Giao KPI cho lãnh đạo xã

Giao KPI cho lãnh đạo xã
7 giờ trướcBài gốc
Trong buổi làm việc mới đây với một xã biên giới, cách trung tâm hành chính tỉnh 240 km, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn khẳng định, tỉnh “sẽ giao chỉ tiêu phát triển cụ thể cho xã, giao KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) cho cả bí thư và chủ tịch UBND xã, nếu không hoàn thành sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn kiểm tra Trung tâm Phục vụ Hành chính công xã Ia Dom. Ảnh: H.D
Ý kiến của người đứng đầu UBND tỉnh được đưa ra trong bối cảnh mô hình chính quyền địa phương 2 cấp mới chính thức vận hành hơn 1 tuần, lại ở một xã biên giới xa xôi, nhiều khó khăn thiếu thốn như Ia Dom, với gần 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo 4,68%, đồng thời cũng là nơi có Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, có thế mạnh phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ cộng với kinh tế nông - lâm nghiệp vượt trội so với nhiều xã, phường khác sau khi sáp nhập. Vì thế những thuận lợi, những việc làm được và cả những tồn tại, khó khăn của Ia Dom có cơ sở để rút kinh nghiệm cho các địa phương khác của Gia Lai trong quá trình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ xã sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải tìm cách thay đổi để thích ứng, phải tự nâng mình để đủ sức gánh vác lượng công việc nhiều hơn, đạt hiệu suất cao hơn.
Nhất là khi bây giờ, cấp xã được phân quyền mạnh hơn, được quyết định nhiều nội dung công việc hơn liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử.
Bối cảnh mới, nhiệm vụ mới, việc lãnh đạo tỉnh giao chỉ tiêu cho cán bộ xã, nhất là bí thư và chủ tịch UBND xã, “ai không hoàn thành, phải chịu trách nhiệm” là lẽ đương nhiên. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới, nhằm hiện thực hóa quan điểm của Đảng trong việc khuyến khích cán bộ, nhất là người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; người lãnh đạo phải luôn nung nấu tinh thần sáng tạo, đổi mới.
Đây cũng là cách tiếp cận của cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang tiến hành, nhằm cải cách toàn diện nền hành chính quốc gia, mà trước hết là với đội ngũ cán bộ, công chức: Phải thay đổi cách thức đánh giá, xếp loại, trả lương theo vị trí việc làm. Ai làm tốt công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao thì ở lại trong hệ thống, được tạo điều kiện phát triển để cống hiến nhiều hơn cho nước cho dân. Ai chây ì, trì trệ thì đứng sang một bên, tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời.
Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, kỳ vọng sẽ tạo nền tảng để nền công vụ ngày càng hiệu quả hơn. Áp KPI đối với cán bộ, công chức, nhất là chủ tịch, bí thư cấp xã sẽ khuyến khích cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong quyết định các vấn đề thuộc trách nhiệm của mình. Họ sẽ gần dân, sát dân hơn để biết phải vì dân mà phục vụ, không để dân kêu ca phiền lòng. Vì thế, KPI không đơn thuần là một công cụ, một thước đo, mà còn là động lực để đạt được mục tiêu lớn hơn là xây dựng một nền công vụ hiện đại, minh bạch, vì dân.
ĐÌNH CƯƠNG
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/giao-kpi-cho-lanh-dao-xa-post560787.html