Giáo hoàng Francis - vị Giáo hoàng của sự bình dị

Giáo hoàng Francis - vị Giáo hoàng của sự bình dị
10 giờ trướcBài gốc
Giáo hoàng Francis là người Mỹ Latin đầu tiên đứng đầu Giáo hội Công giáo. Ảnh: Reuters.
Trong 12 năm tại vị, Giáo hoàng Francis đã để lại nhiều dấu ấn, từ các vấn đề tôn giáo, xã hội tới chính trị. Ông sẽ được thế giới nhớ đến như một nhà lãnh đạo tôn giáo bình dị, quan tâm đến các nhóm yếu thế và được cả các con chiên lẫn người ngoại đạo yêu mến.
“Hiếm khi có một nhân vật mới xuất hiện trên trường quốc tế thu hút sự chú ý nhanh chóng đến vậy - từ người trẻ, người già, các tín đồ và người không theo đạo”, cựu Tổng biên tập tạp chí Time Nancy Gibbs viết khi tạp chí này bầu chọn Giáo hoàng Francis là “Nhân vật của năm” 2013.
Dấu ấn 12 năm
Ngày 17/12/1936, cậu bé Jorge Mario Bergoglio ra đời tại thủ đô Buenos Aires, Argentina. Cậu là con trai trưởng trong số năm anh chị em của một gia đình gốc Italy.
Giáo hoàng Francis qua đời lúc 7h35 (12h35 giờ Việt Nam) ngày 21/4. Một ngày trước đó, ông vẫn xuất hiện từ ban công của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô trước hàng nghìn tín đồ.
Sau khi vượt qua một trận viêm phổi nặng năm 21 tuổi, Bergoglio gia nhập Dòng Tên. Năm 1969, ông được phong chức linh mục. Năm 1998, ông đảm nhận cương vị Tổng giám mục Buenos Aires. Ba năm sau, ông được tấn phong hồng y.
Tại Buenos Aires, ông thường xuyên ra đường phố để trò chuyện với người dân. Ông đi xe buýt và tàu điện tới những khu ổ chuột nghèo nàn nhất trong thành phố, ăn mặc giản dị “như bất cứ vị linh mục nào”, theo Los Angeles Times.
Khác với các tổng giám mục tiền nhiệm, ông không sống trong các căn hộ đẹp đẽ mà lựa chọn một căn phòng trong tòa nhà cạnh nhà thờ. Phòng của ông chỉ có chiếc giường, chiếc ghế, bộ bàn ghế làm việc và chiếc radio.
Sau khi Giáo hoàng Benedict XVI thoái vị, Hồng y Bergoglio được bầu làm người kế nhiệm. Ông lấy tên hiệu là Francis theo tên một vị thánh của Công giáo. Ông là người Nam Mỹ đầu tiên, và cũng là người đầu tiên từ Dòng Tên, trở thành giáo hoàng.
Ông được đánh giá là một vị giáo hoàng bình dị. Thay vì Điện Tông tòa Vatican - nơi ở chính thức của giáo hoàng - ông sống tại một tòa nhà khách để gần gũi hơn với mọi người. Ông còn kêu gọi các tín đồ quyên góp tiền cho người nghèo thay vì tới Rome dự lễ nhậm chức của ông.
Chỉ trong 12 năm, Giáo hoàng Francis đã mang tới nhiều thay đổi với Giáo hội Công giáo. Ông chống lại việc hình sự hóa với người đồng tính và chính thức cho phép các linh mục Công giáo ban phước lành cho các cặp đôi đồng giới hồi năm 2023.
Giáo hoàng Francis tại Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, tháng 3/2024. Ảnh: Reuters.
Giáo hoàng Francis cũng thừa nhận các sai lầm mà Giáo hội Công giáo đã gây ra trong quá khứ. Trong chuyến thăm Canada năm 2022, ông lên tiếng xin lỗi về thảm kịch xảy ra với người bản địa Canada tại các trường nội trú trong quá khứ, nơi hàng trăm nghìn trẻ em bản địa bị buộc tách khỏi gia đình.
Về ngoại giao, Giáo hoàng và Vatican góp phần đóng vai trò trung gian trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Mỹ năm 2014. Giáo hoàng đã gửi thư đề nghị hòa giải cho Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro, trong khi Vatican là một trong những địa điểm mà đoàn đại biểu hai nước gặp mặt.
Năm 2014, ông thăm Israel và Palestine và gặp mặt giới lãnh đạo chính trị, tôn giáo hàng đầu của hai quốc gia này để kêu gọi hai bên hòa giải. Sau khi Nga đưa quân vào Ukraine tháng 2/2022, ông đã tới Đại sứ quán Nga ở Rome - một hành động chưa có tiền lệ.
Giáo hoàng Francis không ngại lên tiếng đối với các vấn đề gây tranh cãi trong xã hội phương Tây. Hồi năm 2016, Giáo hoàng Francis tuyên bố những ai xây dựng bức tường để ngăn người nhập cư “không phải là người Cơ Đốc giáo”.
Trong một bức thư gửi các giám mục Mỹ hồi đầu tháng 2, Giáo hoàng Francis lên tiếng bảo vệ người nhập cư, chống việc coi họ là tội phạm hình sự.
Bao giờ Vatican có giáo hoàng mới?
Khi Giáo hoàng qua đời, Vatican sẽ phải nhanh chóng lựa chọn người kế nhiệm. Khoảng 2-3 tuần sau tang lễ, Hồng y đoàn (bao gồm tất cả hồng y của giáo hội Công giáo) sẽ triệu tập mật nghị hồng y tại Nhà nguyện Sistina để bầu Giáo hoàng mới, theo Politico.
Về nguyên tắc, mọi tín đồ Công giáo là nam giới có thể trở thành giáo hoàng. Tuy vậy, trong 700 năm qua, các giáo hoàng đều được lựa chọn từ Hồng y đoàn. Khác với nền chính trị thông thường, các ứng viên giáo hoàng thường không công khai vận động tranh cử.
Vào ngày bỏ phiếu, Nhà nguyện Sistina sẽ bị phong tỏa. Các hồng y phải tuyên thệ giữ bí mật. Chỉ những hồng y dưới 80 tuổi được phép bỏ phiếu, do đó, khoảng 120 người sẽ bỏ phiếu kín để bầu ra giáo hoàng mới.
Nếu không ứng viên nào giành được hai phần ba số phiếu bầu, các hồng y sẽ phải bỏ phiếu lại. Mỗi ngày, họ có thể tổ chức tới bốn vòng bỏ phiếu. Hồi năm 2013, Giáo hoàng Francis chỉ được bầu sau vòng bỏ phiếu thứ năm. Tuy nhiên, quy trình có thể còn lâu hơn: Một mật nghị hồi thế kỷ XIII kéo dài ba năm, trong khi một mật nghị khác vào thế kỷ XVIII kéo dài bốn tháng.
Giáo hoàng Francis vẫy tay chào các tín đồ sau khi được bầu vào năm 2013. Ảnh: Reuters.
Sau khi được kiểm đếm, các lá phiếu sẽ bị đốt. Một chiếc lò khác có nhiệm vụ đốt một loại hóa chất để thông báo kết quả cho thế giới: Nếu khói màu đen, các hồng y sẽ phải tiếp tục làm việc. Nếu khói trắng bốc lên, giáo hoàng mới đã được bầu.
Trước thời điểm đó, hồng y nhiếp chính và hai hồng y khác sẽ tạm thời đảm nhận cương vị điều hành Tòa Thánh. Dù vậy, một số quyết định phải tạm hoãn tới khi có giáo hoàng mới - như tấn phong giám mục hay phát hành một số văn bản quan trọng.
Ngay trong lúc Giáo hoàng Francis ốm nặng, các hoạt động của Vatican vẫn diễn ra. “Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Mọi người vẫn tiếp tục công việc của mình như thường”, một quan chức Vatican nói với trang thông tin Công giáo Aleteia.
Hà Thủy
Nguồn Znews : https://znews.vn/giao-hoang-francis-vi-giao-hoang-cua-su-binh-di-post1533723.html