Bác Vũ Đăng Toàn và các nhân chứng lịch sử giao lưu với học sinh.
Dự buổi giao lưu có ông Vũ Đăng Toàn, nguyên Chính trị viên Đại đội, Đại úy, Trưởng xe tăng 390, người chỉ huy xe tăng 390 húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập trưa 30/4/1975; ông Nguyễn Văn Tập, người trực tiếp lái chiếc xe tăng 390; đông đảo cán bộ, nhân viên Viện Chiến lược lịch sử Quốc phòng Việt Nam cùng các em học sinh trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Trãi, thành phố Hải Dương.
Tại buổi giao lưu, các em học sinh được gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông Vũ Đăng Toàn chia sẻ với các đại biểu và các em học sinh về những kỷ niệm trong thời khắc chỉ huy xe tăng húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập. Xe tăng 390 là mũi thọc sâu của Đại đội 4, Lữ đoàn 23, Quân đoàn 2 vào giải phóng Sài Gòn. Hai xe tăng đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập là xe tăng 390 và xe tăng 834.
Trong quá trình đánh chiếm gặp rất nhiều khó khăn, địch chống trả quyết liệt. Nhưng với ý chí quyết tâm cao nhất, bất kỳ giá nào cũng phải giành thắng lợi, đơn vị tổ chức 8 xe tăng thành 2 đội hình tiến vào dinh Độc Lập. Rất nhiều đồng đội đã hi sinh nhưng các chiến sĩ đã làm tròn nhiệm vụ húc đổ cổng chính dinh Độc Lập, mở cửa cho các đơn vị tiến vào, bắt được toàn bộ nội các Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện và cắm lá cờ Mặt trận giải phóng dân tộc trên dinh Độc Lập, báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Giao lưu nhân chứng lịch sử lái xe tăng húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập.
Ông Nguyễn Văn Tập, người lái xe tăng 390 chia sẻ cảm nhận lúc xe tăng húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập rất xúc động, hào hùng, "húc đổ" một chính quyền thân Mỹ để giành lại độc lập. Thời điểm đó, ông là người may mắn, tự hào nhất trong cuộc đời binh nghiệp của người chiến sĩ.
Tại buổi giao lưu, các nhân chứng lịch sử dành thời gian chia sẻ với các em học sinh về diễn biến, thời khắc của cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.
Thông qua buổi giao lưu giúp các em học sinh hiểu hơn về tinh thần yêu nước, tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta nói chung và nhân dân Hải Dương nói riêng, đặc biệt là các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Qua đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm cho các bạn trẻ hôm nay, tiếp tục phát huy truyền thống của cha ông đi trước, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ học tập tốt.
Đại diện Viện Chiến lược lịch sử Quốc phòng Việt Nam trao tặng 2 suất học bổng cho 2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó.
Tại buổi giao lưu, Ban tổ chức đã tặng hoa và quà cho các nhân chứng lịch sử, Viện Chiến lược lịch sử Quốc phòng Việt Nam trao tặng 2 suất học bổng cho 2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó.
Các em học sinh được trải nghiệm hoạt động bện mũ rơm tránh vỏ bom đạn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước với các nhân chứng lịch sử.
Học sinh trải nghiệm hoạt động bện mũ rơm tránh vỏ bom đạn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tin, ảnh: Tiến Vĩnh (TTXVN)