Giáo hoàng Francis: Trọn vẹn một cuộc đời tận hiến

Giáo hoàng Francis: Trọn vẹn một cuộc đời tận hiến
18 phút trướcBài gốc
Tu trì để dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa và phục vụ cộng đồng
Theo tiểu sử chính thức trên website của Vatican, Giáo hoàng Francis được sinh ra trong một gia đình gốc Ý tại thủ đô Buenos Aires (Argentina) vào ngày 17/12/1936 với tên gọi Jorge Mario Bergoglio. Cha ông là nhân viên kế toán ngành đường sắt trong khi mẹ ông chăm lo việc nội trợ và chăm sóc 5 người con. Sự bình dị trong lối sống, sự gần gũi với người nghèo, người yếu thế có lẽ được hun đúc từ chính những năm tháng ấu thơ khi chàng trai Jorge Mario Bergoglio luôn được đắm mình trong cuộc sống yên ả giàu tình người của khu phố Flores.
Giáo hoàng Francis lúc sinh thời
Thời trai trẻ, chàng thanh niên Jorge Mario Bergoglio đã say mê và quyết tâm theo học nghề kỹ thuật viên hóa học. Tuy nhiên, năm 21 tuổi, sau khi một biến cố sức khỏe lớn ập đến, bị viêm phổi nặng đến mức để giữ lại mạng sống, các bác sĩ phải cắt bỏ một phần lá phổi phải, chàng trai Jorge Mario Bergoglio quyết định rẽ lối cuộc đời mình, trở thành một tu sĩ dòng Tên - một dòng tu nổi tiếng trong Giáo hội Công giáo với truyền thống giáo dục và sứ vụ truyền giáo - như một sự tri ân cuộc đời, tri ân đức tin, để có cơ hội được dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa và phục vụ cộng đồng. Ngày 12/3/1960, Giáo hoàng Francis tuyên khấn lần đầu, khởi đầu đời sống tu trì.
Sau những năm tháng dài rèn luyện trong chương trình đào tạo tu sĩ hết sức khắt khe, tháng 12/1969, Jorge Mario Bergoglio được thụ phong linh mục. Năm 1992, ông được Giáo hoàng John-Paul II sắc phong giám mục và đến năm 1998 trở thành Tổng giám mục và được tấn phong hồng y năm 2001.
Tháng 3/2013, ông được Tòa thánh Vatican chọn làm Giáo hoàng, trở thành Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo, là người đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên và cũng là Giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Latin. Nhưng điều đặc biệt nhất về vị Giáo hoàng thứ 266, như chia sẻ của tạp chí Time, đó là xuất phát điểm hết sức bình dị: “Ông từng là một quản gia, nhân viên bảo vệ, một kỹ thuật viên hóa học và giáo viên văn học”.
Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla diện kiến Giáo hoàng ngày 9/4/2025 tại Vatican. Ảnh: Vatican/Getty
Nguyện làm tôi tớ của người nghèo khó và cơ cực
Ngay sau khi được lựa chọn trở thành người đứng đầu Giáo hội Công giáo, tân giáo hoàng đã lấy tông hiệu là Francis để tưởng nhớ Thánh Francis Assisi - vị thánh nổi tiếng với đời sống khó nghèo, yêu thiên nhiên và tận hiến cho người nghèo, từ bỏ mọi của cải và quyền lực, trở thành một người ăn xin để thấu hiểu nỗi khổ của người nghèo.
Và sau này, trọn vẹn hành trình cuộc đời mình, Giáo hoàng Francis đã sống, cống hiến đúng với cái tên ngài đã chọn mang - một tôi tớ của người nghèo khó và cơ cực, sống cuộc sống dễ gần, quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề công lý xã hội và vấn đề thường thức của đời sống, ưu tiên cho người nghèo, cho hòa bình, cho công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, cho tình thương và lòng trắc ẩn hơn là những giáo điều.
Từ khi còn là Tổng giám mục, hồng y rồi Giáo hoàng, ngài từ chối sống trong dinh thự mà chọn một căn hộ nhỏ, dùng phương tiện giao thông công cộng thay cho xe hơi với tài xế riêng và tự nấu ăn, từng nhất quyết tự thanh toán hóa đơn tại một khách sạn dành cho giáo sĩ. Thậm chí, chiếc nhẫn Ngư Phủ (vật nằm trong bộ lễ phục của giáo hoàng) của ngài được cho là được làm bằng bạc mạ vàng thay vì vàng thật như truyền thống. Cho tới tận tới những giây phút cận kề sinh tử, Giáo hoàng cũng một mực chia sẻ rằng Ngài muốn được an táng dưới lòng đất, “không trang trí đặc biệt”, chỉ khắc tên giáo hoàng bằng tiếng Latin: Franciscus.
Giáo hoàng Francis luôn được mệnh danh là “Giáo hoàng của người nghèo”. Ảnh: T.L
Giáo hoàng Francis từng nói với một tờ báo Ý vào ngày 5/3/2014: "Việc miêu tả giáo hoàng như một dạng siêu nhân, một dạng ngôi sao có vẻ xúc phạm đối với tôi. Giáo hoàng là người biết cười, biết khóc, biết ngủ và có bạn bè như mọi người khác, một người bình thường". Và thực tế, Ngài đã cho ra đời bản tông huấn quan trọng, kêu gọi xây dựng một "Giáo hội nghèo khó của người nghèo", và "mở tung cửa nhà thờ" để kết nối với thế giới.
Cũng bởi mong muốn "mở tung cửa nhà thờ" để kết nối với thế giới, “một giáo hội không được tập trung vào Tòa thánh Vatican mà phải vươn ra tận mọi hang cùng ngõ hẻm của thế giới bên ngoài”, “một giáo hội nếm trải khó khăn, đau thương và phong trần hơn là một giáo hội trì trệ trong tiện nghi và bảo thủ", "giáo hội giống như một bệnh viện dã chiến, cần chữa lành các vết thương trước khi lên án người bệnh"… sinh thời, Giáo hoàng Francis đã tập trung đặt ra nhiều cải cách sâu rộng với Giáo hội.
Nổi bật trong những cải cách ấy là việc tinh giản cơ cấu hành chính của Vatican, cải tổ giáo luật, thúc đẩy sự minh bạch tài chính với việc nhiều Hồng y và quan chức cấp cao của Vatican đã bị điều tra và xét xử - điều gần như hiếm khi có trước đây. Cũng từ sự cởi mở, đổi mới ấy, Giáo hoàng Francis chấp nhận và khơi dậy cuộc tranh luận sôi động trong giáo hội về những chủ đề nội dung mà trước đó vẫn còn bị coi là những điều cấm kỵ như phá thai, hôn nhân đồng tính….
Tiếng nói mạnh mẽ cho công lý và hòa bình
Trang Vatican News mô tả Giáo hoàng Francis là "Giáo hoàng của hòa bình". Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ca ngợi Giáo hoàng là "sứ giả của niềm hy vọng, sự khiêm nhường và lòng nhân đạo, là tiếng nói vượt lên mọi ranh giới vì hòa bình, nhân phẩm và công bằng xã hội, lòng trắc ẩn dành cho tất cả, đặc biệt là những người bị bỏ rơi bên lề cuộc sống hoặc mắc kẹt trong nỗi kinh hoàng của xung đột".
Không phải vô cớ Giáo hoàng Francis được đánh giá cao đến vậy. Có lẽ bởi chính từ tâm thế “giáo hội cần chữa lành các vết thương”, tâm thế của một lãnh đạo giáo hội luôn dành sự ưu tiên cao nhất, đến mức tuyệt đối cho người dân, suốt cuộc đời mình, Giáo hoàng luôn đặc biệt quan tâm tới các sự kiện gây bất ổn thế giới, chỉ trích xung đột, lên án mạnh mẽ vũ khí hạt nhân, luôn mong muốn là cầu nối đối thoại hàn gắn cho mọi cuộc xung đột và quyết liệt kêu gọi cho hòa bình.
Một trong những cử chỉ biểu tượng nhất của Giáo hoàng Francis trong triều đại của mình là ông đã quỳ xuống hôn chân các nhà lãnh đạo Nam Sudan trong cuộc gặp tại Vatican vào tháng 4/2019, khẩn cầu họ buông vũ khí và bước đi trên con đường hòa bình. Nếu không phải để cất lên tiếng nói mạnh mẽ khẩn cầu cho nền hòa bình của nhân loại, có lẽ Giáo hoàng Francis sẽ không phải bất chấp hiểm nguy, vất vả đến vậy khi trực tiếp đến Nam Sudan vào tháng 3/2023; đặt chân đến mảnh đất Hiroshima và Nagasaki để cất lên tiếng nói khẳng định: “Việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích chiến tranh là vô đạo đức, cũng như việc sở hữu vũ khí hạt nhân là vô đạo đức”; đến Iraq vào năm 2021 để kêu gọi đối thoại và sự tôn trọng lẫn nhau của các tôn giáo, và nhấn mạnh rằng: "Hòa bình không đòi hỏi người thắng hay kẻ thua, mà là anh chị em, những người bất chấp những hiểu lầm và vết thương trong quá khứ, hãy chọn con đường đối thoại" và rằng “Sự thù địch, chủ nghĩa cực đoan và bạo lực không xuất phát từ trái tim tôn giáo; chúng là sự phản bội tôn giáo".
Cũng chính Giáo hoàng Francis là người đã đứng trước Quốc hội Mỹ vào năm 2015 để kịch liệt phê phán việc buôn bán vũ khí, phê phán những bên kiếm lợi từ chiến tranh, và đặt ra câu hỏi: "Tại sao vũ khí chết người lại được bán cho những kẻ có kế hoạch gây ra đau khổ không kể xiết cho con người và xã hội? Thật đáng buồn, câu trả lời, như chúng ta đều biết, chỉ đơn giản là vì tiền: tiền thấm đẫm máu, thường là máu của người vô tội”.
Và ngay cả trong những giây phút sinh tử, cận kề cái chết khi bệnh tật đã quá đỗi trầm trọng, trong thông điệp Phục sinh cuối cùng gửi đến thế giới hôm 20/4, điều mà Giáo hoàng Francis muốn gửi gắm lần cuối cùng vẫn là lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza, chấm dứt chiến tranh, xung đột. Trước đó, với những gì khốc liệt diễn ra tại Ukraine, Giáo hoàng Francis cũng nhiều lần cầu nguyện Chúa Phục sinh ban cho hồng ân hòa bình, kỳ vọng rằng các bên sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới một "nền hòa bình công bằng và lâu dài".
Sau 12 năm tận hiến, trái tim Giáo hoàng Francis đã ngừng đập, một cuộc đời tận hiến tới tận những giây phút cuối cùng cho hòa bình, cho nhân đạo, bình đẳng, tình yêu thương đã khép lại. Nhưng vẫn tin rằng ngọn lửa của sự gần gũi, lòng nhân từ và khát vọng hòa bình mà Giáo hoàng Francis đã thắp lên, sẽ vẫn còn cháy mãi, làm tỉnh thức những trái tim lương tri.
CTV Hà Anh/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/giao-hoang-francis-tron-ven-mot-cuoc-doi-tan-hien-post1194486.vov