Giáo pháp Đại thủ ấn của tổ sáng lập truyền thừa Drukpa - Tsangpa Gyaré Yeshe Dorje (1161-1211)

Giáo pháp Đại thủ ấn của tổ sáng lập truyền thừa Drukpa - Tsangpa Gyaré Yeshe Dorje (1161-1211)
2 ngày trướcBài gốc
Truyền thừa Drukpa thuộc hệ Kagyüpa, một trong những tông phái của Phật giáo Tạng truyền. Dịch giả Marpa (1012 – 1097) là tổ khai sáng hệ Kagyupa với hệ thống các giáo pháp Mật thừa, trong đó có giáo pháp Đại Thủ Ấn (Mahamudra). Tổ Tsangpa Gyaré (1161-1211) đã tiếp thu trọn vẹn giáo pháp Đại Thủ Ấn và Sáu Pháp Du già của Naropa.
Truyền thống Kagyü nói chung và dòng Drukpa nói riêng chú trọng vào thực hành dựa trên những phương pháp khai thị và khẩu truyền giáo pháp trực tiếp từ bậc thày xuống đệ tử.
Giáo pháp Đại Thủ Ấn là một trong những pháp hành trì quan trọng nhất và được thực hành rộng rãi trên toàn thể khu vực Phật giáo Himalaya.
Để thực hành giáo pháp này và tinh tiến trên đạo lộ giải thoát, người tu tập phải rèn luyện đầy đủ các phẩm chất căn bản của Phật giáo Đại thừa: 1. Có tâm xả ly luân hồi mạnh mẽ và sâu sắc; 2. Khát ngưỡng và phát nguyện đạt tới Niết bàn - Phật Quả vì mục đich giải thoát tất thảy các chúng sinh khỏi mọi loại khổ đau; 3. Trí tuệ về Tính không. Các phẩm chất này phải đầy đủ trước khi từng hành giả bắt đầu hành thiền về Đại Thủ Ấn.
Ngoài những phẩm chất căn bản trên, hành giả tu trì Đại Thủ Ấn cũng cần phải thuần thục những tác phẩm Trung Quán luận của tổ Long Thọ, Tập Lượng luận, Lượng thích luận của luận sư Pháp xứng và Ngọn hải đăng soi nẻo giác của tổ Atisha.
Luận thuyết Đại Thủ Ấn rất thâm sâu và rộng lớn tuy nhiên Tổ Tsangpa Gyare đã luận giải một cách hoàn chỉnh giáo pháp này thông qua nền tảng, con đường và quả vị tu trì.
Nền tảng của giáo pháp Đại Thủ Ấn dựa trên triết lý mọi hiện tướng vốn không có tự tính cố hữu. Nền tảng ở đây có nghĩa là Tính không. Tính không có nghĩa là tất cả các hiện tướng đều vốn tồn tại một cách chân thực, không ngụy tạo từ vô thủy. Tính không ngập tràn khắp nơi tất cả các hiện tướng trong pháp giới. Trong phương pháp tu trì Đại Thủ Ấn, nền tảng mang ý nghĩa bản thể của tâm, đó là trạng thái tâm chói lọi, rực rỡ và không thể nghĩ bàn.
Con đường hay phương pháp tu trì Đại Thủ Ấn thông qua văn-tư-tu, để liễu ngộ được bản chất bất sinh, bất diệt của mọi hiện tượng. Ở đây, con đường Đại Thủ Ấn có nghĩa tiến trình tu tập để liễu ngộ và thể nhập bản chất chân thực của thực tại.
Kết quả tu trì Đại Thủ Ấn giúp giải thoát khỏi mọi phiền não sau khi liễu ngộ tự tính vạn pháp. Một cách tự nhiên, các hành giả hành trì pháp Đại Thủ Ấn giải thoát khỏi mọi phiền não thông qua sự liễu ngộ tự tính tâm. Bất cứ hiện tướng gì hiện khởi trước tâm các hành giả đều vốn không có tự tính cố hữu. Ví dụ, cái dây thừng trong bóng tối có vẻ giống một con rắn đối với một người phàm phu nhưng thực chất không bao giờ có bản chất của con rắn. “Quả” ở đây có nghĩa hành giả liễu ngộ được nền tảng của Đại Thủ Ấn, tịnh hóa được các hiện tướng nhị nguyên vi tế nhất thông qua “con đường” để tận trừ hai loại che chướng (Sở tri chướng và Phiền não chướng), chứng đạt đạt hai thứ lớp trí tuệ và Tam thân Phật.
Những điều kiện cần phải có để tu trì pháp Đại Thủ Ấn
Thực hành Đại Thủ Ấn đòi hỏi các hành giả ít nhất phải có chính kiến về Tính không. Ở mức độ này, tri kiến về vạn pháp không tồn tại như chúng đang hiện khởi phải thấm nhuần trong dòng tâm của các hành giả. Các hành giả còn phải thấu hiểu “tự tính của tâm” vốn trong sáng và không nhiễm ô, và bản chất đó tồn tại sẵn có nơi mỗi chúng sinh. Họ phải tập trung vào “tự tính tâm” vốn là trong sáng và an lạc.Và tiếp đó, họ dần dần thiền quán về các đề mục như: vạn pháp có màu sắc và hình tướng như họ đang thấy không, và đâu là nơi tâm an trụ. Cuối cùng, họ có năng lực thấy rõ tự tính tâm và liễu ngộ tính không của vạn pháp.
Bốn pháp Du Già Đại Thủ Ấn do Tổ Tsangpa Gyaré luận giải
Tu trì Đại Thủ Ấn theo bốn thứ lớp Du già giúp tận trừ các chướng ngại gây nên“bốn điểm lạc lối về Tính không” và “ba điểm chệch hướng tu tập”. Tổ Tsangpa Gyare đã liệt kê như sau:
1. Bốn điểm lạc lối về Tính không mà hành giả có thể mắc phải
Lạc lối về Tính không bởi tâm tham chấp vào tự tính của đối tượng khả tri
Một số hành giả có thể nhầm lẫn đối tượng bên trong của thiền định là đối tượng bên ngoài. Điều này có hai nguyên nhân: hiểu nhầm lý thuyết và thực hành nhầm cách. Trong trường hợp như vậy, các hành giả có thể truyền đạt gần đúng hình ảnh của họ về Tính không cho những người khác nhưng các hình ảnh đó không hoàn toàn đúng như chúng đang là.
Lạc đường đến Tính không
Một số hành giả có thể đạt được những thành tựu khi tu trì nhưng lại không đặt mục đích quay về thể nhập bản chất tâm chân thật. Do đó, mặc dù hành giả có thể có kinh nghiệm và một số thành tựu nhưng đã sử dụng sai phương pháp trên con đường tu tập.
Lạc đường do sử dụng nhầm phương pháp đạt tới Tính không
Nhiều hành giả khi hành thiền về Tính không nhưng lại muốn tham gia vào các dạng thiền khác. Ví dụ, hành giả đó có thể thiền về trạng thái tâm tàm quý như một đối trị chống lại tâm tham luyến, hoặc cố gắng quán xét nơi mà sự sân giận của bản thân đã, đang tồn tại khi bản thân cảm nhận thấy cảm xúc đó. Trong trường hợp này, hành giả đó muốn bình ổn các tham muốn và cơn giận của bản thân, nhưng không đạt được Tính không. Do đó, khi hành giả thiền định về trạng thái tâm xấu hổ hay quan tâm đến bản chất là cơ thể con người được tạo thành từ những chất bất tịnh sẽ rất hữu ích. Khi đang bị chi phối bởi tâm hận thù, hành giả thiền về tình thương và lòng bi mẫn để đối trị những phiền não. Nhưng trong pháp tu trì nếu một hành giả đang hành thiền về trí tuệ Tính không, người đó phải chuyên nhất mà không được xao nhãng bởi các pháp tu trì khác.
Lạc đường bởi tâm “dán nhãn mác” Tính không
Khi các hành giả hào phóng trao tặng, bố thí mọi phẩm vật cho người khác và dán nhãn trạng thái vô niệm ở ba phương diện chủ thể, hành động và khách thể, họ có thể đi chệch khỏi trí tuệ Tính không bởi đã “dán nhãn mác” mọi thứ là không thật có. Do đó nhiều hành giả đã đi chệch hướng thành tựu Trí tuệ Tính không bởi họ chỉ quan tâm tới cái hiểu thông thường mà lãng quên mất sự trải nghiệm chân thực mới là mục đích tu trì.
2. Ba điểm chệch hướng tu trì
Có ba điểm lưu ý tránh dẫn tới tu trì sai hướng. Nếu một hành giả tinh tiến tu trì, họ có thể có được những kinh nghiệm tích cực chứa đựng ba loại năng lượng tại các thân vi tế và cực vi tế, gồm các kinh mạch, khí mạch và minh điểm. Do sự ảnh hưởng của Nghiệp, các cảnh sắc trong thiền của họ trở nên rõ ràng như hình ảnh được cảm thụ bởi năm thức trong đời sống thường nhật. Tuy nhiên, các hành giả không được lẫn lộn các cảnh sắc trong thiền định và các cảnh sắc trong các hoạt động thế tục của mình.
Trải nghiệm thiền về trạng thái tâm an lạc
“An lạc” biểu thị trạng thái hài lòng về thân và tâm. Tuy nhiên sự tham chấp vào trạng thái tâm an lạc sẽ dẫn đến tái sinh vào Dục giới bởi vì coi các trạng thái đó là niềm vui thú tối thượng và tham chấp vào trải nghiệm an lạc của thân tâm.
Trải nghiệm thiền về trạng thái tâm sáng suốt
“Sáng suốt” biểu thị trạng thái tâm không bị nhiễm ô bởi bất kỳ lầm lỗi nào gây nên bởi tâm điên đảo và sự xao nhãng. Khi hành giả trải nghiệm tự tính sáng suốt của tâm giúp họ vượt trên sự biếng trễ và hôn trầm, có thể thấy biết mọi hiện tượng một cách chi tiết và rõ ràng nhưng nếu tham chấp vào trạng thái tâm sáng suốt và coi đó là trạng thái tâm tối thượng, họ sẽ bị dẫn tới các cõi trong Sắc Giới.
Trải nghiệm thiền về trạng thái tâm vô niệm
Sự tham chấp ở trạng thái tâm vô niệm dẫn đến Cõi Vô Sắc Giới. Bởi vậy, hành giả phải thiền về Tính không mà không tham chấp vào ba loại trải nghiệm chủ thể, khách thể và hành động như trên. Tổ Tsangpa Gyare dạy rằng nếu hành giả có thể thiền về Tính không mà không bị chi phối bởi những lầm lạc trên, họ có thể bước vào tu trì pháp Du già “nội hỏa”, một trong sáu pháp Du già của Đức Nãropà.
3. Ba loại đối tượng hiện khởi trong tâm của thiền giả
Nếu hành giả không bị lạc lối bởi bốn điểm hay đi chệch đường như ba hướng dẫn trên thì họ có thể bước vào con đường tu trì pháp Đại Ấn. Có những chỉ dẫn riêng về phương pháp tu tập, trải nghiệm và quả vị cho từng loại hành giả với những căn cơ khác nhau.
Hiện khởi tức thời với bậc thượng căn
Hành giả với tâm trí sắc bén có thể chứng đạt trí tuệ, trải nghiệm và chứng ngộ tức thời khi định tâm và thực hành “nội quán”. Bốn pháp Du già của pháp Đại Thủ Ấn có thể thành tựu cùng một thời điểm. Giống như mặt trời tỏa rạng trên bầu trời trong không gợn mây. Một số bậc thầy dạy rằng điều này chỉ diễn ra đối với các hành giả có các nghiệp thanh tịnh.
Hiện khởi không cần trải qua một số bước tuần tự thông thường với bậc trung căn
Những bậc hành giả trung căn có thể đạt được sự hiểu biết, trải nghiệm và chứng ngộ không cần trải qua một số bước tuần tự thông thường như định tâm và nội quán. Tuy nhiên việc tu trì không qua đầy đủ các thứ lớp thông thường không ổn định và khó thành tựu, giống như hình ảnh mặt trời chiếu sáng phía sau các đám mây mù.
Bởi vậy, hành giả muốn tu trì phải y cứ nơi bậc thầy tâm linh đủ trí tuệ và thỉnh cầu các chỉ dẫn của bậc thầy. Tuy nhiên, nếu một người đang ở trong một thời kỳ tu trì biệt lập, người đó phải khởi tâm sùng kính và khẩn cầu bậc thầy tâm linh. Một khi ai đó đã có nỗ lực rất lớn thiền quán dài hạn, người đó sẽ đạt được chứng ngộ ổn định. Nếu một hành giả thiền quán ngắn hạn không ổn định trong đời hiện tại, việc thiền quán của người đó sẽ cần duy trì liên tục để có thể đạt sự ổn định trong “thân trung ấm”, thời kỳ giữa sự chết và tái sinh.
Những hiện khởi với bậc hạ căn
Hành giả hạ căn có thể đạt sự hiểu biết, trải nghiệm và chứng ngộ dần dần trong dòng tâm khi hành trì phương pháp tâm tĩnh lặng và nội quán sâu sắc. Bốn pháp Du già Đại Thủ Ấn có thể mang lại kết quả từng bước một. Các kinh nghiệm được cải thiện dần dần, giống như hình ảnh mặt trời chiếu sáng chầm chậm và dần lặn xuống nơi cô tịch bao quanh bởi những rặng núi cao. Bởi vậy, hành giả phải nương nơi một bậc thầy trí tuệ cho đến khi bản thân có thể tự minh định các trải nghiệm. Hành giả phải tuân thủ nghiêm ngặt các thời khóa hành trì liên tục tách biệt với môi trường bên ngoài. Khi ấy năng lực minh định các trải nghiệm về sự thanh tịnh hay nhiễm ô của vạn pháp sẽ được tăng cường.
4. Cách thức khai mở bốn pháp Du Già của Đại Thủ Ấn
Trong phần lớn các thực hành đều cần phải trải qua từng giai đoạn theo giáo lý Đại Thủ Ấn như sau:
Ý nghĩa chung và nền tảng của bốn giai đoạn Du Già Đại Thủ Ấn
A. Du già Nhất tâm, giai đoạn đầu tiên trong thực hành Đại Thủ Ấn
Thuật ngữ Nhất tâm trong pháp Du già biểu thị năng lực “tập trung vào bản thân tâm là thể của vạn pháp”. Đây là giai đoạn được coi là “con đường chuẩn bị” hay “con đường tích lũy” và xuất hiện như một không gian không có sự phân biệt giữa trung tâm và ranh giới. Nó không có sự phân biệt giữa trải nghiệm và chứng ngộ.
Nếu hành giả chỉ có chút ít hiểu biết về bản thể của tâm, thì chưa có gì chắc chắn hành giả đi đúng pháp tu trì. Điểm quan trọng là không để tâm chấp trước vào cái hiểu về bản thể trong sáng của tâm. Nếu không, hành giả có thể đi chệch hướng và tái sinh vào cõi Vô Sắc giới.
Ý nghĩa của thuật ngữ “con đường tích tập” là hành giả, trên con đường của mình, tích lũy các công đức tâm linh bằng cách cam kết vào các phương tiện tuyệt hảo của tâm giác ngộ, ví dụ như cam kết tu trì pháp cúng dường tượng trưng của vũ trụ để tích lũy công đức. Ý nghĩa của thuật ngữ “con đường chuẩn bị” là hành giả, trên con đường của mình, cam kết tu trì để chứng ngộ trực tiếp chân lý tính không của thực tại.
B. Giải phóng khỏi các khái niệm ngụy tạo là giai đoạn thứ hai trong thực hành Đại Thủ Ấn
Bản thể chân thực của tâm được ví như hình ảnh bầu trời rộng lớn không bờ mé, vượt khỏi hai thái cực đến – đi, vĩnh hằng – hư vô. Bản thể của tâm tự nó không bị bó buộc trong sự ngụy tạo của tâm phàm, vượt trên những diễn giải nghĩ bàn.
Giai đoạn này của Pháp Du già là con đường của liễu ngộ. Ý nghĩa của thuật ngữ này là: hành giả, trên con đường tu trì, liễu ngộ được bản thân mình bị chi phối bởi các khái niệm ngụy tạo vì bản chất của tâm vốn bất sinh, bất diệt.
C. Du già Đồng nhất vị, giai đoạn thứ ba trong thực hành Đại thủ Ấn.
Tất cả các hiện tượng đều vốn không có tự tính cố hữu, mà có cùng bản thể như nhau và đồng nhất vị, hay nói cách khác là cùng một trạng thái tâm giác ngộ. Hơn nữa, đối với những hành giả đã đạt được trạng thái tâm tĩnh tại thì tất cả các hình tướng hiện khởi trong khi hành thiền dù ở phương diện tương đối hay tuyệt đối đều vốn lưu xuất từ chân không, nên chúng không tách rời nhau như nước hòa vào trong nước.Giai đoạn này của pháp Du già được gọi là “con đường hành thiền”. Nghĩa của thuật ngữ này là hành giả, trên con đường tu trì, liên tục thiền quán về chân lý tuyệt đối.
D. Vô Thiền, giai đoạn thứ tư trong thực hành Đại Thủ Ấn
Du già Vô Thiền là giai đoạn vượt trên các quan niệm về nhận thức có đối tượng vật chất. Trạng thái tâm ở giai đoạn này là quang minh hòa hợp với sự tĩnh tại, đại định hòa hợp với trạng thái thành tựu. Do vậy, giai đoạn này không có sự phân biệt giữa sở hữu hay không sở hữu, bám chấp hay không bám chấp, thức hay ngủ.
Giai đoạn này của con đường dẫn tới trạng thái tâm Toàn thiện. Hành giả thấy biết được hai phương diện, con đường hành thiền và con đường dẫn tới Toàn thiện, chứng ngộ Pháp Du già Đồng nhất vị, tương đương địa Bồ tát thứ tám.
Ý nghĩa của Bản tính Tự nhiên của Từng Giai đoạn của Bốn pháp Du già
Tổ Phagmo Drupa (1110-1170) đã chia nhỏ mỗi một trong bốn giai đoạn này thành ba cấp độ: thấp, trung bình và cao. Tổng cộng, có mười hai thứ lớp tu trì. Nhiều học giả thế hệ sau chỉ sự tương thích của bốn pháp du già Đại Thủ Ấn với các quả vị của thập địa Bồ tát.
(A) Pháp Du già Nhất tâm
(1) Cấp độ đầu tiên của Du già nhất tâm là năng nhận biết những đối tượng hiện khởi trong tâm mà không thêm bớt (2) Cấp độ tiếp theo được ví như một bầu trời trong không gợn mây. Nó phản chiếu chính xác những gì hiện khởi trong quá trình hành thiền và hành giả thi thoảng có thể thoáng thấy linh ảnh của đối tượng thiền định thậm chí khi không hành thiền. Do năng lực của tâm vô niệm, các hình ảnh này có thể hiện khởi liên tục. Cấp độ cao nhất của pháp Du già nhất tâm diễn ra thậm chí ngay cả khi hành giả đang ngủ. Khi tất cả các tư tưởng hiện khởi trong tâm, hành giả hoàn toàn không chịu sự tác động của chúng, cả trong giai đoạn“hành thiền” và “giai đoạn hậu thiền”.
Trong giai đoạn này, các hành giả phải tách biệt bản thân khỏi sự bám chấp vào tám mối bận tâm thế tục cùng những mong cầu về những thành tựu trong tu trì.
(B) Pháp Du già giải phóng khỏi các khái niệm ngụy tạo
Tiến tới giai đoạn thứ hai, hành giả phải luôn thỉnh cầu và thiền định về thân tướng cũng như tâm nguyện của bậc thầy dạy đạo của mình. Có ba cấp độ ở giai đoạn này: (1) Hành giả giải phóng khỏi những khái niệm ngụy tạo phải hiểu bản thể của tâm ở giai đoạn này, vượt trên quan kiến sinh và diệt thông thường. (2) Ở cấp độ tiếp theo, hành giả chứng ngộ được bản thể của tâm bắt nguồn từ bản chất không thật có của mọi phiền não.(3) Ở cấp độ tối thượng, hành giả chứng ngộ được bản thể của tâm, thấy rõ bản chất giả huyễn của mọi hiện tượng bên trong và bên ngoài. Ba cấp độ trên hình thành nền tảng tạo nên sự cam kết tu trì không dao động hay thoái thất.
(C) Pháp Du già Đồng nhất vị
(1) Trong giai đoạn thứ nhất của Du già Đồng nhất vị, sau khi đã hoàn thiện thực hành pháp Du già giải phóng khỏi các quan niệm ngụy tạo, hành giả thấu hiểu rằng luân hồi và niết bàn có cùng một vị, đó là Tính không - bản thể tối hậu của thực tại. Thậm chí ở giai đoạn này, kinh văn viết rằng, nếu người thực hành có lấy mạng các chúng sinh, thì cũng không phải nhận quả của “hành động tội lỗi” đó bởi bản thân hành giả khi ấy không bị nhiễm ô bởi “năm ác đạo”. Tất nhiên sẽ vô cùng nguy hiểm nếu lầm lẫn và xóa nhòa ranh giới giữa các hành động thiện và xấu ác. Bởi vậy họ phải hiếu đúng quan kiến về nghiệp: nếu một người làm các hành động thiện/ác, người đó sẽ nhận các quả thiện/ác tương ứng. Tại thời điểm đó, thiền quán liên tục diễn ra trong tâm, và thậm chí trong giấc ngủ cũng hiển lộ ánh Tịnh quang. Khi đó có thể thành tựu Pháp Du già Vô Thiền bởi không có bất kỳ sự gián đoạn nào trong thực hành. (2) Giai đoạn trung gian của Du già đồng nhất vị, hành giả hoàn toàn cắt đứt mọi gốc rễ của tâm phân biệt giữa chủ thể và khách thể. (3) Giai đoạn cao nhất của thành tựu Du già đồng nhất vị là tất cả các hiện tướng trình hiện trước tâm đều được an bình mà không có bất kỳ tạo tác nào.
Ở cấp độ ba loại pháp Du già, tất cả các chúng sinh được nhìn ở lăng kính Pháp thân tức là “Thân chân thật” (Dharmakayã). Nhưng nếu như vậy thì ai đang làm hành động lợi tha và ai là đối tượng cần thụ nhận tâm lợi tha? Kinh văn chỉ ra rằng, tất cả các chúng sinh không thể giải thoát khỏi luân hồi nếu các hành giả chỉ thiền về từ bi và khởi tâm mong cho mọi chúng sinh được giải thoát. Để có thể thực sự làm lợi ích chúng sinh, hành giả phải khởi tâm từ trí tuệ Tính không và phải rèn luyện trong các công hạnh Bồ tát vô số lần.
Hơn nữa, trí tuệ khởi sinh trong giai đoạn“thiền định” và “giai đoạn hậu thiền” không hoàn toàn rốt ráo ở giai đoạn tu trì vào giai đoạn Du già giải phóng khỏi các khái niệm ngụy tạo, những phiền não vi tế vẫn còn lưu lại và cần phương pháp trong giai đoạn Đồng nhất vị mới có thể tận trừ.
(D) Pháp Du Già Vô Thiền
(1) Trong giai đoạn thứ nhất của Du già Vô thiền, việc thực hành liên tục pháp Du già được ví như hình ảnh dòng sông chảy, giải thoát khỏi khái niệm xuất hiện nhị nguyên của đối tượng thiền định và người hành thiền. (2) Ở cấp độ tiếp theo, hành giả sẽ đạt được nền tảng của sự hoàn hảo một cách tự nhiên, giải phóng tâm hành giả khỏi sự bám chấp vi tế và chứng ngộ được giai đoạn vô thiền liên tục trong cả ngày lẫn đêm. Hai cấp độ vô thiền Du già này tương ứng với Bồ Tát cửu địa (Sãdhu-matĩ) có nghĩa là Trí tuệ viên mãn, và Bồ Tát thập địa (Dharma-megha) hay Pháp vân địa, có Nhất thiết trí. (3) Ở cấp độ cao của Du già vô thiền, hành giả hợp nhất được chủ thể và khách thể trong ánh sáng quang minh. Khi ấy họ đã hoàn toàn làm chủ năng lực đại định một cách tự nhiên trong trạng thái Pháp Thân. Thành tựu giai đoạn của pháp Du già tương ứng quả vị Phật. Tổ Dakpo Lhajé viết:
Đừng để quan kiến lạc lối nơi đối tượng mình thấy biết
Đừng để pháp thiền bám víu vào năng lực của tâm
Đừng vọng tưởng vào sự thành tựu quả vị tương lai
Đó chính là sự vĩ đại của Pháp.
Kết luận
Trên đây là giới thiệu tóm tắt giáo pháp Đại Thủ Ấn nói chung và những luận giảng của Tổ Tsangpa Gyaré dòng Drukpa. Trong phần giới thiệu trên, Tổ đã luận giảng một Pháp Du già phổ biến trong truyền thống Phật giáo Tạng truyền từ góc độ tu trì, đặc biệt cảnh tỉnh “bốn điểm lầm lạc trước Tính không” và “ba điểm chệch đường tu trì” mà bất kỳ hành giả Phật pháp nào cũng có thể phạm phải. Tiếp tới là những luận giải về Đại Thủ Ấn qua bốn giai đoạn với những căn bản giáo lý, con đường tu trì và quả vị tương ứng. Đây là pháp Du già vẫn được truyền thừa qua nhiều thế hệ các hành giả tu trì nghiêm mật cho tới ngày nay.
Anh VũLa Sơn Phúc Cường dịch, tổng hợp
***
Nguồn: Thupten Gawa Matsushita, Introduction to the theory of Mahamudra by the Founder of Drukpa Kagyu, Tsangpa Gyare, Bhutanese Buddhism and its Culture, Vajra Book, 2014.
Tài liệu Tham khảo:
Các nguồn Tây Tạng
1. Rnal ‘byor bzhi yi zhal gdams; The Collected Works by Tsangpa Gyaré Yeshi Dorje (1161 -1211), Kathmandu: Shri Gautama Buddha Vihara, 1998
2. Gser sgom gyi zhu lan rnal ‘byor bzhi’i dgams pa; The Collected Works by Tsangpa Gyaré Yeshi Dorje (1161 -1211), Kathmandu: Shri Gautama Buddha Vihara, 1998
3. Pyag chen khrid yig gnyug ma’i de nyid gsal ba, Dakpo Tashi Namgyal (b.16c), Kathmandu: Thrangu Dharma Kara Publication
Các nguồn tiếng Anh
1.Mahamudra and related Instructions, translated by Peter Alan Roberts, the Library of Tibetan Classics, 2011.
2.Dakpo Tashi Namgyal, Mahamudra the Moonlight, (trans.Lobsong Lhalungpa), Shambala Pub, 1986.
3.Tsele nátok Rangdrol, The light of Mahãmudrã, (trans.Erik Pama Kunsang), Shambala Pub, 1989.
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/giao-phap-dai-thu-an-cua-to-sang-lap-truyen-thua-drukpa-tsangpa-gyare-yeshe-dorje-1161-1211.html