Những cuộc gặp gỡ đầy xúc động
Theo hãng tin Reuters, vào ngày Lễ Phục sinh 20/4, một ngày trước khi qua đời ở tuổi 88, Giáo hoàng Francis đã lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ tháng 2 khi chiếc chuyên xa màu trắng chở ông vào Quảng trường Thánh Peter để chào đón khoảng 35.000 người mộ đạo.
Giáo hoàng Francis điều hành một buổi lễ ở Quảng trường Thánh Peter ngày 19/4 (Ảnh: Reuters).
Nhiều người đã chen nhau tiến lại gần chiếc xe của Giáo hoàng, giơ cao quốc kỳ của các quốc gia đồng thời hô vang: Viva il papa! (Giáo hoàng muôn năm!). Một số người còn bế em bé lên để được Giáo hoàng ban phúc.
Đáp lại, Giáo hoàng Francis chỉ đủ sức nói được vài lời chúc mừng Lễ Phục sinh với giọng khàn khàn. Bài huấn từ truyền thống nhân Lễ Phục sinh được trợ lý của ông đọc thay.
Trong bài huấn từ, Giáo hoàng Francis tiếp tục kêu gọi đình chiến ở Dải Gaza, lực lượng Hamas thả tự do cho con tin người Israel đồng thời lên án tình trạng bài Do Thái ngày càng đáng lo ngại trên toàn thế giới.
Chia sẻ với hãng tin Vatican News, Cha Gabriel Romanelli thuộc giáo xứ Gaza, cho biết trong thời gian xảy ra chiến sự giữa Israel và Hamas, Giáo hoàng Francis thường xuyên gọi điện trao đổi.
Giáo hoàng Francis qua đời ở tuổi 88ĐỌC NGAY
"Ngài gọi cho chúng tôi lần cuối cùng vào tối 19/4, ngay trước lễ Phục sinh, khi chúng tôi đang cầu nguyện Kinh Mân Côi. Ngài nói rằng ngài cầu nguyện cho chúng tôi, ban phúc lành và cảm ơn vì những lời cầu nguyện mà chúng tôi dành cho ngài", Cha Romanelli nhớ lại.
Ngày lễ Phục sinh cũng đánh dấu lần thứ hai kể từ khi xuất viện hôm 23/3, Giáo hoàng Francis tiếp đón các nhà lãnh đạo quốc tế như Phó Tổng thống Mỹ, thủ tướng Croatia.
"Tôi rất vui được gặp ngài dù ngài còn rất yếu", Phó Tổng thống Mỹ JD Vance chia sẻ sau cuộc gặp ngắn ngủi với Giáo hoàng Francis tại tư dinh của Giáo hoàng ở Rome.
Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic cùng gia đình cũng may mắn được gặp Giáo hoàng lần cuối. "Dù chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng đó là một cuộc gặp đầy xúc động, tràn ngập lòng tốt, niềm vui và phúc lành", ông Plenkovic chia sẻ sau cuộc gặp.
Tận hiến đến hơi thở cuối cùng
Được biết, trong thời gian nằm viện, Giáo hoàng Francis từng sử dụng thiết bị hỗ trợ thở không xâm lấn.
Nhưng sau khi xuất viện, ông không còn phải dùng đến thiết bị hỗ trợ này nữa. Dù vậy ông vẫn phải thở bình oxy vào ban đêm và sử dụng thêm vào ban ngày trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, Giáo hoàng được y tá chăm sóc 24/24.
Giáo dân tụ tập bên ngoài Quảng trường Thánh Peter sau khi Vatican tuyên bố Giáo hoàng qua đời (Ảnh: Reuters).
Theo Hồng y Michael Czerny, một quan chức cấp cao của Vatican và là người thân cận với Giáo hoàng, những hoạt động của Giáo hoàng vài ngày trước khi ông qua đời không đồng nghĩa với việc ông bất cẩn với tình trạng sức khỏe của mình.
"Nghỉ ngơi tuyệt đối không phải lúc nào cũng giúp hồi phục sức khỏe. Giáo hoàng đã tìm cách cân bằng giữa việc dưỡng bệnh và đảm bảo vai trò Giám mục thành Rome", Hồng y Czerny nói thêm.
Hồng y Czerny khẳng định, Giáo hoàng rất tận tâm với sứ mệnh dẫn dắt Giáo hội Công giáo toàn cầu đồng thời răn dạy các giám mục luôn phải gần gũi giáo dân.
Trong khi đó, nhà viết tiểu sử Austen Ivereigh, người từng viết sách cùng Giáo hoàng vào năm 2020, cho biết Giáo hoàng Francis luôn lắng nghe lời khuyên từ bác sĩ. Song ưu tiên hàng đầu của ngài là sứ mệnh công vụ.
"Ngài là bậc thầy về cách thức sắp xếp thời gian nhằm đảm bảo rằng ngài vẫn hiện diện trong dịp Phục sinh của Giáo hội đồng thời giữ vững sứ mệnh của mình cho đến giây phút cuối cùng", nhà viết tiểu sử Austen Ivereigh đánh giá.
Cùng chung quan điểm với ông Ivereigh, bà Eugenia Roccella, Bộ trưởng Các vấn đề Gia đình Italy nhận định Giáo hoàng đã dâng hiến trọn vẹn bản thân đến giờ phút cuối cùng.
Khánh An