi động.
“Khó khăn là có, nhưng thuận lợi đang chiếm ưu thế...”
Thực tế, năng lượng tái tạo là một lĩnh vực khá mới mẻ nhưng tiềm năng trong ngành giáo dục Việt Nam, điều này có thể tạo ra một số thách thức nhất định, đòi hỏi việc thích nghi với các cách tiếp cận đa ngành và xuyên ngành, nhằm tích hợp hiệu quả kiến thức năng lượng tái tạo vào các ngành công nghiệp khác.
Thầy Tuyên cho biết: “Khó khăn là có, nhưng thuận lợi đang chiếm ưu thế trong việc truyền đạt các kiến thức liên quan tới năng lượng tái tạo, cả chuyên sâu cho các em sinh viên trong ngành năng lượng, cả tổng quan cho các em sinh viên ngành khác”.
Mỗi giảng viên sẽ có kỹ năng sư phạm khác nhau, và tại Đại học Bách khoa Hà Nội, họ có nhiều cơ hội để nâng cao chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm thông qua các khóa học ngắn hạn trong và ngoài nước, để có thể truyền đạt kiến thức, từ những vấn đề cơ bản đến những nội dung chuyên sâu, từ lý thuyết thực tế cho sinh viên.
“Đối với sinh viên trong ngành điện chúng tôi, các em được trải nghiệm nhiều seminar chuyên ngành, được tham dự nhiều đợt đi kiến tập thực tế, được tham gia làm dự án và các đề tài nghiên cứu khoa học. Sinh viên ngành kỹ thuật điện nói chung hay chuyên sâu về năng lượng tái tạo nói riêng cũng phải nghiên cứu nhiều nội dung kiến thức mới về hóa học, về kinh tế, và các bạn đều đang làm tốt”, thầy Tuyên chia sẻ.
Thầy Tuyên cùng các thành viên phòng nghiên cứu 100RE trong chuyến đi thực tế tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. (Ảnh: 100RE Lab)
Đối với sinh viên không chuyên, mặc dù kiến thức về năng lượng tái tạo có thể là mới mẻ, nhưng nhờ các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin thường xuyên, họ đã có sự tiếp cận, dù là thụ động hay chủ động, về lĩnh vực này. Các bạn sinh viên cần phải tham gia nhiều hội thảo khoa học từ chính sách tới kỹ thuật, từ tổ chức nhà nước tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước, từ đó tìm được hướng mà họ yêu thích và chủ động tìm hiểu tài liệu để đào sâu.
Thầy giải thích thêm, mỗi nội dung kiến thức về năng lượng tái tạo đều có những vấn đề cốt lõi riêng, không quá khó để truyền tải những kiến thức này những người nghe khác nhau. Hiện nay, năng lượng tái tạo đã trở thành một vấn đề thực tiễn được phổ biến qua nhiều kênh thông tin khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ và học hỏi. Thêm vào đó, sự hỗ trợ từ các công cụ tìm kiếm và các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp người học tiếp cận dễ dàng và hiểu sâu hơn về kiến thức chuyên ngành.
Sinh viên cần có tư duy mới, sẵn sàng đương đầu và hy sinh dấn thân
Hiện nay, nghiên cứu đang trở nên đa ngành và xuyên ngành hơn bao giờ hết. Sinh viên theo học ngành hệ thống điện và năng lượng tái tạo cần trang bị kiến thức sâu rộng, từ hóa học, vật lý, công nghệ thông tin, đến kinh tế. Những yêu cầu thực tế của công việc buộc sinh viên phải học hỏi nhiều lĩnh vực khác nhau để có thể hiểu và xử lý các vấn đề một cách hiệu quả.
Ngành điện hiện nay cũng đã mở rộng cánh cửa chào đón sinh viên từ các ngành khác như tự động hóa, kinh tế năng lượng, luật, điện tử viễn thông và công nghệ thông tin do các chuyển biến công nghệ trong ngành năng lượng nói chung và ngành năng lượng tái tạo nói riêng là rất nhanh và cần đòi hỏi nhiều kỹ năng.
Thầy Tuyên chia sẻ thêm: “Để làm chủ được công nghệ và sáng tạo ra công nghệ, các em cần có tư duy khác, mới và sẵn sàng đương đầu và hy sinh dấn thân cho sự phát triển của nền công nghiệp năng lượng của đất nước, điều này có thể đạt được thuận lợi hơn nếu các bạn trẻ có cơ hội được tu nghiệp ở các nước tiên tiến trong một thời gian”.
Thầy Tuyên cũng bày tỏ niềm tự hào về tiềm lực trí tuệ của người Việt Nam, cho rằng con người Việt không thua kém về khả năng, thậm chí có phần vượt trội. Tuy nhiên, thầy chỉ ra rằng để phát huy hết tiềm năng này và đạt được những thành tựu lớn hơn, Việt Nam cần phải cải thiện các phương thức làm việc, tổ chức, sự quyết tâm, sự bài bản, và tạo ra một môi trường công việc hiệu quả hơn.
Sẵn sàng để đón đầu “làn sóng” xanh
Nhận xét về vai trò của năng lượng tái tạo trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho nền kinh tế xanh và bền vững, thầy Tuyên cho biết, thực tế hiện nay hầu hết các trường đại học có ngành điện đều đã chuyển dịch sang đào tạo ngành năng lượng tái tạo, vì hầu hết đã nhận thức được nhu cầu nhân lực thực tế của các doanh nghiệp liên quan tới đầu tư và tư vấn về năng lượng tái tạo, không chỉ trong nước và còn cả ngoài nước. Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài làm các dự án nước ngoài nhưng lại đặt trụ sở tại Việt Nam. Các chỉ tiêu tuyển sinh của các trường năm sau cao hơn năm trước, đầu tư vào cơ sở vật chất cho giảng dạy, thí nghiệm và nghiên cứu ngày càng tăng.
Đại học Bách khoa Hà Nội cùng năm trường đại học khác cũng đang có Thỏa thuận hợp tác trong đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu trong năng lượng tái tạo, hàng năm cùng tổ chức chung Diễn đàn sinh viên nghiên cứu khoa học cho ngành năng lượng bền vững. “Qua các hoạt động trao đổi này, kiến thức nền tảng cho nhân lực ngày càng tốt hơn, đặt biệt là nhận thức về vai trò của mình từ các em ngành càng tốt hơn, các em yêu ngành, say mê nghiên cứu và học tập, một lượng lớn ước mơ đi du học và thành công ở môi trường quốc tế, là những điều rất tốt và chúng tôi, những người đào tạo rất kỳ vọng”.
Bằng một cách nào đó từ những nỗ lực này, công nghệ và nhân lực của Việt Nam ta được bồi đắp và trui rèn, sẽ ngày càng tiệm cận với chuẩn mực khu vực và không ngừng vươn xa trên trường quốc tế. Sự chuẩn bị này không chỉ phục vụ hiện tại mà còn xây nền móng vững chắc cho những thế hệ kỹ sư và chuyên gia tiếp theo, đảm bảo rằng Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng trong ngành công nghiệp năng lượng sạch toàn cầu.
Tú Uyên