Giáo hoàng Francis phát biểu tại Vatican. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Năm Thánh 2025 đã chính thức khởi động tại thủ đô Rome của Italy, trong bối cảnh các biện pháp an ninh được thắt chặt nhằm đảm bảo an toàn cho hàng triệu khách hành hương và du khách dự kiến sẽ tham gia sự kiện mang ý nghĩa tôn giáo và văn hóa đặc biệt này.
Để đảm bảo an toàn cho hàng triệu du khách, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Piantedosi đã chỉ đạo triển khai khoảng 700 đơn vị an ninh khắp Rome, đặc biệt tại các điểm “nóng” như Vatican, các nhà thờ lớn và trung tâm thành phố.
Các biện pháp giám sát hiện đại, bao gồm hệ thống nhận diện khuôn mặt, đã được bố trí tại các sân bay, nhà ga và các điểm du lịch lớn.
Các trạm kiểm soát cũng được thiết lập dọc các tuyến đường quan trọng dẫn đến Vatican nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các mối đe dọa tiềm tàng theo thời gian thực.
Thủ đô Rome đã “lột xác” để chuẩn bị cho sự kiện này. Các công trình biểu tượng như Đài phun nước Trevi và cầu Ponte Sant'Angelo đã được trùng tu, trong khi hạ tầng giao thông được cải thiện đáng kể.
Với chủ đề "Hành trình của hy vọng," Năm Thánh 2025 không chỉ dành cho 1,4 tỷ người Công giáo trên thế giới, mà còn mở rộng thông điệp đoàn kết và hòa bình tới mọi tầng lớp người dân.
Năm Thánh 2025 được bắt đầu với việc Giáo hoàng Francis mở cánh cửa khổng lồ bằng đồng mang tên Cửa Thánh (Holy Door) tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican. Cánh cửa này chỉ được mở trong các Năm Thánh, tượng trưng cho sự tha thứ và hòa giải.
Hơn 30 triệu khách hành hương dự kiến sẽ đến Rome trong năm 2025, với ước tính mỗi ngày có tới 100.000 người đi qua Cửa Thánh.
Đây là một phần của chuỗi sự kiện kéo dài đến ngày 6/1/2026, bao gồm các thánh lễ, triển lãm văn hóa, hội nghị và hòa nhạc. Ngoài ý nghĩa tôn giáo, những sự kiện này được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn, ước tính tạo ra 10 tỷ euro (khoảng 10,4 tỷ USD).
Trong bài giảng tại Thánh lễ Đêm Giáng sinh 24/12, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh: "Năm Thánh là thời gian để các tín hữu Công giáo đổi mới tâm hồn và hy vọng. Chúng ta hãy cùng nhau hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn, một nơi không còn những bất công và đau khổ."
Giáo hoàng Francis cũng kêu gọi các quốc gia phát triển giảm bớt gánh nặng nợ nần cho các quốc gia nghèo, đồng thời nhấn mạnh cam kết đối với hòa bình và bảo vệ Trái Đất./.
(TTXVN/Vietnam+)